Nuôi con, nhiều bậc cha mẹ băn khoăn liệu bé trai đóng bỉm hay uống sữa đậu nành có làm giảm sự nam tính, gây vô sinh… Trước những thắc mắc này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với bác sĩ Hoàng Thúy Hải.
1. Cu Minh nhà em đã gần 4 tháng tuổi. Là ‘con đầu, cháu trưởng’ nên bé được bố, ông bà nội hết mực nuông chiều và chăm sóc rất kỹ. Ngày cu Minh chưa chào đời, vợ chồng em không bao giờ to tiếng, lời qua tiếng lại gây mất hòa khí gia đình. Nhưng từ ngày có cu Minh, chồng em đâm ra hay ‘soi’ cách vợ chăm con – từ chuyện cho con ăn thế nào, tắm cho con ra sao… đến chuyện quấn tã, đóng bỉm cho con – và thường xuyên chê em vụng.
Hôm trước, em và chồng đã có một cuộc cãi vã nảy lửa và anh đã tát em một cái chỉ vì ‘cuộc chiến’ nên hay không đóng bỉm cho cu Minh. Em thì muốn đóng bỉm cho con để chăn chiếu trong nhà đỡ bị ngấm nước tiểu, lúc nào cũng hôi rình nhưng chồng em thì kiên quyết phản đối, mắng em thiển cận, ngu ngốc… chỉ vì: “Anh nghe các chị cùng cơ quan nói rằng, từ 4 tháng tuổi bé trai đóng bỉm sẽ dễ hỏng tinh binh dẫn đến vô sinh”. Các chị ơi, liệu đóng bỉm có khiến con trai em vô sinh?
Email của độc giả: hangmeo…@…
Bác sĩ Hoàng Thúy Hải: Hiện nay có một số ông bố bà mẹ lạm dụng việc sử dụng bỉm. Vì khi dùng bỉm sẽ rất nhàn nhưng đóng bỉm như vậy không tạo được phản xạ có điều kiện cho con. Với những trẻ đóng bỉm thường xuyên, khi nào có nhu cầu tiểu tiện và đại tiện thì cứ thế cho ra theo bản năng, không có giờ giấc nhất định.
Khi đóng bỉm cho trẻ trai hay gái đều có thể ảnh hưởng tới các cơ quan phía dưới kể cả cơ quan sinh dục hay hậu môn. Vì khi đeo bỉm liên tục, nhiệt độ ở vùng đó tăng lên, gây bí, không thoát được mồ hôi. Cho nên đóng bỉm nhiều mà không dùng chất bảo vệ hay bột tan thì có thể gây hăm hay loét da vùng mông.
Bạn không nên sử dụng bỉm 24/24 đặc biệt vào mùa hè, chỉ nên sử dụng bỉm ban đêm để đỡ ảnh hưởng giấc ngủ của mẹ và bé. Lúc đóng bỉm cho con cần kiểm tra thường xuyên để thay kịp thời khi trẻ tiểu tiện hay đại tiện. Nếu không vệ sinh sạch sẽ, thường xuyên thì phân có thể gây viêm nhiễm cơ quan sinh dục của trẻ.
Nỗi lo của chồng bạn có lý nhưng hơi thái quá, vì trẻ còn bé nên khi đóng bỉm nhiệt độ vùng gần cơ quan sinh dục của trẻ có tăng lên nhưng cũng chưa đến mức độ có thể làm ảnh hưởng tinh hoàn, số lượng và chất lượng tinh trùng. Khi trẻ trưởng thành, lúc đó chức năng sản xuất tinh trùng mạnh hơn thì các yếu tố nhiệt độ, lý hóa tác động lên tinh hoàn mới gây ảnh hưởng.
Trong quá trình nuôi dạy con, các ông bố mẹ sẽ có rất nhiều lần bất đồng quan điểm, tranh cãi về kiến thức, cho nên cố gắng tìm ra giải pháp phù hợp, bình tĩnh, phân tích cho nhau hiểu để tránh rạn nứt tình cảm gia đình.
2. Con trai tôi 6 tuổi và bị suy dinh dưỡng. Tôi nghe nói thịt cóc tốt nên có mua vài lạng với ý định tẩm bổ cho con nhưng chồng tôi kiên quyết không cho con ăn. Chồng tôi nói rằng: “Thịt cóc có nhiều đạm nhưng con có thể bị ngộ độc nếu thịt làm không sạch”. Tôi không hiểu thực hư thế nào? Xin bác sĩ tư vấn giúp tôi.
Câu hỏi từ địa chỉ email: hanhhoa…@…
Bác sĩ Hoàng Thúy Hải: Thịt cóc là thực phẩm có nhiều chất dinh dưỡng đặc biệt phần cơ đùi và lưng. Tuy nhiên, nếu quá trình chế biến bị dính nhựa từ da cóc, đặc biệt là dính sản phẩm từ gan hay mật cóc là vùng chứa nhiều chất độc với cơ thể người nói chung và trẻ em nói riêng sẽ rất nguy hiểm.
Nếu không có kiến thức thì không nên tự chế biến hay sử dụng sản phẩm từ cóc cho trẻ. Còn nếu muốn sử dụng cần phải tìm đến cơ sở chuyên sản xuất lớn, có giấy phép. Bản thân tôi chưa bao giờ cho con sử dụng sản phẩm từ cóc, vì không yên tâm.
3. Con trai thích uống sữa đậu nành nên em vẫn thường cho bé uống nhưng mấy hôm trước em có nghe được thông tin là cho bé trai uống sữa đậu nành sẽ không tốt cho sự phát triển ‘con giống’ vì có chứa chất diệt tinh trùng (em không hiểu là chất gì). Xin hỏi bác sĩ thực hư chuyện này thế nào? Nếu đúng thì em cần làm gì để cứu con?
Câu hỏi từ địa chỉ email: quynhhoa@…
Bác sĩ Hoàng Thúy Hải: Trong sản phẩm đậu nành chứa chất isoflavon có thể ảnh hưởng tới chất lượng và số lượng tinh trùng. Tuy nhiên, chất này không làm ảnh hưởng đến giới tính của người dùng như mọi người nói.
Vì vậy, sữa đậu nành nên sử dụng cho người lớn tuổi, không nên dùng cho trẻ hay những thanh niên trong độ tuổi sinh sản. Bạn có thể dùng sữa bột hay sữa tươi cho trẻ uống hàng ngày.
4. Con trai em đã được 4 tháng tuổi. Xin hỏi bác sĩ em đã có thể cho bé uống nước trái cây được chưa? Nên cho bé làm quen với loại nước trái cây nào trước tiên? Cảm ơn bác sĩ.
Câu hỏi của độc giả gửi từ email: anhsangsao…
Bác sĩ Hoàng Thúy Hải: Khi con bạn 4 tháng tuổi đã có thể bắt đầu ăn dặm nên thời điểm này dùng thêm trái cây cũng là nguồn cung cấp nhiều vitamin và chất xơ cho trẻ. Bạn có thể cho cháu ăn các loại trái cây với nguyên tắc từ dạng nước đến đặc, ít đến nhiều. Khi mới ăn bố mẹ có thể ép ra dạng nước, sau đó cho con ăn đặc hơn và khi lớn hơn một chút có thể ăn toàn bộ.
Bạn có thể lựa chọn cam, chuối, đu đủ, na na, dưa hấu… Tuy nhiên, khi mua cần lưu ý chọn quả tươi, đảm bảo vệ sinh, không nên chế biến nhiều để cho dùng dần mà cần chế biến đúng lượng trẻ cần ăn. Ngoài ra, bạn cần lưu ý không được cho con ăn quá lạnh làm kích thích niêm mạc dạ dày và gây viêm họng.
5. Con trai em 1,5 tuổi và rất biếng ăn. Xin bác sĩ tư vấn giúp em cách trị bệnh cho con.
Câu hỏi của độc giả gửi từ email: phamthuy…@…
Bác sĩ Hoàng Thúy Hải: Lười ăn không chỉ là vấn đề của con bạn mà nhiều gia đình cũng đau đầu với chuyện này. Nguyên nhân biếng ăn có thể do tự thân đứa trẻ không thích ăn, hậu quả sau khi mắc bệnh về tiêu hóa hoặc rối loạn hấp thu. Theo tôi, bạn nên tuân thủ nguyên tắc cho con ăn theo giờ cố định. Trước khi ăn, không cho con ăn đồ ngọt hay nước có ga, cần thay đổi món ăn cho phù hợp với khẩu vị. Như vậy mới có thể cải thiện được tình trạng lười ăn của trẻ.
Nếu tình trạng trẻ biếng ăn quá mức, ảnh hưởng đến sự phát triển của cơ thể thì nên tìm đến Viện dinh dưỡng hoặc trung tâm tư vấn dinh dưỡng để được thăm khám và nhận được chỉ định của bác sĩ.