Sau khi thăm khám, bác sĩ kết luận chị bị viêm da do mồ hôi ra nhiều mà không vệ sinh sạch sẽ. Bé Nấm thì bị viêm phế quản nhẹ. Bác sĩ còn “giáo huấn” cho hai bà một bài về cách chăm sóc sản phụ và trẻ sơ sinh. May mà chị được nhập viện sớm nên hai mẹ con không có vấn đề gì nguy hiểm. Cũng nhờ thế mà từ hôm đó chị mới được tắm gội và ăn uống thoải mái.
Viêm da vì kiêng cữ sau sinh
Nhập viện trong tình trạng mụn nhọt, ban ngứa nổi đầy người, chị Lan Anh (Định Công, Hà Nội) chia sẻ: “Em không biết tại sao một tuần nay, người em nổi hết mẩn đỏ và rất ngứa. Tình trạng bệnh mỗi ngày một nặng nề hơn. Em tưởng do bị dị ứng thời tiết nhưng đến hàng tuần vẫn không khỏi. Đến đây khám mới biết em bị viêm da do lâu ngày không tắm rửa”.
Lan Anh mới sinh con gái đầu lòng hồi cuối tháng 5. Chị kể, chị sinh Nấm đúng vào những ngày nắng nóng nhất. Cứ tưởng rằng sinh vào đầu hè sẽ đỡ hơn thế mà không ngờ năm nay nắng nóng đến sớm. Sau sinh nở, chị được mẹ chồng kiêng cữ cho rất cẩn thận. Ngày nào bà cũng nhắc nhở chị phải đeo bông tai, đi tất, mặc quần áo dài tay và đặc biệt không được động vào nước lạnh. Không chỉ mẹ chồng, mẹ đẻ chị cũng rất kiêng cho con gái. Dù ở cách nhà Anh 3 cây số nhưng ngày nào bà cũng tranh thủ sang chăm con gái. Được cả mẹ chồng, mẹ đẻ chăm nên cô chẳng phải làm gì, nhưng cũng chính vì thế cô đương nhiên phải kiêng cữ theo đúng “mệnh lệnh” của các mẹ.
Suốt một tháng đầu, chị phải ăn uống rất kiêng khem, chỉ được ăn thịt nạc (thịt bò, gà, lợn) và rau ngót (luộc, nấu canh). Nhưng vì là người không ham ăn uống nên Lan Anh không thấy quá “khó thở” bằng việc kiêng cữ trong sinh hoạt. Cả tháng trời thời tiết nóng như đổ lửa mà cô không được ra ngoài. Cửa phòng thì lúc nào cũng đóng kín mít. Mẹ chồng cô không cho hai mẹ con sử dụng điều hòa, sợ ảnh hưởng đến em bé mới sinh. Chiếc quạt trần thì chỉ phe phẩy nhẹ đủ để đuổi ruồi… Không những thế, suốt tháng đó, Lan Anh chẳng được tắm gội. Cô chỉ được rửa mặt và lau qua người thật nhanh bằng nước ấm. Đến tuần thứ 3, cô không thể chịu nổi vì ngứa ngáy nhưng mẹ chồng và mẹ đẻ vẫn quyết tâm giữa quan điểm không cho tắm gội cho đến hết tháng. Chẳng lâu sau đó, người Lan Anh bắt đầu nổi mẩn. Ban đầu là những chiếc mụn nhỏ khiến cô ngứa ran, những tưởng đó là do dự ứng thời tiết nhưng càng ngày cô càng ngứa hơn. Mụn còn mọc cả trên đầu. Bé Nấm vì nóng quá, ra nhiều mồ hôi nên cũng húng hắng ho suốt ngày. Cả tuần trời hai mẹ con không khỏi nên chồng chị đã quyết định cho nhập viện.
Sau khi thăm khám, bác sĩ kết luận chị bị viêm da do mồ hôi ra nhiều mà không vệ sinh sạch sẽ. Bé Nấm thì bị viêm phế quản nhẹ. Bác sĩ còn “giáo huấn” cho hai bà một bài về cách chăm sóc sản phụ và trẻ sơ sinh. May mà chị được nhập viện sớm nên hai mẹ con không có vấn đề gì nguy hiểm. Cũng nhờ thế mà từ hôm đó chị mới được tắm gội và ăn uống thoải mái.
Kiêng sau sinh thế nào cho đúng?
Theo các chuyên gia, việc kiêng sau sinh là cần thiết nhưng không nên thái quá như trường hợp của chị Lan Anh.
Về sinh hoạt
Giữ vệ sinh cơ thể sau sinh nở là điều cần thiết. Tuy nhiên, sản phụ nên chú ý tắm gội nhanh và ở nơi kín gió. Với chị em sinh thường, không rạch tầng sinh môn thì có thể vệ sinh cơ thể bằng nước ấm sau sinh 1-2 ngày. Với những người sinh mổ hoặc bị rạch tầng sinh môn thì thời gian kiêng cữ có thể lâu hơn một chút (khi vết thương đã lành) nhưng vẫn có thể dùng khăn ấm để lau người. Sau sinh từ 3-4 ngày, sản phụ hoàn toàn có thể tắm bằng nước ấm nhưng cần lưu ý thời gian tắm không được kéo dài mà chỉ nên tắm càng nhanh càng tốt.
Với chị em sinh thường, không rạch tầng sinh môn thì có thể vệ sinh cơ thể
bằng nước ấm sau sinh 24-48 giờ. (ảnh minh họa)
Việc không được tắm gội đến hàng tháng trời sẽ khiến cơ thể sản phụ ngứa ngáy, khó chịu và mắc các bệnh về da. Không cẩn thận, bệnh từ mẹ có thể lây sang cả con, nhất là với những người sinh nở vào mùa hè.
Ngoài ra, chị em cũng nên vận động nhẹ nhàng sau sinh và tập thể dục với những bài tập đơn giản từ 6-8 tuần sau đó.
Về ăn uống
Việc bổ sung dưỡng chất sau sinh là vô cùng quan trọng để tạo nguồn sữa mẹ tốt nhất cho trẻ sơ sinh. Vì thế khẩu phần ăn của sản phụ phải tăng thêm về số lượng và chất lượng. Hai thành phần chính cần lưu ý là protein và canxi. Nhu cầu protein mỗi ngày là 80-100g và cân đối protein có nguồn gốc động vật (thịt, cá, trứng và sữa) lẫn nguồn gốc thực vật (đậu phụ, các loại đỗ và ngũ cốc). Lượng canxi cần thiết mỗi ngày là 1.000mg, gấp đôi nhu cầu thông thường. Canxi có nhiều trong sữa, trứng, tôm, tép và các loại hải sản.
Chị em cần ăn uống đầy đủ, nên ăn chín, nóng và uống sôi. Không nên dùng thức ăn lạnh hay đồ nguội vì dễ gây rối loạn tiêu hóa. Ăn 3 bữa chính kèm các bữa phụ bằng uống sữa, ăn bánh, ăn hoa quả… Giai đoạn cho con bú cần thêm viên sắt và acid folic. Cần ăn thêm rau xanh để tránh táo bón. Ngoài ra, chị em cũng lưu ý bổ sung nước đầy đủ để đảm bảo nguồn sữa mẹ dồi dào cho trẻ.
Thứ duy nhất mà các mẹ nên kiêng là các chất kích thích như cafe, thuốc lá, rượu, bia. Ngoài ra, sản phụ cũng nên hạn chế các đồ ăn nhiều dầu mỡ, chua, cay.