Một nghiên cứu gần đây cho thấy rằng một số từ hay cụm từ thường được bố mẹ dùng với mục đích khen ngợi con trẻ hóa ra lại mang đến hiệu quả ngược lại. Mặc dù khi sử dụng những câu nói đó, chúng ta đều có ý tốt nhưng lại gián tiếp khiến trẻ trở nên nghi ngờ bản thân, nảy sinh tâm lý chủ quan, lười biếng hay sẵn sàng bỏ cuộc trước những khó khăn. Mẹ khéo giao tiếp nên để ý những câu nói sau đây:
“Làm tốt lắm”
Vấn đề lớn nhất với câu nói này là cha mẹ thường nói nhiều lần và dành cho cả những việc mà đứa trẻ không thực sự nỗ lực để đạt được. Điều này dạy cho trẻ rằng bất cứ điều gì trẻ làm đều là một “việc tốt”.
Thay vì hào phóng tặng con lời khen quá mức, mẹ có thể nói: “Mẹ rất vui vì con đã cố gắng hết mình”. Bằng cách tập trung vào nỗ lực của một đứa trẻ, mẹ đang dạy con rằng sự cố gắng và hết mình vì công việc quan trọng hơn kết quả đạt được. Điều này dạy cho trẻ phải kiên trì hơn khi chúng đang làm một nhiệm vụ khó khăn và không nản chí nếu có gặp thất bại.
“Ngoan lắm”
Ngược lại với những gì mẹ hi vọng, câu nói này nếu sử dụng sai hoàn cảnh sẽ có tác dụng không tốt. Hầu hết các bậc cha mẹ nói điều này như một cách để thúc đẩy một đứa trẻ. Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng có kết quả như mẹ mong. Được mẹ khen “Ngoan lắm” sau khi hoàn thành công việc mẹ đã giao, bé sẽ cho rằng mình “ngoan” bởi vì đã làm những gì mẹ yêu cầu. Điều này tạo ra một “kịch bản” trong đó trẻ em luôn sợ mất đi “danh hiệu” bé ngoan nên mới cố làm theo những gì mẹ bảo chứ không hề nhận ra cái gì là tốt.
Có thể ví dụ: Khi mẹ yêu cầu bé chia sẻ đồ chơi cho bạn, bé làm theo và mẹ nói “Ngoan lắm!”. Bé sẽ nghĩ rằng việc mình nghe lời mới là “tốt”. Thực tế không phải. Cái mẹ muốn là bé nhận ra việc chia sẻ đồ chơi cho bạn mới là tốt. Do đó, mẹ nên nói “Mẹ rất vui vì con đã chia sẻ đồ chơi cho bạn”. Điều này sẽ giúp bé hiểu việc tốt mình nên làm và từ đó quyết định lặp lại các hành động như vậy chứ không phải làm việc đó chỉ để khiến mẹ hài lòng.
“Tranh đẹp đấy!”
Khi bé khoe mẹ một bức tranh mình vẽ, mẹ nhanh chóng đáp “Con vẽ đẹp đấy!”. Điều này đã gián tiếp cướp đi cơ hội để trẻ tự học cách đánh giá khả năng của bản thân.
Thay vì ngay lập tức khen ngợi, mẹ có thể gợi ý “Mẹ nhìn thấy màu đỏ, xanh và vàng! Con nói mẹ xem con đang vẽ gì đấy?”. Bằng cách đưa ra một quan sát chứ không phải đánh giá, mẹ cho phép trẻ tự quyết định xem bức tranh bé vẽ là đẹp hay không. Biết đâu bé đang định vẽ một hình ảnh đáng sợ thì sao? Bằng cách yêu cầu con nói với bạn về bức tranh, mẹ sẽ giúp con tự đánh giá công việc của mình và chia sẻ những ý định, kỹ năng có ích cho trẻ khi lớn lên.
“Nếu con….mẹ sẽ thưởng…..”
Hối lộ trẻ em là hủy diệt tương lai của chúng. Việc thương lượng, “đổi chác” với trẻ nếu sử dụng thường xuyên sẽ gây phản tác dụng bởi một ngày nào đó, khi mẹ yêu cầu con dọn nhà, rất có thể mẹ sẽ nhận được câu trả lời: “Không! Con sẽ không dọn phòng trừ khi mẹ mua cho con bộ xếp hình”.
Thay vì cố gắng “treo thưởng” cho con, mẹ nên nói “Cảm ơn con yêu vì đã giúp mẹ dọn nhà”. Khi chúng ta cho trẻ biết sự cảm kích của mình với việc làm của trẻ, con sẽ có thêm động lực để giúp đỡ chúng ta. Và nếu trẻ gần đây không chịu giúp đỡ mẹ, hãy nhắc cho con nhớ một hành động tốt của bé. Ví dụ như “Hồi trước con thường hay giúp mẹ đổ rác buổi tối nhỉ. Việc làm của con rất có ích đấy. Nó đỡ cho mẹ được bao nhiêu việc”. Bé sẽ tự nhận ra rằng việc giúp đỡ mẹ rất vui và bổ ích, từ đó hăng hái làm việc mà không cần có một phần thưởng treo nào.
“Con thông minh lắm”
Khi mẹ nói với trẻ rằng chúng thông minh, mẹ nghĩ rằng mình đang cố gắng thúc đẩy sự tự tin của con. Thật không may, những lời khen thông minh của mẹ có khi lại phản tác dụng. Bằng cách nói với con chúng thông minh, mẹ đã vô tình gửi thông điệp rằng trẻ chỉ thông minh khi được lên lớp, được điểm 10 hay được học sinh giỏi… – Đó sẽ là một áp lực rất lớn.
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng khi được khen thông minh sau khi trả lời được một bài toán… trẻ sẽ giảm nỗ lực để làm một bài toán khó hơn. Đó là bởi vì trẻ đang lo lắng rằng nếu chúng không làm tốt, mẹ không còn nghĩ chúng là thông minh nữa.
Thay vào đó, hãy thử nói với con rằng mẹ đánh giá cao cố gắng của con. Bằng cách tập trung vào các nỗ lực, chứ không phải là kết quả, mẹ đang dạy trẻ biết điều gì thực sự quan trọng. Chắc chắn, giải quyết được một bài toán khó là niềm vui nhưng nỗ lực để giải những bài toán khó hơn mới thực sự có ý nghĩa.