Các mức độ rất cao của nội tiết tố nữ hiện diện trong cơ thể suốt thai kỳ, điều này đồng nghĩa với việc cơ thể bà bầu cũng tiềm ẩn nhu cầu được “yêu” hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, các nguy cơ về “sex” khi mang thai có thể làm cho chị em lo sợ ảnh hưởng đến thai nhi và e ngại quan hệ vì muôn vàn lý do tế nhị khác. Tuy nhiên, nhiều khi bà bầu lo lắng hơi “thừa” về nguy cơ yêu trong thai kỳ, từ đó có những ám ảnh không cần thiết ảnh hưởng cuộc yêu giữa hai vợ chồng.
Do đó, hãy cùng tìm hiểu và giải tỏa những vướng mắc về yêu trong thai kỳ với những câu hỏi phổ biến nhất về vấn đề này.
1. Khi mang thai, tình dục có an toàn?
Nếu không có các lý do y học cần kiêng cữ thì sex được coi là an toàn và có thể được phép trong thời gian mang bầu. Hơn nữa, ở đa số thai phụ đều tiềm ẩn khoái cảm tình dục, và có lẽ còn cao hơn cả lúc chưa mang thai. Bà bầu chỉ kiêng quan hệ khi gặp phải các rủi ro sau: thấy xuất huyết âm đạo, khi đó cần tham khảo ý kiến bác sĩ càng sớm càng tốt; nghi ngờ hoặc được xác định bị nhau tiền đạo; không sex trong tháng cuối khi mang bầu từ 2 bé trở lên; trong 12 tuần cuối nếu có tiền sử chuyển dạ sớm hoặc có các dấu hiệu chuyển dạ sớm; bị bể nước ối hay nút đậy cổ tử cung đã mở (thấy chảy nhớt hồng).
Thông thường, sự lo lắng về tính an toàn của tình dục suốt thai kỳ là không có cơ sở, vì thế cả hai vợ chồng cần thảo luận, bàn bạc với nhau một cách chân thành và cởi mở để tránh những lo âu không cần thiết ảnh hưởng đến sự gắn kết tình cảm giữa hai người.
2. Sợ em bé cảm nhận được ba mẹ đang “sex”
Nhận xét về mối lo thường gặp của các cặp vợ chồng sắp làm cha mẹ, tiến sĩ Mary Jane Minkin khẳng định: “Em bé của bạn không phát triển “thần tốc” tới mức có thể nhận thấy bố mẹ nó đang “yêu”, đơn giản là bé chỉ trôi nổi bồng bềnh trong lớp nước ối ấm áp mà thôi. Vì vậy, nếu thai kỳ của bạn đã được bác sĩ đánh giá hoàn toàn khỏe mạnh, bình thường, hãy yên tâm tận hưởng cảm giác thư giãn khi ở bên nhau”.
Đồng thời, các mẹ bầu cũng nên yên tâm rằng sex không hề làm đau bé. Nguyên nhân là do cổ tử cung của bạn đã được bảo vệ bởi một màng nhầy dầy đặc chống lại nhiễm trùng từ bên ngoài, thêm vào đó túi ối và cơ tử cung sẽ bảo vệ bào thai khỏi bất kỳ chuyển động nào gây ra trong suốt cuộc yêu. Nếu thấy bé chuyển động sau khi bạn đạt cực khoái, thì đơn giản đó là do sự gia tăng nhịp tim của mẹ.
3. Tư thế yêu nào an toàn?
Do kích thước vùng bụng của bạn không ngừng tăng lên, nên tư thế quan hệ theo kiểu truyền thống có thể không còn thích hợp trong thời gian bầu bí. Để cơ thể thoải mái và điều khiển được cuộc “yêu”, bạn có thể thử tư thế nữ bên trên, quỳ, nằm nghiêng kiểu “cái muỗng” hoặc ngồi, trong đó tư thế ngồi rất thích hợp cho những tháng giữa và cuối thai kỳ, vì không đòi hỏi nhiều chuyển động và giảm bớt áp lực lên bụng. Ngoài ra, người chồng cũng cần lưu ý không đè lên ngực hay bụng vợ, hay hai vợ chồng có thể sử dụng nhiều gối êm lót để thật thoải mái khi “yêu”.
4. Có được phép “oral sex”?
“Oral sex” hay còn gọi là “yêu” bằng miệng cũng được xem là một trong những cách quan hệ an toàn khi mang thai, với điều kiện người chồng không thổi khí vào âm đạo vì nó có thể gây tắc mạch máu. Đồng thời đây cũng là kiểu yêu có thể mang đến cho bà bầu những khoái cảm mới lạ.
5. Bà bầu dùng “sex toy” được không?
Đây là một câu hỏi rất tế nhị mà nhiều bà bầu ngại chia sẻ với các chuyên gia y tế và bác sĩ phụ sản của mình. Tình dục ngày càng hiện đại, và “sex toy” trở thành các công cụ hỗ trợ đắc lực cho chuyện “yêu” của các cặp vợ chồng có quan niệm yêu đương phóng khoáng. Với “sex toy” dạng máy rung, theo các chuyên gia khoa sản, việc sử dụng dụng cụ này không ảnh hưởng gì đến thai nhi, với điều kiện chúng phải đảm bảo vệ sinh sạch sẽ trước và sau mỗi lần sử dụng.
6. Sex có thể gây sinh non?
Trong thực tế, điều này vẫn chưa được khẳng định chắc chắn. Tiến sĩ Sean.S. Daneshman, công tác tại Bệnh viện Birch Mary – San Diego, cho biết: “Mặc dù một số khía cạnh của việc quan hệ như kích thích núm vú, cực khoái, hay tinh trùng của người chồng có thể gây ra các cơn co thắt tử cung, tuy nhiên đến nay chưa có nghiên cứu đáng tin cậy nào khẳng định sex vào những tháng cuối có thể gây sinh non hay các tai biến khác, trừ các trường hợp đã được bác sĩ sản khoa khuyến cáo kiêng khem sinh hoạt vợ chồng trước đó”. Ngoài ra, các nghiên cứu còn chỉ ra rằng, việc “yêu” trong tháng cuối của thai kỳ có thể làm cho quá trình sinh nở trở nên dễ dàng hơn do hoạt động này kích thích độ giãn nở của cổ tử cung, tăng sức co bóp của các bắp cơ.
7. Cực khoái thường mạnh mẽ hơn khi mang thai?
Trong thời gian này, thông thường một số thai phụ đạt được cực khoái mạnh mẽ hơn, thậm chí có bà bầu cảm nhận được khoái cảm lần đầu tiên nhờ vào quan hệ trong quá trình mang thai. Nguyên nhân chính là các nội tiết tố nữ và các nội tiết tố bào thai luôn luân chuyển khắp cơ thể ở mức cao khi chị em mang bầu, dẫn đến một vài thay đổi quan trọng ở bộ ngực, cơ quan sinh dục, khiến chúng dễ kích thích và đáp ứng hơn.
8. “Ham muốn” suốt quý 2 thai kỳ liệu có bình thường?
3 tháng giữa thai kỳ thường là khoảng thời gian dễ chịu nhất của bà bầu. Đây cũng chính là lúc thai phụ cảm thấy cơ thể tràn đầy sức sống, khao khát dục vọng trở lại, hoặc tăng lên và dễ đạt cực khoái hơn. Nguyên nhân là do khi lá nhau bắt đầu sản xuất nội tiết tố thì nồng độ các hormone trong cơ thể người mẹ được cân bằng, làm cho bạn cảm thấy thư thái, yêu đời hơn hẳn cảm giác mệt mỏi, ốm nghén ở quý 1 thai kỳ. Thêm vào đó, bụng bạn ở giai đoạn này cũng chưa đủ to để cản trở các trải nghiệm “yêu” như trong 3 tháng cuối của thời kỳ mang thai.
9. Sex sẽ gây đau sau khi sinh bé?
Theo tiến sĩ Laura Berman, Giám đốc Trung tâm Berman – Chicago, thì: “Phải mất ít nhất từ 3 – 6 tháng để cơ quan sinh sản và bộ phận sinh dục của phụ nữ trở lại bình thường sau khi sinh con. Vì vậy, thay vì quan hệ theo kiểu truyền thống, nên bắt đầu từ từ bằng massage, quan hệ bằng miệng, sau đó hãy chuyển qua quan hệ thật sự khi bạn cảm thấy thật thoải mái. Như vậy sẽ tránh các cơn đau khi bắt đầu sex trở lại sau sinh”. Ngoài ra, dù có bị cắt tầng sinh môn hay không, việc sử dụng thêm chất bôi trơn là cần thiết cho đến lúc các mức nội tiết tố trong cơ thể trở lại bình thường, vì âm đạo sẽ không tiết ra được chất nhờn nhanh như lúc trước ngày sinh dù bạn có “hâm nóng” nhiều ra sao. Cũng nên lưu ý không sử dụng các chất bôi trơn không tan trong nước vì chúng sẽ không cho không khí lọt vào thành âm đạo, dễ tạo môi trường cho các loại vi khuẩn có hại tăng trưởng.