Chiều nay khi đón con ở lớp học thêm, tôi có gặp cô giáo chủ nhiệm của cháu. Đón tôi là bộ mặt xỉu xìu của cậu con trai và vẻ bất lực của cô. Lại một lần nữa cái tội “học quá dốt” của con trai tôi bị cô lôi ra than thở. Tôi xấu hổ vô cùng trước bao ánh mắt của các vị phụ huynh khác cũng đi đón con.
Cu Bin con trai tôi năm nay đang nghỉ hè chuẩn bị lên lớp 4. Vậy mà đừng nói bảng cửu chương, đến cộng trừ con cũng không biết làm. Vợ chồng tôi là dân buôn bán, cũng chẳng mong con mình được thông minh xuất chúng nhưng chí ít cũng phải duy trì được cái bằng học sinh tiến tiến chứ. Vậy nhưng đối với tôi ước mong ấy ngày càng xa vời.
Ngày đầu tiên cho Bin đi học lớp 1, cũng như bao bậc làm cha làm mẹ, chúng tôi tràn trề niềm tin con sẽ trở về với những điểm 9 điểm 10, sẽ là học sinh giỏi, học sinh xuất sắc. Chồng tôi nói muốn con phát triển tự nhiên không thúc ép. Mặt khác, tôi và anh cũng bận việc kinh doanh, vậy nên mọi chuyện học hành của con, tôi nhờ cậy cả vào cô giáo và nhà trường. Nhưng dù chăm sóc cô kỹ đến mấy, sinh nhật, 20/11, 8/3 thậm chí giỗ mẹ cô… tôi cũng có mặt nhưng con trai tôi vẫn luôn chỉ được điểm 5, điểm 6.
Năm học lớp một, cháu chỉ được học sinh tiến tiến kèm câu phê “kín đáo” của cô giáo là “Bin học kém lắm, viết sai chính tả liên tục, chữ xấu không dịch nổi…”. Tôi hơi buồn nhưng cũng chẳng quá bận tâm. “Tiên tiến cũng được rồi” – tôi tự an ủi mình và con. Kèm câu nói “Năm sau Bin cố gắng hơn nhé!”. Con trai tôi gật đầu quả quyết lắm nên tôi cũng yên lòng.
Vậy nhưng sự việc càng ngày càng không như ý muốn của tôi. Từ hồi ao ước những điểm 9,10 rồi thành 7,8..bây giờ, tôi đã “hạ tiêu chuẩn” xuống chỉ mong con được 5 – 6 điểm nhưng cũng không nổi. Càng lên lớp cao, Bin càng học yếu. Từ học sinh tiến tiến, lớp 2 cháu chỉ được học sinh trung bình, lớp 3 thì học sinh yếu…
Vợ chồng tôi bận, lại là dân buôn bán cũng chẳng biết chữ nhiều. Chúng tôi chỉ có 2 câu nói với Bin về chuyện học. Khi con bị điểm kém, chúng tôi nói “Lần sau cố lên”. Khi thấy con đến giờ học mà vẫn xem tivi, chúng tôi nhắc nhở “Bin tắt tivi đi học đi”. Theo chúng tôi, không ép con học, để con tự giác và thoải mái như vậy mới là “Tây”, là “hiểu tâm lý trẻ em”. Ngoài ra, để đốc thúc con học hành, tôi thuê riêng gia sư từng môn cho cháu, toàn là những sinh viên thủ khoa các trường đại học. Vậy nhưng chỉ được 1 – 2 tháng, gia sư nào cũng phải lắc đầu “chào thua” con trai tôi. Tôi lấy làm lạ. Bin con trai tôi ngoan lắm, hiền, không đành hanh bắt nạt ai bao giờ. Mỗi khi con điểm kém tôi cũng không quát mắng thúc giục, tôi chỉ nói con lần sau cố lên. Bin cũng dạ vâng rất ngoan và khí thế. Vậy mà sao đến nông nỗi này?
Thôi thì không ai dạy được Bin, tôi đành tự bắt tay vào dạy con. Ngày đầu tiên mở vở toán và tập làm văn của cháu, tôi bàng hoàng khi thấy những dòng chữ nghuệch ngoạc. Toán thì viết được 2 – 3 trang đầu rồi bỏ dở, văn thì dòng trên viết xọ xuống cả dòng dưới. Khi hỏi Bin về những kiến thức toán, bảng cửu chương, cộng trừ nhân chia… câu nào con cũng cúi gằm mặt không trả lời đươc. Tôi phát sợ cậu con trai của mình.
Vậy là từ đó, ngày nào cũng như ngày nào. Cứ ăn cơm xong, 7h tối là tôi và Bin cùng nhau ngồi vào bàn học. Có những bài toán đố đơn giản, đến tôi đây không đi học đã 20 năm vẫn giải được. Vậy mà giảng đi giảng lại con trai tôi vẫn lắc đầu ngơ ngác. Lúc tôi hỏi “con hiểu chưa”, Bin gật đầu nhoay nhoáy. Nhưng đưa vở ra bảo viết lại, con không viết được chữ nào. Có khi cả tối, dùng đủ mọi loại ví dụ trên trời dưới biển, con trai tôi vẫn không giải xong một bài toán đố lớp 2. Tôi dần mất kiên nhẫn. Tôi như hóa thành một bà “mẹ điên”. Bin không giải xong bài toán, dù đã 11 – 12 giờ đêm tôi vẫn dứt khoát không cho đi ngủ. Mỗi khi thấy mình giảng rã họng mà Bin vẫn ngơ ngác, tôi như phát cuồng và bắt đầu mắng chửi con trai mình. Rằng “có thể mà cũng không làm được”, “ôi trời ơi sao mà ngu thế”, “sao tôi lại sinh ra đứa con học dốt như thế này”.. rồi thì “8 x 9 bằng mấy hả? bảng cửu chương 8 học bao lâu rồi mà giờ sao không thuộc hả? Học hành kiểu gì thế hả? Mẹ bảo con bao nhiêu lần rồi hả?”… Cứ mỗi tiếng “hả” thốt ra là một lần Bin càng cúi mặt khóc.
Điệp khúc mẹ quát – con khóc cứ ầm ĩ mỗi tối đến nỗi cả khu phố phải nhìn tôi ái ngại. Chồng tôi rất không đồng tình, anh cấm tôi không được ép con, phải để con thoải mái tinh thần, rồi thì “ép con học thì càng không hiệu quả gì”? Chúng tôi đã có một trận ‘đại chiến’ chỉ vì cách dạy con. Trước đây chúng tôi không ép cháu học, cháu mới học dốt như vậy. Giờ đây tôi ép con, anh lại còn cố can ngăn. Lỗi lầm quá khứ “lù lù” ra đấy mà anh còn nói tôi không thương con? Bây giờ Bin đã mất gốc tôi biết dạy con lại kiểu gì? Tôi cảm thấy bất lực với con và với cả bản thân mình.