Trong suốt quá trình mang thai, hầu như bà bầu nào cũng lo lắng không yên về nhiều thứ, từ việc ăn uống thế nào để đủ chất, đến chuyện bé yêu có phát triển tốt không, cả nỗi lo sẩy thai, hay sinh non, bé nhẹ cân sau khi sinh… Những nỗi lo sợ này dựa trên nhiều khía cạnh, từ chuyện đồn thổi của chị em, kinh nghiệm sinh đẻ ở người đi trước, thậm chí là do sự thay đổi quá đột ngột của các hormone trong cơ thể… Đôi khi sợ hãi vô căn cứ hay không cần thiết có thể ảnh hưởng không tốt đến tâm trạng của mẹ, từ đó cũng có hại có sự hình thành và phát triển của thai nhi.
Để giúp bà bầu giải tỏa bớt những lo lắng “thừa”, bài viết này sẽ đề cập đến 10 ám ảnh phổ biến nhất khi mang thai, từ đó giúp chị em hiểu và tự tin hơn về quá trình sinh nở, nhất là với những thai phụ lần đầu làm mẹ.
1. Sẩy thai
Là một trong những nỗi ám ảnh phổ biến nhất của các bà mẹ tương lai. Tuy nhiên, các mẹ bầu nên biết rằng, có ít hơn 20% thai kỳ kết thúc bằng sẩy thai, và vấn đề không mong đợi này chỉ xảy ra trong vòng vài tuần đầu bầu bí. Một khi thai đã vượt qua 6 – 8 tuần tuổi, đồng thời bác sĩ đã nghe được nhịp tim của thai nhi thì bạn nên dẹp nỗi lo sợ này sang một bên để dưỡng thai cho tốt, bởi tỷ lệ sẩy thai giảm đáng kể sau ba tháng đầu của thai kỳ.
2. Tăng cân quá nhiều
Số cân nặng tăng theo chuẩn của bà bầu trong 40 tuần thai là khoảng từ 10 – 15 kg, nhưng có không ít bà bầu dù cố kiểm soát lượng thực phẩm và chế độ ăn uống mà vẫn vượt quá mức quy định này. Theo thống kê cho thấy, chỉ có 14 – 20% bà bầu giữ được trọng lượng chuẩn. Tuy nhiên cũng đừng quá lo lắng nếu bạn đang tăng cân quá nhiều. Việc thay đổi chế độ ăn khoa học hơn, kèm theo tập thể dục đều đặn sẽ giúp bạn “làm chủ” được cân nặng của mình trong suốt thai kỳ. Tham gia một lớp học Yoga cũng là cách hay để giữ dáng khi bầu bí, không những vậy, còn rất tốt cho cả mẹ và bé. Sau khi sinh, Yoga sẽ giúp bạn nhanh chóng lấy lại vóc dáng thon gọn hơn.
3. Sức khỏe và dị tật thai nhi
Nhiều bà mẹ tương lai đã bị ám ảnh bởi những suy nghĩ tiêu cực đối với sức khỏe và sự phát triển của thai nhi, trong đó có nỗi lo em bé sẽ bị bệnh nào đó, hoặc sẽ mắc phải những dị tật bào thai… Nếu bạn thường xuyên dùng axit folic cũng như các loại vitamin trước và trong suốt thai kỳ, ăn uống lành mạnh, tập thể dục đều đặn và giữ tinh thần vui vẻ, lạc quan, thì việc này rất có ích cho sức khỏe của bé. Một khi bé khỏe, bạn sẽ có được một thai kỳ khỏe mạnh, an toàn. Khám thai thường xuyên và tuân thủ nghiêm túc các chỉ định của bác sĩ cũng sẽ giúp bạn an tâm hơn về sức khỏe của bé. Tuy nhiên, cũng nên lưu ý rằng vẫn có rủi ro về dị tật thai nhi do di truyền, và điều này là không thể tránh khỏi.
4. Vô tình gây hại cho bé
Có không ít bà mẹ tương lai trở nên cực kỳ thận trọng với bất cứ hoạt động nào của mình, từ vận động, chọn lựa thực phẩm để ăn, đến dùng thuốc men, tập thể lực v.v… trong suốt thai kỳ, vì lo sợ bằng cách nào đó, vô tình gây hại cho bé yêu trong bụng. Điều quan trọng là thay vì âu lo suốt, mẹ bầu nên tìm hiểu các loại thức ăn, những hoạt động nên hoặc không nên làm trong thai kỳ, để bảo vệ bé và mình khỏi những mối lo không đáng có. Nếu vẫn đảm bảo ăn uống lành mạnh, vận động hợp lý và khám thai thường xuyên, mẹ bầu sẽ không phải ôm nỗi ám ảnh này suốt cả 40 tuần mang thai khó nhọc.
5. Lo sợ tâm trạng căng thẳng ảnh hưởng đến bé
Quan niệm thường nhất của các mẹ bầu là những căng thẳng, lo âu vốn là phần tâm trạng tất yếu khi bầu bí sẽ gây tổn hại đến quá trình phát triển và hình thành nhân cách của bé. Theo các chuyên gia, mặc dù bé sơ sinh không thích tiếp xúc với cảm xúc tiêu cực kéo dài của người mẹ, chẳng hạn như giận dữ, căng thẳng hay lo âu, tuy vậy, giai đoạn ngắn của các cảm xúc này hầu như không có hậu quả tiêu cực kéo dài lên bé trong bụng bạn. Trên thực tế, có khi lại có lợi cho bé, vì các cảm xúc như thế giúp bé bắt đầu phát triển khả năng đối phó với những tình huống căng thẳng trong tương lai.
Tuy nhiên, căng thẳng nghiêm trọng và kéo dài lại có liên quan đến việc trẻ sơ sinh có cân nặng thấp khi chào đời, bé dễ mắc bệnh đau bụng hoặc có kết quả học tập kém, còn người mẹ lại dễ gặp khó khăn khi sinh nở.
6. Chất lượng “yêu” khi mang thai
Dù tế nhị, nhưng đây là nỗi lo rất chính đáng của các mẹ bầu, về việc chất lượng sex có còn như thời son rỗi, hay liệu sex khi bầu bí có gây hại đến thai nhi v.v… Sự thật là, miễn thai kỳ của bạn diễn ra bình thường và bác sĩ không cảnh báo gì về nguy cơ sinh non, thì vẫn có thể quan hệ tình dục. Nhiều nghiên cứu còn chỉ ra rằng, vào thời kỳ thai nghén, do lượng kích thích tố tăng cao nên thai phụ thường có nhu cầu tiềm ẩn về chăn gối hơn so với bình thường.
Các mẹ bầu cũng không nên quá lo lắng về nguy cơ sẩy thai khi quan hệ. Việc sẩy thai trong 3 tháng đầu thường không liên quan đến chuyện quan hệ tình dục, mà nguyên nhân phổ biến nhất là do thai có khuyết tật về gene, hay nhiễm khuẩn. Tuy vậy, cần tránh quan hệ quá mạnh trong 3 tháng đầu và lựa chọn tư thế thích hợp trong những tháng sau. Quan hệ tình dục cũng không gây hại cho bé yêu đâu nhé các mẹ. Nút niêm dịch cổ tử cung ngăn là một tấm chắn an toàn ngăn không cho vi khuẩn và tinh dịch vào tử cung, và cực khoái dù có gây ra các cơn co tử cung nhưng với thai nghén bình thường, nó không dẫn đến chuyển dạ sớm hay sinh non.
Sau sinh, nhiều mẹ lại lo âu cơ thể mình không thể trở lại bình thường và cũng sẽ không có ham muốn tình dục như xưa nữa. Thật ra, cơ thể bạn sẽ phục hồi rất nhanh, và khoảng từ 6 – 9 tháng, bộ phận sinh dục đã trở lại như xưa. Vì vậy, thay vì quá lo lắng, bạn hãy cùng chồng thảo luận cách tăng cường hâm nóng trước mỗi cuộc yêu sau sinh, học cách massage tạo khoái cảm hay tập các bài tập cơ Kegel để tăng trương lực cho âm đạo, giúp chất lượng sex của hai vợ chồng tốt hơn, đặc biệt các bài tập này còn giúp chị em giảm tối thiểu nguy cơ sa tử cung.
7. Kỹ năng làm cha mẹ
Đa số ông bố bà mẹ tương lai đã rất lo lắng liệu họ có thể trở thành những bậc phụ huynh tốt sau này. Nếu bạn cũng nằm trong nhóm này thì cũng đừng e ngại, vì đây là nỗi sợ hãi rất bình thường của những ai sắp lên chức làm cha mẹ, và có lo lắng đồng nghĩa với việc bạn thật sự xem trọng việc chăm sóc, giáo dục bé yêu sắp chào đời. Các chuyên gia cho rằng, làm cha mẹ hầu như là bản năng tiềm ẩn bên trong mỗi người. Bạn cũng không cần phải trải qua lớp huấn luyện nào mới trở thành ông bố bà mẹ tốt. Kiến thức và kinh nghiệm làm cha mẹ sẽ phát triển tỷ lệ thuận với sự lớn lên từng ngày của bé yêu nhà bạn.
8. Chuyển dạ và sinh nở
Hầu hết bà bầu, đặc biệt là những chị em mang thai lần đầu, đều cảm thấy sợ hãi, thậm chí ám ảnh khi nghe nói đến nỗi đau lúc chuyển dạ và sinh nở, cùng những biến chứng có thể gặp phải trong lần vượt cạn sắp đến. Các câu hỏi thường được đặt ra là: Đau đẻ có phải rất dữ dội và không thể nào tả nổi? Quá trình này kéo dài bao lâu? Liệu có bị tổn thương nào ở mẹ và bé hay không? … Nỗi lo âu này là phổ biến ở tất cả bà bầu trên toàn thế giới. Để phần nào an tâm và chuẩn bị tốt hơn cho việc chuyển dạ, các mẹ bầu nên tham gia những lớp học tiền sản, hay Yoga để giúp chị em hiểu rõ hơn về quá trình sinh nở, đồng thời cũng tự tin hơn khi đối phó với cơn đau. Tham khảo và chọn lựa các liệu pháp giảm đau đẻ cũng sẽ giúp mẹ bầu yên tâm hơn để chờ đón con yêu sắp chào đời.
9. Sinh mổ hay sinh thường
Phải can thiệp sinh đẻ bằng phương pháp mổ là một rủi ro tự phát khi mang thai, và thường được thực hiện khi thai nhi quá lớn, nhau thai có vấn đề, cơn chuyển dạ không tiếp tục, nhịp tim thai dự báo khả năng nhận oxy giảm, bất thường ở ngôi thai, đầu bé nằm không đúng vị trí, mang song thai hoặc đa thai, bệnh ở mẹ v.v… Thông thường, trong các lần khám thai sau cùng, bác sĩ có thể xác định được mẹ nên sinh thường hay sinh mổ, và sẽ thảo luận kỹ càng với bạn trước khi quyết định chọn giải pháp nào. Vì vậy, các mẹ bầu, đặc biệt là các mẹ lần đầu vượt cạn, đừng nên quá lo âu trong suốt thai kỳ về việc mình sẽ sinh bé theo cách nào, thay vào đó hãy chuẩn bị kiến thức và tinh thần thật tốt để đối phó với cơn đau đẻ sắp đến, bởi đây chính là lúc tuyệt vời nhất vì sau 9 tháng 10 ngày mang nặng, “thiên thần nhỏ nhà bạn” sắp sửa chào đời.
10. Giảm cân sau sinh
Một thực tế khá phũ phàng, là để đảm bảo cho sự phát triển của thai nhi, cơ thể mẹ sẽ không ngừng tăng trọng, đồng thời lượng mỡ cũng sẽ được tích lũy để đảm bảo nguồn sữa sau sinh cho bé. Chính vì vậy, những thay đổi tiêu cực về ngoại hình khiến mẹ bầu kém tự tin và lo lắng sợ số đo 3 vòng của mình mãi mãi thay đổi, không cách gì lấy lại được vóc dáng đáng mơ ước như trước kia. Do đó, nhiều mẹ bầu trở nên hoang mang trước mỗi bữa ăn, không biết nên nạp bao nhiêu thức ăn là vừa đủ cho bé, mà mẹ vẫn không tăng cân, hay sau bữa ăn lại sợ không biết mình có dùng quá nhiều chất dinh dưỡng hay không… Đây là nỗi sợ hãi phổ biến ở hầu hết bà bầu trên trái đất này, vì thế bạn không phải là ngoại lệ. Tìm hiểu các bài tập thể dục nhẹ nhàng sau sinh, các phương pháp giảm eo như gel bụng, chườm bụng bằng muối nóng…sẽ giúp mẹ bầu bớt lo lắng hơn.