Ai cũng phê phán người hay nói dối. Nhưng ai dám cam đoan những gì mình nói toàn là sự thật? Với con nhỏ cũng vậy, tôi dám chắc các bậc phụ huynh dù vô tình hay cố ý cũng đã “gieo mầm” những lời nói dối cho con trẻ.
Ngay từ khi con nhỏ, câu chuyện về bà tiên răng, ông già noel, chú cuội chị Hằng… rồi những câu chuyện cổ đều đâu phải những câu chuyện người thật việc thật. Trẻ con thả trí tưởng tượng theo những gì người lớn vẽ ra. Và tôi cũng thường đánh lạc hướng suy nghĩ của bé đi theo một chiều hướng khác mà không phải là sự thật. Nhưng tôi tin đó là sự lựa chọn hợp lý.
Tôi đã từng bối rối biết bao trước những câu hỏi “nhạy cảm” của bé. Ví dụ như, bố mẹ sinh con ra như thế nào? Đương nhiên, tôi không thể tả cho con nghe chi tiết, tỉ mỉ sự thật. Bởi tôi e rằng nếu chạm đến vấn đề này sớm, cháu sẽ có những tò mò không nên có. Tôi chọn phương án “bà tiên đã gửi con đến với mẹ”. Hoặc như khi cháu vô tình tìm thấy vỏ condom của bố trên đầu giường, cháu lôi ra với vẻ tò mò. Tôi không chọn cách nói tường tận với cháu mà chỉ trả lời: “Nó dùng để bảo vệ sức khoẻ của bố”.
Ngày cụ qua đời, tôi cũng không thể nói với cháu sự thật. Với trẻ nhỏ cái chết quá tàn nhẫn. Tôi bảo cháu rằng, cụ lên thiên đường, nơi có các thiên thần và cụ sẽ dõi theo con, về gặp con trong các giấc mơ. Rồi khi bạn bè hỏi, cháu cũng nói giờ cụ tớ đang sống trên thiên đường, hạnh phúc lắm. Giữ cho con một tâm hồn trong sáng là tôi đã đúng phải vậy không? Có lẽ tôi vô tình đã làm tấm gương nói dối cho con, nhưng tôi vẫn nghĩ những lời nói dối đó là ngọt ngào và rất nên…
Tôi còn nhớ như in ngày sinh nhật cháu. Bạn bè tôi góp tiền mua tặng con trai tôi một chiếc ô tô đồ chơi điện tử. Sau khi nhận món quà rồi bóc ra với vẻ hồ hởi, con trai tôi ngay lập tức ỉu xìu khuôn mặt và chê “Ô tô này đời cũ rích rồi. Của bạn cháu xịn hơn nhiều”. Tôi phát ngại với cậu con trai của mình. Sau buổi tiệc đó, về nhà, tôi nhẹ nhàng nói với con: “Các bác ấy đã tốn rất nhiều tiền để mua quà cho con, bác ấy rất quý mẹ con mình nên mới mua quà tặng con. Vì thế nếu con nói vậy, bác ấy sẽ rất buồn đúng không con? Con biết không, thỉnh thoảng, có những lúc chúng ta buộc phải nói dối để tránh làm cho người khác buồn. Nhưng con phải luôn ghi nhớ rằng nói dối để làm hại người khác hay vì quyền lợi của mình thì lại là không tốt”.
Cách giải thích như vậy sẽ giúp bé phân biệt “lời nói dối nho nhỏ” và “nói dối không được cho phép”. Sau nhiều lần góp ý, giờ cháu đã thay đổi, mỗi lần được quà cháu đều nhanh nhảu: “Ôi con thích lắm, con cám ơn bác.” Nhìn cậu bé dễ thương giờ đã biết cư xử khéo léo, tôi hài lòng lắm. Tôi thấy mình đã thành công. Nói dối trong trường hợp này nào có sai?
Hay như lần tôi cho cháu nghỉ học để đi đón bà ngoại từ nước ngoài về, tôi gọi điện nói cô giáo cháu ốm và dặn cháu nếu bạn bè hay cô hỏi, con phải bảo con bị sốt. Tôi không nghĩ lời nói dối vô hại giúp cháu được đi đón bà sau bao lâu xa cách lại là có tội. Với những bộ đồ mới tôi mua cho cháu tôi cũng dặn cháu nếu bà nội hỏi thì chỉ bảo nửa giá thôi kẻo bà xót. Làm như vậy sẽ giữ được hoà khí của gia đình.
Những lời nói dối vô hại chẳng làm ảnh hưởng đến ai. Đôi khi cháu học cách trả lời khác với sự thật cũng không phải là sự dối trá đáng phê phán. Tôi không dạy bảo con rằng nối dối là tốt. Tôi chỉ đơn giản nghĩ rằng, cuộc sống cần linh động. Sự thật đôi khi không cần thiết. Để mọi thứ thuận lợi hơn, đôi khi chúng ta nên nói dối, miễn sao những lời nói dối đó không gây hại cho người khác, không làm người khác tổn thương. Nếu có thể “lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”, tôi nghĩ đó là điều nên làm. Và dạy trẻ những điều nên làm há chẳng phải trách nhiệm của bậc làm cha làm mẹ sao?
Nhiều người bảo tôi vẽ đường cho hươu chạy, rằng như thế là làm gương xấu cho trẻ, làm trẻ mất đi sự hồn nhiên trong sáng, về sau trẻ sẽ học thói lươn lẹo. Tôi nghĩ mọi người đã đi quá xa, những lời nói dối vô thưởng vô phạt kia liệu có thể gây tổn thất lớn lao như mọi người nói? Tôi nghĩ là không, và liệu có vị phụ huynh nào dám cam đoan những gì dạy con chỉ toàn là sự thật?