Trả lời thật nhé, bạn đã bao giờ nói dối với con yêu? Chắc là có rồi, đúng không? Chúng ta vẫn nghĩ nói dối con trong vài tình huống khó xử dường như là một việc làm hợp lý và vô hại. Nhưng sự thật là làm như thế sẽ không giúp bé hiểu được phải cư xử thế nào mới ngoan.
Nhiều phụ huynh dùng cách nói dối để đối phó với con cái khi chúng mè nheo đòi hỏi gì đấy. Chị Kat, mẹ của hai cô con gái tâm sự: “Tôi luôn dạy các con rằng nói dối là không tốt. Tuy vậy cũng phải nói rằng tôi cũng đã bảo với các con gái mình, Mirabel, 5 tuổi và Caroline 4 tuổi rằng những con búp bê (‘tình cờ’ cũng chính là những con mà chúng thích) ở cửa hàng đồ chơi gần nhà không phải để bán. Tôi hay nói, ‘Chúng sống ở đấy,’ đặc biệt khi phải vào đó để mua một món quà sinh nhật. Như thế dễ hơn, chúng tôi sẽ vào và ra khỏi cửa hàng mà không phải nghe mè nheo.”
Và quả thật trường hợp nói trên không phải là phụ huynh duy nhất nói dối con. Một khảo sát vào năm 2008 ở Anh cho thấy cứ 10 phụ huynh thì có 8 người đã từng bóp méo sự thật với con mình. Hầu như các vị phụ huynh khác đều cho rằng “một chút” nói dối ấy là vô hại. Rốt cuộc thì chúng giúp giữ được hòa bình (chấm dứt những lời năn nỉ ỉ ôi hay mè nheo làm mình làm mẩy), khiến cuộc sống ít nhiều dễ chịu hơn. Nhưng theo chuyên gia về hành vi của trẻ thì nói dối chẳng giúp gì đươc cho các bé cả. “Cuộc sống đầy những thăng trầm,” tiến sĩ giáo dục Jane Nelsen, tác giả loạt sách Positive Discipline nói, “Nếu ta không cho trẻ cơ hội đối mặt với nỗi thất vọng thì làm sao chúng học được cách vượt qua?”
Chị Kat thừa nhận rằng nếu chị tiếp tục nói dối với các con, dù có vẻ vô hại, thì làm sao trẻ có niềm tin nơi mình được. “Mỗi khi nói dối để tránh một tình huống khó xử là bạn đã bỏ lỡ một cơ hội trò chuyện cởi mở với trẻ,” Tiến sĩ Cara Gardenswartz ở Los Angeles nói, “bạn hãy cho bé cảm nhận rằng dù chuyện gì xảy ra đi nữa bạn sẽ luôn bên chúng.”
Khi đã nhận ra tác hại của việc nói không đúng sự thật với con cái, các vị phụ huynh nên biết rằng vẫn có cách tốt hơn để thay thế cho những lời nói dối vô hại.
Điều thứ 1: “Mc Queen tia chớp / Người nhện / Nàng tiên cá rất thích ăn rau đấy nhé.”
Tiến sĩ Nelsen cho rằng, “Những lời nói dối để ‘dụ dỗ’ trẻ ăn uống thường không hiệu quả, cơ bản vì khẩu vị của bé không dễ gì mà thay đổi được.” Hơn nữa, nếu dùng hình ảnh thần tượng của bé để ép bé thì thật là không hay cho lắm.
Thay vào đó, hãy nói với bé rằng:
“Rau củ rất tốt cho sức khỏe của con, và đó cũng là món nhà mình ăn tối nay.” Bạn chưa thể buộc được con mình ăn thì hãy cứ nấu những món đó thường xuyên, vì sớm muộn gì, bé cũng sẽ quyết định thử vài miếng.
Điều thứ 2: “Xe sẽ không chạy được đâu cho đến khi con đội mũ bảo hiểm/ thắt dây an toàn vào.”
Nghe thì có vẻ ổn đấy, nhưng theo Hal Runkel – chuyên gia về hôn nhân gia đình, tác giả cuốn ScreamFree Parenting – thì lời nói này “thể hiện sự trốn tránh trách nhiệm của bạn. Bạn cần cho bé biết nhiệm vụ của bạn là phải đưa ra những quyết định sáng suốt đảm bảo an toàn cho bé.”
Thay vào đó, hãy nói với con rằng:
“Mẹ sẽ không nổ máy xe đâu, cho đến khi con đội mũ bảo hiểm / thắt dây an toàn vào.” Cách nói này giúp trẻ hiểu rằng bố mẹ có trách nhiệm đảm bảo chúng tuân theo những luật định an toàn. Hãy giải thích rằng có luật qui định buộc mọi người trên xe phải đội mũ bảo hiểm / thắt dây an toàn để giúp họ tránh được thương tích. Chuyện gì sẽ xảy đến nếu một vụ tai nạn diễn ra mà bé không đội mũ bảo hiểm / thắt dây an toàn? Chắc hẳn là bé sẽ bị thương rồi và bạn sẽ còn ân hận mãi vì đã tỏ ra không dứt khoát khi bé không chịu nghe lời.
Điều thứ 3: “Trẻ lên 3 rồi mà còn ngậm núm vú là bị chú công an bắt đấy. Con lớn rồi thì phải bỏ núm vú đi thôi.”
Một lần nữa, bạn lại trốn tránh trách nhiệm của một bậc phụ huynh, từ bỏ vai trò người hướng dẫn con mình vượt qua những giai đoạn phát triển phức tạp.
Thay vào đó, hãy nói với bé rằng:
“Mẹ biết con rất thích núm vú nhưng con đã lớn rồi, không nên dùng chúng nữa.” Hãy thể hiện bạn hiểu khó khăn của con và để bé bày tỏ cảm xúc của mình. Đừng nên khiến bé xấu hổ; thay vào đó, hãy từ từ giúp bé cảm thấy dễ chịu hơn với giai đoạn phát triển mới, giải thích vì sao từ bỏ thói quen ngậm núm vú lại là một việc làm tốt. Bạn có thể nói rằng việc đó sẽ giúp răng bé đẹp và đều, giúp bé phát âm rõ ràng hơn và mọi người sẽ dễ hiểu được điều mà bé nói hơn.