Cha mẹ nào cũng có ngày rơi vào hoàn cảnh: thức dậy nửa đêm và thấy con đứng bên giường, nhăn nhó, trán ấm hoặc người đẫm mồ hôi. Bé đã bị sốt – phải làm gì tiếp đây? Tự theo dõi hay gọi ngay cho bác sĩ?
Bạn có thể hoảng hốt khi thấy thân nhiệt của bé tăng lên, nhưng thực tế là điều đó không quá nghiêm trọng. Bản thân tình trạng sốt không gây hại, và đôi khi nó lại là một dấu hiệu tốt, vì đó thường là cách cơ thể chống lại sự nhiễm trùng.
Không phải tất cả các cơn sốt đều cần điều trị. Tuy nhiên, sốt cao có thể làm cho trẻ khó chịu và gặp một số vấn đề như cơ thể mất nước. Hãy lấy lại bình tĩnh và thực hiện những bước cơ bản nhất như lấy nhiệt độ chính xác của cơ thể bé và tìm cách làm cho trẻ dễ chịu hơn. Dưới đây là một số biện pháp điều trị sốt, và những dấu hiệu cần tới sự giúp đỡ của bác sĩ.
Sốt là gì?
Sốt là hiện tượng xảy ra khi “bộ chỉnh nhiệt” trong cơ thể làm tăng thân nhiệt lên cao hơn mức bình thường. Bộ chỉnh nhiệt này nằm trong vùng não có tên là hypothalamus, chuyên điều khiển thân nhiệt và những cảm giác như đói, khát… Hypothalamus biết rõ cơ thể cần ở nhiệt độ bao nhiêu (thường là khoảng 37 độ C) và sẽ gửi “lời nhắn” tới cơ thể duy trì nhiệt độ này.
Thân nhiệt của đa số mọi người thường không ổn định và dao động nhẹ trong một ngày: Hơi thấp vào buổi sáng và hơi cao vào chiều tối. Nhiệt độ cơ thể sẽ thay đổi khi trẻ chạy, nhảy, đùa nghịch hoặc và tập thể dục.
Trong những trường hợp đặc biệt, vùng não hypothalamus sẽ điều chỉnh lại và yêu cầu cơ thể tăng nhiệt độ lên cao. Mục địch là để phản ứng với sự nhiễm trùng, một căn bệnh hoặc lý do nào đó. Vậy, vì sao hypothalamus lại ra lệnh cho cơ thể thay đổi nhiệt độ? Các nhà khoa học tin rằng việc thay đổi này là cách cơ thể chống lại vi khuẩn gây nhiễm trùng và biến cơ thể thành nơi không mấy dễ chịu với chúng.
Cái gì gây sốt?
Nên nhớ rằng bản thân sốt không phải là một căn bệnh – nó chỉ là một triệu chứng của sự cố tiềm ẩn nào đó. Có một vài nguyên nhân gây sốt như sau:
- Nhiễm trùng: Phần lớn sốt là do nhiễm trùng hoặc một căn bệnh nào đó gây ra. Sốt có nhiệm vụ giúp cho cơ thể chiến đấu với sự nhiễm trùng bằng cách kích thích cơ chế phòng vệ tự nhiên.
- Mặc quá nhiều quần áo: Trẻ nhỏ, đặc biệt là sơ sinh, rất dễ bị sốt nếu được ủ quá kín hoặc ở trong một môi trường nóng. Nguyên nhân là do các bé chưa thể tự điều tiết thân nhiệt.
- Tiêm chủng: Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ thỉnh thoảng bị sốt nhẹ sau khi tiêm phòng.
- Mọc răng cũng có thể làm tăng thân nhiệt, nhưng chỉ ở mức nhẹ. Nếu thân nhiệt của bé cao hơn 37,8 độ C thì đó không phải là do mọc răng.
Phải làm gì nếu cơn sốt là dấu hiệu của một bệnh gì đó nghiêm trọng?
Trước đây, các bác sĩ thường khuyên trị sốt chỉ dựa trên cơ sở thân nhiệt. Song hiện nay, người ta khuyến cáo cần kết hợp trị sốt và kiểm tra toàn bộ thể trạng của trẻ.
Những trẻ có thân nhiệt thấp hơn 38,9 độ C thường không cần dùng thuốc, trừ phi các em thấy khó chịu. Tuy nhiên, điều này có ngoại lệ, đó là nếu trẻ dưới 3 tháng tuổi có nhiệt độ được đo ở hậu môn là 38 độ C hoặc cao hơn, phải gọi ngay bác sĩ hoặc đưa trẻ đi cấp cứu. Đối với bé sơ sinh, sốt nhẹ cũng có thể là dấu hiệu của sự nhiễm trùng nghiêm trọng. Còn với trẻ lớn hơn, hãy xem xét hành vi và mức độ hoạt động của bé. Bằng cách này, bạn có thể quyết định liệu bé chỉ sốt nhẹ hay thực sự cần tới bác sĩ.
Tình trạng sốt có thể không nghiêm trọng nếu trẻ:
- Vẫn thích chơi
- Đang ăn uống tốt
- Tỉnh táo và mỉm cười đáp lại
- Sắc da bình thường
- Trông tươi tỉnh hơn khi thân nhiệt hạ
Nếu vì sốt mà trẻ không muốn ăn thì bạn cũng đừng quá lo lắng. Tình trạng này rất phổ biến đối với trường hợp sốt do nhiễm trùng.
Làm sao để biết bé sốt thế nào?
Một cái hôn lên trán bé hoặc đặt tay nhẹ lên da cũng đủ để biết được bé có sốt hay không. Tuy nhiên, phương pháp kiểm tra thân nhiệt bằng xúc giác này phụ thuộc nhiêu vào cảm giác chủ quan và không thể cho biết chính xác nhiệt độ của bé.
Hãy sử dụng cặp nhiệt độ đáng tin cậy, bạn sẽ biết trẻ bị sốt hay không nếu thân nhiệt ở một trong các mức dưới đây:
- Từ 38 độ C trở lên khi đo ở hậu môn
- Từ 37,5 độ C trở lên nếu đo ở miệng
- Từ 37,2 độ C nếu đo ở nách.
Tuy nhiên, sốt cao bao nhiêu độ cũng không thể cho biết vì sao bé ốm. Cảm lạnh hoặc nhiễm virus có thể là nguyên nhân (thường từ 38,9 đến 40 độ C), song đôi khi nó không thực sự nghiêm trọng. Ngược lại, có khi bé không sốt, hoặc thậm chí còn bị hạ thân nhiệt bất thường (đặc biệt là ở trẻ nhỏ), lại tiềm ẩn một sự nhiễm trùng nghiêm trọng.
Do cơn sốt có thể tăng hoặc giảm, nên trẻ đều trải qua cảm giác gai lạnh. Nguyên nhân là do cơ thể cố gắng sinh thêm nhiệt khi sốt cao. Sau đó, bé có thể vã mồ hơi khi cơ thể hạ sốt.
Đôi khi, trẻ bị sốt có thể thở gấp hơn bình thường và nhịp tim nhanh hơn. Hãy gọi ngay cho bác sĩ nếu bé có dấu hiệu khó thở, thở nhanh hơn nhiều so với bình thường hoặc tiếp tục thở gấp sau khi hạ sốt.
Tuyệt đối không cho trẻ dưới 12 tuổi bị sốt uống aspirin, vì nó có liên quan đến hội chứng Reye – một căn bệnh hiếm gặp và có thể gây chết người.
Tôi nên dùng loại cặp nhiệt độ nào?
Dù chọn loại cặp sốt nào đi chăng nữa, thì điều quan trọng là bạn phải biết cách sử dụng và đọc kết quả đúng. Hãy giữ lại và làm theo tờ chỉ dẫn của nhà sản xuất.
- Nhiệt kế điện tử: thường cho biết kết quả chính xác và nhanh nhất. Loại nhiệt kế này có nhiều kích cỡ và hình dáng, và được bán ở hầu hết các siêu thị, hiệu thuốc. Nhiệt kế điện tử có thể dùng để đo thân nhiệt ở: miệng, hậu môn và nách. Nó có một đầu dò bằng nhựa dẻo được gắn phần cảm nhiệt và màn hình hiển thị số dễ đọc.
- Nhiệt kế điện tử đo ở tai: dùng để đo nhiệt độ trong ống tai. Mặc dù dụng cụ này cho kết quả chính xác, nhanh chóng, song nó chỉ dễ sử dụng đối với trẻ lớn và không nhạy đối với trẻ nhỏ như là cặp sốt điện tử. Loại này cũng đắt tiền hơn. Viện Nhi khoa Mỹ (AAP) đã khuyến cáo không dùng dụng cụ này cho trẻ dưới 3 tháng tuổi.
- Cặp sốt nhựa dán: có hình một dải băng bằng nhựa, dùng để dán lên chán. Loại này kém chính xác hơn, đặc biệt là đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.
- Nhiệt kế dạng núm vú giả: khá thuận tiện, song chúng cũng không đáng tin cậy và không nên dùng cho trẻ dưới 3 tháng tuổi. Khi sử dụng, bé cần ngậm vú giả trong vài phút mà không được dịch chuyển – việc này nghe chừng khó thực hiện đối với trẻ dưới 3 tuổi.
- Nhiệt kế thủy ngân: từng rất phổ biến, song hiện nay AAP đã khuyến cáo không nên dùng vì trẻ dễ tiếp xúc với thủy ngân độc hại.
Lấy thân nhiệt của trẻ đôi khi là một thử thách đối với nhiều cha mẹ, vì nó phụ thuộc vào độ tuổi và sự phối hợp của trẻ.
- Nếu trẻ dưới 3 tháng tuổi, cần lấy nhiệt độ chính xác bằng nhiệt kế điện tử đo ở hậu mô. Loại nhiệt kế đeo tai không được khuyến khích dùng cho độ tuổi này vì ống tai của trẻ vẫn còn quá nhỏ.
- Nếu bé từ 3 tháng đến 4 tuổi, có thể dùng nhiệt kế điện tử để đo ở hậu môn hoặc nhiệt kế đo ở tai. Cũng có thể dùng nhiệt kế điện tử để đo ở nách, mặc dù phương pháp này kém chính xác hơn.
- Nếu bé đã được 4 tuổi trở lên, có thể dùng thường xuyên nhiệt kế điện tử để đo ở miệng nếu bé đồng ý. Tuy nhiên, trẻ bị ho hoặc thở bằng miệng do tịt mũi sẽ không thể giữ nguyên miệng được lâu. Trong trường hợp này, bạn nên dùng loại nhiệt kế đo ở tai hoặc nhiệt kế điện tử đo ở nách.
Phải làm gì để bé thấy dễ chịu hơn?
Xin nhắc lại là không phải cứ sốt là điều trị. Trong đa số các trường hợp, cơn sốt chỉ được điều trị nếu nó khiến cho trẻ cảm thấy rất khó chịu. Dưới đây là một số lời khuyên nếu thấy một số triệu chứng điển hình đi kèm cơn sốt:
- Khi trẻ gắt gỏng hoặc có biểu hiện không thoái mái, cho bé uống acetaminophen hoặc ibuprofen theo sự chỉ dẫn trên bao thuốc dành cho từng độ tuổi và cân nặng. Nếu bạn không biết liều dùng hoặc bé chưa được 2 tuổi, hãy gọi ngay cho bác sĩ. Nên nhớ là thuốc hạ sốt sẽ chỉ giảm thân nhiệt tạm thời và không trị những lý do tiềm ẩn gây sốt. Tuyệt đối không cho trẻ dưới 12 tuổi uống aspirin do nó liên quan đến hội chứng Reye, một căn bệnh hiếm gặp và có thể gây chết người.
- Cho trẻ đi tắm để thoái mái hơn và giúp hạ sốt. Chỉ tắm nước ấm, vì nước lạnh có thể gây run lạnh và lại làm tăng thân nhiệt. Tuyệt đối không dùng cồn cọ xát vì nó gây nhiễm độc khi hấp thụ qua da.
- Cho trẻ mặc quần áo thoáng mát và đắp chăn mỏng. Mặc quá nhiều hoặc ủ quá kỹ có thể gây cản trở cơ thể tỏa nhiệt và cuối cùng làm tăng nhiệt độ.
- Đảm bảo là phòng của bé ở nhiệt độ phù hợp, không nóng quá hoặc lạnh quá.
- Cho trẻ uống nhiều nước để phòng mất nước – một cơn sốt sẽ khiến trẻ bị mất nước rất nhanh. Nước lọc, nước canh, súp và nước hoa quả sẽ rất tốt. Cần tránh những đồ uống chứa caffeine như cola và chè, bởi vì chúng có thể khiến bé đi tiểu nhiều hơn.
- Nếu trẻ bị nôn hoặc tiêu chảy, hãy gọi ngay cho bác sĩ. Đừng cho bé uống nước tăng lực trong lúc này vì lượng đường bổ sung có thể khiến cho bệnh tiêu chảy nặng hơn. Đồng thời, hạn chế trẻ uống nước hoa quả và nước táo.
- Cứ để bé ăn nhưng món ưa thích ở mức độ vừa phải, đừng ép bé ăn những thứ không thích.
- Cho bé nghỉ ngơi nhiều. Nằm trong giường cả ngày đúng là không cần thiết, song đối với trẻ bị ốm thì nên để bé thoái mái quyết định.
- Tốt nhất là không cho trẻ tới trường hoặc nhà trẻ trong thời gian bị sốt. Thời điểm an toàn đi học trở lại là sau 24 giờ thân nhiệt trở lại bình thường.
Khi nào tôi cần gọi bác sĩ?
Hãy dựa vào thân nhiệt chính xác, độ tuổi và những triệu chứng đi kèm. Đừng chần chừ gọi bác sĩ trong những trường hợp sau:
– Trẻ dưới 3 tháng tuổi bị sốt tới 38 độ C.
– Trẻ lớn bị sốt 40 độ C.
– Đối với trẻ lớn bị sốt dưới 40 độ C, hãy gọi bác sĩ nếu trẻ có thêm những biểu hiện sau:
- Từ chối uống nước hoặc dường như quá mệt mỏi để uống đủ nước.
- Bị tiêu chảy và nôn liên tục
- Có dấu hiệu mất nước
- Đau cổ họng hoặc nhức tai.
- Sốt liên miên trên 24 giờ đối với trẻ dưới 2 tuổi và 72 giờ đối với trẻ trên 2 tuổi.
- Sốt tái phát, thậm chí chỉ kéo dài vài giờ mỗi đêm.
Hãy gọi cấp cứu nếu bé có bất kỳ biểu hiện nào dưới đây đi kèm:
- Khóc không thể dỗ được trong vài giờ
- Cực kỳ khó chịu
- Bị hôn mê và khó tỉnh táo
- Phát ban hoặc nổi nốt đỏ tía trông như vết thâm tím trên da (không xuất hiện trước khi trẻ bị ốm).
- Bị tím môi, lưỡi và móng tay
- Thóp của trẻ sơ sinh phồng lên
- Cổ bị cứng lại
- Đau đầu
- Tứ chi không buồn nhúc nhích
- Vẫn khó thở kể cả khi mũi đã thông
- Người đổ về phía trước và chảy dãi
- Co giật
Tóm lại, đã là trẻ em thì khó tránh khỏi bị sốt, song đa số đều khỏi ngay trong một vài ngày. Biểu hiện hoạt động và thái độ của trẻ đôi khi quan trọng hơn so với nhiệt độ. Bé bị ốm sẽ không tươi tỉnh như mọi khi và điều này hoàn toàn tự nhiên. Bạn hãy đón nhận và bình tĩnh giúp bé vượt qua cơn sốt.