Có lẽ một trong những ám ảnh nặng nề nhất đối với chị em khi đeo “ba lô ngược” là tình trạng xuống sắc trầm trọng. Chị H.N (Hai Bà Trưng, Hà Nội) chia sẻ: “Chiều cao của mình vốn khiêm tốn. Lúc còn son rỗi nặng 42, 43 kg nên trông vẫn thon thả, dễ nhìn. Từ ngày mang thai cu Kiến mình nặng thêm 20 kg nữa nên ông xã toàn trêu là người hobbit, nấm lùn. Không những thế, mụn còn mọc chi chít trên mặt, lưng nữa chứ. Nói thật nhiều lúc tủi thân vì mình “xấu như con gấu”, đi đâu cũng chả dám đi”.
Cùng chung tâm trạng với chị H.N là chị T.H (Hoàn Kiếm, Hà Nội): “Hồi chưa có bé Ong, nhìn các chị cùng phòng “tám” chuyện bầu bí em thèm lắm. Thậm chí có tối còn nằm mơ thấy bé nữa chứ. Sáng ra cứ tủm tỉm cười mãi. Ấy thế mà đến lúc bầu bí mới chán chứ. Người ta bảo mang thai con gái thì xinh. Vậy mà em ở trường hợp ngược lại. Xấu cứ như Thị Nở vậy. Chân tay phù nề, môi thâm, mặt thì đỏ như gà chọi. Không những thế vùng nách và cổ đen sì, bụng thì rạn nứt te tua. Nhiều chán chả buồn soi gương. Xã cứ động viên mãi là sinh con xong sẽ xinh xắn như ngày xưa. Nhưng mà chả biết có được thế không các mẹ ạ?”.
Dù rằng nhiều mẹ bầu hết sức bi quan về tình trạng từ “thiên nga” hóa “cú vọ” của mình, song các chuyên gia cho rằng điều này hoàn toàn bình thường bởi khi mang thai hormone trong cơ thể thay đổi, nhất là trong những tháng đầu thai kỳ. Sau đó tình trạng sẽ dần dần được cải thiện.
Tuy vậy thay vì ngồi chờ đợi và ước ao rồi mình sẽ “trở lại và lợi hợi hơn xưa” các mẹ nên học hỏi những biện pháp dưới đây để bầu bí mà vẫn xinh đẹp rạng ngời nhé.
1. Kiểm soát cân nặng
Trong quá trình mang thai, mẹ bầu nào cũng phải tăng cân do sự phát triển của bé yêu. Tuy nhiêu nếu tăng quá nhiều ký, các mẹ có nguy cơ phải đối phó với các rắc rối như: rạn da, đau lưng… Do đó chị em nên chú ý kiểm soát vấn đề cân nặng của mình nhé. Để xem mình có bị thừa cân hay không, “mẹ ỏng” có thể tính bằng công thức BMI (BMI = Cân nặng (kg)/ (chiều cao)² (m)). Với chỉ số BMI dưới 18,5, chị em nên tăng 12,7 – 18 kg. Chỉ số BMI từ 25 -29,9, số cân nặng nên tăng là 6,8 – 11,3 kg. Còn BMI trên 30 có nghĩa là mẹ bầu đã bị béo phì và chỉ nên tăng từ 5 – 9 kg.
2. Nạp đủ 2.500kcals mỗi ngày
Để tránh bị tăng cân quá mức, thai phụ nên để ý đến chế độ ăn uống của mình. Mỗi ngày, bà bầu cần nạp 2.000 – 2.500 kcals vào cơ thể qua 4 bữa ăn: bữa sáng, bữa trưa, bữa phụ và bữa tối. Các mẹ chú ý đảm bảo đủ lượng vitamin, sắt, can xi, axit folic và nước cho cơ thể nhé.
3. Ngủ đủ và ngon giấc
Để tránh mất ngủ, chị em nhớ đi ngủ và thức dậy vào cùng một thời điểm mỗi ngày. Ngoài ra tư thế ngủ thoải mái nhất cho mẹ bầu là nằm nghiêng sang bên trái và đặt một chiếc gối mềm mại giữa hai đầu gối. Để giữ nguyên vị trí, “mẹ ỏng” nên đặt một chiếc gối ở trước bụng và sau lưng hoặc sử dụng loại gối dành riêng cho thai phụ.
4. Tập thể dục thường xuyên
Khi mang thai, các mẹ có thể tập yoga, đi bộ, bơi lội để tăng cường sức khỏe, điều hòa hô hấp, thậm chí là dễ sinh bé nữa đấy. Tuy nhiên nên tránh các môn thể thao vận động mạnh như cưỡi ngựa, trượt tuyết… để tránh bị ngã nhé.
5. Hạn chế vết rạn xấu xí
Hầu như 8/10 phụ nữ phải chịu đựng những vết rạn xấu xí khi có em bé. Để hạn chế những vết rạn này, chị em nên quan tâm đến vấn đề dưỡng ẩm, mát xa bụng và các vùng da dễ rạn. Ngoài ra, đừng bỏ qua kem chống nắng mỗi khi đi bơi hay có việc ra ngoài trong thời tiết nắng nóng nhé.
6. “Đánh bay” stress
Nhiều mẹ bầu tâm sự rằng họ bị stress nặng khi mang thai do lo lắng quá nhiều về vấn đề tương lai. Để “đánh bay” stress, chị em nên tham gia một lớp tập yoga dành riêng cho thai phụ, đi cà phê với bạn bè hay đến spa để mát xa.
7. Chăm sóc da cẩn thận
Khi mang bầu, hormone trong cơ thể thay đổi dẫn đến tình trạng thừa dầu, da mụn, nám….Để có làn da xinh, chị em nên hỏi ý kiến của bác sĩ trước khi mua bất kỳ sản phẩm làm đẹp nào, bổ sung canxi cho cơ thể, rửa mặt cẩn thận, đắp mặt nạ thường xuyên, bôi kem dưỡng ẩm hàng ngày, tránh ánh nắng mặt trời…
8. Nâng niu bầu ngực
Trong thời kỳ mang thai, vùng ngực của chị em sẽ có nhiều thay đổi, chẳng hạn như núm vú sẫm màu hơn, ngực lớn hơn… Do vậy chị em cần chú ý nâng niu bầu ngực của mình. Để vệ sinh vùng ngực, mẹ bầu có thể dùng nước ấm và lau rửa nhẹ nhàng. Ngoài ra nên chú ý đến việc chọn áo ngực. Áo ngực phải có độ co giãn cao để không chèn ép đầu ngực.
9. Đối phó với đường Linea Nigra
Hầu hết bà bầu đều xuất hiện một dòng màu nâu sẫm từ rốn đến lông mu gọi là đường Linea Nigra vào quý 2, quý 3 của thai kỳ. Đường sẫm màu này được hình thành do da sản xuất melanin nhiều hơn bình thường. Thông thường đường Linea Nigra sẽ biến mất sau khi bạn sinh em bé. Tuy nhiên, trong thai kỳ, để tình hình không nặng thêm, bạn nên tránh ánh sáng mặt trời và che chắn cẩn thận khi tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng.