Càng lớn, năng khiếu của bé sẽ mai một dần nếu không được phát hiện, bồi dưỡng sớm và đúng cách. Mỗi khi hè đến, các nhà văn hóa, cung thiếu nhi lại chật cứng học sinh từ các bé tuổi mẫu giáo đến học sinh tiểu học, THCS… đăng ký theo học các lớp năng khiếu. Không chỉ tìm một chỗ để gửi gắm con trong những ngày hè, điều này còn nói lên niềm mong mỏi, khát vọng giúp con được bồi dưỡng năng khiếu, và sẵn sàng cho khởi đầu tốt nhất của con ở trường và thành công trong cuộc sống sau này.
Phát hiện và bồi dưỡng năng khiếu cho con từ sớm
Năng khiếu của trẻ được hình thành và phát triển từ rất sớm, thậm chí từ lúc bé mới được sinh ra. Khoa học đã chứng minh năng khiếu của trẻ có quy luật giảm dần, có nghĩa là càng lớn, năng khiếu của bé sẽ mai một dần nếu không được phát hiện, bồi dưỡng sớm và đúng cách. Chẳng hạn, với một em bé khi sinh ra có 100% năng lực, nếu được bồi dưỡng từ 3 tuổi, bé sẽ phát huy được 90%, nhưng đến lúc 5-6 tuổi thì chỉ còn 70%, hoặc đến 10 tuổi thì đôi khi chỉ còn 50%. Nhiều trẻ tỏ ra đặc biệt thích một lĩnh vực nào đó, nhưng cha mẹ thiếu quan tâm, cho đó là chuyện tầm phào và ép buộc trẻ học những thứ trẻ không có hứng thú, vô hình chung đã bỏ phí năng khiếu của trẻ.
Bạn Thanh Trúc, đang theo học thiết kế tại Úc chia sẻ: “Hồi bé, em rất thích lấy quần áo cũ ra cắt cắt may may, lại còn vẽ vời lung tung khắp mặt mũi các bạn giả vờ trang điểm cô dâu… Hết cấp 3, em muốn thi ngành thiết kế, nhưng mẹ em nhất định bắt em thi Tài chính. Thuyết phục mãi cuối cùng mẹ mới cho em theo học ngành thiết kế. Giờ thì em như cá gặp nước rồi, thấy yêu và đam mê ngành này vô cùng”.
Thống kê đã cho thấy 90% năng khiếu của trẻ phát triển trong 12 năm đầu đời, vì vậy, để tránh bỏ qua năng khiếu của con mình, các bậc cha mẹ nên là người phát hiện và bồi dưỡng những năng lực tiềm ẩn của trẻ. Khi trẻ tỏ ra thích thú đặc biệt một lĩnh vực nào đó, hãy theo dõi và tạo điều kiện cho con được phát huy tối đa trong lĩnh vực đó. Cha mẹ cũng đừng quên động viên con đúng lúc khi con đạt được những thành tích nhỏ ban đầu.
Tuy nhiên, cha mẹ cũng không nên quá ảo tưởng về năng khiếu của con. Nhiều phụ huynh thấy con thích hát thì ngay lập tức cho rằng con mình có thể trở thành ca sĩ và ra sức đưa con tới các lớp luyện thanh. Cũng không ít phụ huynh ép con theo học những thứ họ muốn, mà không quan tâm xem trẻ có thích thú, say mê với môn học đó không, tạo ra nhiều áp lực, căng thẳng lên cả con trẻ lẫn chính họ.
Hiểu con để bồi dưỡng năng khiếu đúng cách
Mỗi đứa trẻ là một tiểu vũ trụ với cá tính, sở thích không giống nhau. Do đó, để phát hiện và bồi dưỡng năng khiếu đúng cách, phù hợp với từng trẻ là việc cha mẹ cần có kiến thức mới có thể làm được thông qua việc quan sát con mình. Theo Ông Howard Gardner – Tiến sỹ Tâm lý học nổi tiếng của ĐH Havard, có đến 9 loại năng khiếu. Trẻ có năng khiếu nào thì sẽ có năng lực vượt trội ở lĩnh vực đó.
Những loại năng khiếu mà Tiến sĩ Gardner nói tới là: Năng khiếu về toán học/logic; Ngôn ngữ/lời nói; Thị giác/không gian; Vận động; Âm nhạc/giai điệu; Hướng ngoại; Hướng nội; Hướng về thiên nhiên, hay năng khiếu hướng về sự tồn tại.
Có thể thấy, thiên khiếu của con người rất đa dạng và năng lực của con người không chỉ bó hẹp ở một loại năng khiếu nào đó, mà có thể là sự kết hợp của nhiều loại năng khiếu khác nhau. Biết con mình sở hữu loại thiên khiếu nào, cha mẹ sẽ biết cách điều hướng và phát triển tối ưu cho trẻ, và hơn hết, giáo dục cho trẻ biết bản thân là người có năng khiếu ở một lĩnh vực nào đó, tạo ra sự tự tin ở trẻ, đó chính là nền tảng cho trẻ học tốt ở trường và thành công hơn trong cuộc sống sau này.