Ở giai đoạn này, trẻ bắt đầu hình thành cảm xúc tự hào khi được khen ngợi và xấu hổ nếu bị chê trách. Vì thế người lớn nên thường xuyên khen ngợi khi các em có hành động tốt, nếu bé phạm lỗi, cần nhắc nhở nhẹ nhàng.
Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Minh, giảng viên Học viện Hành chính Quốc gia TP HCM khái quát một số đặc điểm về sự phát triển xúc cảm – tình cảm ở trẻ 1-3 tuổi như sau:
Thời gian đầu, cảm xúc và tình cảm của trẻ chưa có tính ổn định, mau thay đổi. Trẻ có thể rất thích thú một cái gì đó, nhưng cũng rất dễ dàng chán. Các em có thể khóc rồi cười nhanh chóng.
Ở độ tuổi này, các bé bắt đầu có tình cảm đối với những người gần gũi như cha mẹ, anh chị, ông bà. Sau đó xuất hiện thêm những hình thái mới: Đứa trẻ mong được người lớn khen ngợi, âu yếm và rất sợ khi người lớn tỏ ra không bằng lòng
Đối với bạn cùng tuổi, bé cũng đã bộc lộ được mối thiện cảm của mình bằng cách dỗ dành hay chia sẻ bánh kẹo, đồ chơi cho bạn. Trẻ cũng thường bị ảnh hưởng xúc cảm của người khác, ví dụ thấy bạn khóc thì khóc theo, thấy mẹ buồn cũng buồn theo, thấy bạn chơi đùa vui vẻ cũng cười theo…
Đặc biệt, ở lửa tuổi này trẻ bắt đầu hình thành tình cảm tự hào. Vì vậy, lời khen ngợi của cha mẹ hoặc sự tán thưởng của những người xung quanh là nguồn cổ vũ quan trọng giúp hình thành tình cảm tự hào của trẻ.
Sau đó, xuất hiện thêm tình cảm xấu hổ: Trẻ cảm thấy xấu hổ mỗi khi hành động của mình trái với mong mỏi của người lớn hoặc bị người lớn chê trách. Nếu được giáo dục tốt, tình cảm tự hào và xấu hổ nơi các em sẽ phát triển mạnh, từ đó thúc đẩy trẻ thực hiện những hành động tốt.
Nắm bắt được đặc điểm tâm lý này, người chăm sóc trẻ cần lưu ý:
– Nên thường xuyên khen ngợi khi trẻ đạt được một tiến bộ, thực hiện một hành động tốt, một hành vi hay lời nói đúng.
– Khi trẻ phạm lỗi cần nhắc nhở nhẹ nhàng, cần trách phạt để trẻ hiểu các giới hạn các chuẩn mực. Tuy nhiên cần lựa chọn kỹ các biện pháp trách phạt phù hợp, hạn chế đánh đập, chửi mắng các em quá nặng nề.