Lượng trẻ đến khám tại Bệnh viện Nhi Trung ương những ngày qua đã tăng tới 2.000 bé mỗi ngày. Các khoa hô hấp, truyền nhiễm… luôn trong tình trạng quá tải, phải nằm ghép 2-3 cháu một giường.
Thậm chí ở Viện Nhi Trung ương, có ngày khám cho tới gần 2.400 trẻ, trong khi bình thường chỉ khoảng 1.700.
Nửa đêm, chị Hương (Cầu Giấy, Hà Nội) thấy cô con gái hơn 2 tuổi đang ngủ tự dưng nhổm dậy ho sặc sụa rồi nôn thốc nôn tháo. Tuởng con bị trúng gió, cảm lạnh, chị xoa dầu gió, ủ ấm cho bé, thế nhưng chỉ nằm được một lúc cháu lại “vọt” ra tiếp. Đến 3h sáng, thấy con mệt lả, xanh xao, chị sợ quá vội đưa con đi cấp cứu mới biết bé bị tiêu chảy do rotavirus, phải bù nước. Chị không hề nghĩ con mình bị mất nước vì cháu mới chỉ bị nôn trớ chứ chưa đi ngoài.
Cũng gặp tình cảnh như chị Hương, nhiều cha mẹ đưa con đến bệnh viện khám trong tình trạng mất nước vì không được bù nước kịp thời. Theo các bác sĩ, nôn trớ có thể là một trong những dấu hiệu trẻ bị tiêu chảy. Có những bé đi ngoài rồi mới nôn, nhưng đa số trẻ nôn rồi mới có biểu hiện tiêu dồn dập. Vì thế, cha mẹ cần bù nước cho con ngay khi thấy trẻ nôn trớ nhiều.
Các bệnh viện nhi Hà Nội đang quá tải, phải ghép 3-5 bé một giường. |
Tiến sĩ Lê Thanh Hải, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, trong số bệnh nhi đến khám và điều trị mấy ngày qua, ngoài các bệnh về đường tiêu hóa, đặc biệt là tiêu chảy do virus, nhiều trẻ mắc các bệnh về đường hô hấp như viêm phổi, viêm phế quản…
Tình hình cũng tương tự tại Bệnh viện Xanhpon. Khoa nhi bệnh viện mỗi ngày tiếp nhận khoảng 500-600 trẻ đến khám. Trong đó, phần lớn là các bệnh viêm phổi, viêm phế quản, tiêu chảy. Nhiều trẻ bệnh nặng, phải điều trị dài ngày.
Theo các bác sĩ, kiểu thời tiết thất thường, lúc nóng lúc lạnh là điều kiện thuận lợi cho nhiều loại vi khuẩn, virus gây bệnh phát triển. Trong khi cơ chế thích ứng, miễn dịch của trẻ còn kém nên dễ mắc bệnh.
Tuy nhiên, Tiến sĩ Hải cũng khuyến cáo, rất nhiều trẻ được đưa đến viện trong tình trạng rất nặng một phần vì khi thấy con bị sốt, ho…, cha mẹ thường nghĩ bé mắc bệnh này, bệnh kia rồi tự ý mua thuốc cho uống. Thuốc uống không đúng bệnh dẫn tới việc trẻ bị dùng kháng sinh nặng quá sớm hoặc bị lạm dụng thuốc hạ sốt. Hậu quả là bệnh càng nặng. Nguy hiểm hơn trẻ có thể bị ngộ độc gan, suy gan.
Vì thế, cha mẹ cần đưa con đi khám để có cách điều trị phù hợp. Để phòng bệnh, cha mẹ cần chú ý chăm sóc tốt cho trẻ về chế độ dinh dưỡng, giữ gìn vệ sinh cá nhân và môi trường sống của trẻ. Đặc biệt là không nên lạm dụng thuốc bừa bãi. Chẳng hạn, khi trẻ bị tiêu chảy do virus thì không được cho trẻ uống kháng sinh, bởi có thể dẫn đến nguy cơ rối loạn vi khuẩn đường tiêu hóa, khiến bệnh nặng hơn hoặc gây tiêu chảy kéo dài.
Ngoài ra, việc giữ trẻ vừa đủ ấm là rất quan trọng. Thực tế, có nhiều trẻ phải nhập viện một phần là do bị ủ ấm quá mức, khiến bé ra mồ hôi rồi thấm ngược trở lại, gây lạnh và phát bệnh.