Sự việc gần đây về ba trẻ sơ sinh tử vong sau tiêm vắc – xin viêm gan B tại Quảng Trị đã làm xôn xao dư luận va dấy lên nỗi lo lắng của các bà mẹ khi cho con mình đi tiêm viêm gan B. Hiểu đúng về loại vac-xin này sẽ giúp mẹ an tâm và chủ động hơn trong việc bảo vệ sức khỏe và phòng tránh bệnh tật cho “thiên thần nhí” của mình.
Vắc-xin viêm gan B là gì?
Các vaccin viêm gan B (HBV) bảo vệ con bạn chống lại virus viêm gan B, một chủng virus rất nguy hiểm có thể dẫn đến tổn thương gan và thậm chí tử vong. Việt Nam nằm trong khu vực có tỷ lệ người mang virut viêm gan B rất cao, 10-20% dân số. Bệnh viêm gan B rất dễ lây lan, nếu người mẹ mang thai nhiễm virut viêm gan B thì có đến90% sẽ truyền bệnh sang con.
Chương trình Tiêm chủng mở rộng (TCMR) của Việt Nam đã bắt đầu triển khai tiêm vắc xin viêm gan B từ năm 1997, đến năm 2003 được bao phủ cho trẻ em
Tại sao phải tiêm vaccin viêm gan B trong vòng 24 giờ sausinh?
Tiêm vaccin cho trẻ 24 giờ đầu sau sinh là cách tốt nhất để phòng lây truyền virut viêm gan B từ mẹ sang con. Điều này đặc biệt quan trọng vì hầu hết trẻ sơ sinh bị nhiễm virut viêm gan B từ mẹ khi sinh sẽ có 90% nguy cơ trở thành bệnh mạn tính và khoảng 25% trong số đó sẽ chết vì ung thư gan và xơ gan. Tiêm vaccin viêm gan B trong vòng 24 giờ đầu sau sinh có hiệu quả bảo vệphòng lây truyền từ mẹ sang con từ 80-85%. Nếu trẻ tiêm vaccin viêm gan B muộn sau khi sinh thì việc phòng tránh lây truyền bệnh từ mẹ sang con sẽ bị giảm, cụt hể nếu tiêm vaccin viêm gan B vào thời điểm 7 ngày sau khi sinh, khả năngphòng lây nhiễm từ mẹ sang con chỉ đạt 50-57%.
Sau mũi 1 vào 24h sau sinh, trẻ sẽ còn phải tiêm nhắc lại 2 mũi vào khoảng thời gian từ tháng thứ 1-2 và một lần nữa vào tháng thứ 6 – 18.
Mẹ hãy yên tâm rằng việc tiêm vắc-xin viêm gan B không phải là can thiệp y tế đầu tiên trong đời trẻ. Thực tế khi vừa mới sinh, trẻ sơ sinh cũng sẽ thường được tiêm một mũi vitamin K và mũi BCG phòng lao theo khuyến cáo.
Những trường hợp nào không nên tiêm viêm gan B trong vòng 24h đầu sau sinh?
Các nhà nghiên cứu tạo ra Vắc –xin viêm gan B bằng cách sao chép chuỗi di truyền của một loại protein có trong virus vào tế bào nấm men, sau đó được nuôi cấy, và lọc tinh khiết. Do đó, nếu trẻ có biểu hiện dị ứng với nấm men bánh mì (một loại men sử dụng trong việc làm bánh mì nướng) thì mẹ không nên cho trẻ tiêm vắc –xin viêm gan B.
Trẻ sơ sinh thiếu tháng nặng dưới 1,8kg cũng không nên tiêm vắc – xin viêm gan B sau 24h mà cần chờ 1 tháng sau mới thực hiện mũi tiêm đầu tiên.
Ngoài ra, các trường hợp trẻ bị đẻ khó, mẹ bị sốt trước hoặc sau khi sinh, nước ối bẩn, trẻ bị ngạt, thai già tháng, trẻ dị tật…cũng cần được thăm khám cẩn thận để tránh các trường hợp trùng hợp tử vong. Đối với những trẻ đang bị ốm, sốt, mắc các bệnh nhiễm khuẩn cấp tính thì cần được hoãn tiêm.
Các phản ứng có thể xảy ra sau tiêm vắc-xin viêm gan B là gì?
Vaccin viêm gan B là vaccin tái tổ hợp, khi tiêm vaccin không đưa virut viêm gan B vào cơ thể, vì vậy trẻ được tiêm loại vaccin này trong 24 giờ sau sinh là an toàn. Tuy nhiên, vẫn có một số trường hợp trẻ gặp các phản ứng phụ sau tiêm như:
Đau nhức tạm thời tại chỗ tiêm (tỷ lệ 5-15%).
Nhiễm trùng tại chỗ tiêm (tỷ lệ dưới 1%).
Sốt nhẹ (tỷ lệ 0,6% đến 3,7% ở trẻ sơ sinh, 2-3% ở người lớn) trong vòng 24-48 giờ sau tiêm.
Buồn nôn, chóng mặt, mệt mỏi, đau cơ và khớp trong ngày sau khi tiêm.
Những phản ứng phụ như vậy là hết sức bình thường và mẹ không cần quá lo lắng. Để đảm bảo sức khỏe con yêu sau tiêm, mẹ cần chú ý kiểm tra thân nhiệt bé thường xuyên, cho bú nhiều để đề phòng mất nước.
Nên nhớ: Việc tiêm phòng cho trẻ là vô cùng cần thiết và quan trọng Mẹ không nên vì những thông tin trái chiều mà trì hoãn hoặc bỏ qua việc tiêm chủng. Nếu không đưa con đi tiêm phòng, mẹ không những đã đặt con mình vào tình trạng không an toàn mà còn gây nguy hiểm cho cả xã hội và cộng đồng. Điều này không hề “đao to búa lớn”. Những năm gần đây, sở dĩ chúng ta không mắc phải những căn bệnh gây chết người hàng loạt như sởi, quai bị, ho gà, bạch hầu, uốn ván….là do cả xã hội đã được tham gia tiêm chủng và hình thành một cộng đồng miễn nhiễm với dịch bệnh. Chỉ một vài trường hợp trẻ không được tiêm chủng có thể sẽ là mầm mống gây dịch bệnh cho cả xã hội.
Theo tư vấn của Chuyên gia TS. BS Lê Minh Hương (Khoa Dị ứng – Miễn dịch, Bệnh viện Nhi Trung ương) Sau khi tiêm chủng
– Trẻ cần phải ở lại 30 phút tại điểm tiêm chủng để được cán bộ y tế theo dõi và kịp thời xử trí nếu có những phản ứng bất thường xảy ra.
– Tiếp tục theo dõi trẻ tại nhà ít nhất 1 ngày sau tiêm chủng về các dấu hiệu sau: Toàn trạng, tinh thần, ăn ngủ, thở, nhiệt độ, phát ban, phản ứng tại chỗ tiêm…
– Sau tiêm chủng, trẻ có thể có một số các phản ứng thông thường như sốt nhẹ (<38,5 độ C), đau hoặc sưng tấy nhẹ tại chỗ tiêm, quấy khóc… Tuy nhiên, các phản ứng này sẽ tự khỏi trong vòng 1 ngày. Khi trẻ sốt, cần phải cặp nhiệt độ 2 – 4 giờ/ lần và theo dõi sát, dùng thuốc hạ sốt cho trẻ theo sự chỉ dẫn của cán bộ y tế. – Cần đưa ngay trẻ tới bệnh viện hoặc các cơ sở y tế nếu trẻ có các dấu hiệu bất thường sau tiêm chủng như sốt cao (>39 độ C), co giật, khóc thét, quấy khóc kéo dài, li bì, bú kém, bỏ bú, khó thở, tím tái, phát ban, hoặc khi phản ứng thông thường kéo dài trên 1 ngày.
– Nếu cha mẹ không yên tâm về những phản ứng của con sau khi tiêm chủng, có thể trực tiếp đến gặp cán bộ y tế để được tư vấn cách chăm sóc trẻ.