Hóc thạch là nguy hiểm nhất trong các trường hợp hóc dị vật ở trẻ nhỏ, bởi nó có thể gây ngừng thở, thậm chí tử vong chỉ sau vài phút.
Mới có một trường hợp hóc thạch được cứu sống
Câu chuyện về người mẹ trẻ làm công nhân ở Bình Dương đã vĩnh viễn mất đi cậu con trai 4 tuổi vì bé bị hóc thạch đã khiến dư luận xót xa. Đã có rất nhiều trường hợp trẻ chết tức tưởi vì hóc thạch nhưng thật đáng buồn là người lớn vẫn có thói quen cho trẻ nhỏ ăn thạch.
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi, BV Bạch Mai (Hà Nội) khẳng định, hóc thạch là trường hợp tai nạn nguy hiểm nhất, đe họa nghiêm trọng tính mạng của trẻ. Hầu hết các trường hợp trẻ hóc thạch đều tử vong, thậm chí có nhiều trường hợp tử vong chỉ sau vài phút bị hóc. “Thời gian “vàng” để xử lý các trường hợp hóc thạch cực kỳ ngắn, nếu được cấp cứu đúng trong 1-2 phút đầu thì trẻ mới có nguy cơ sống sót còn nếu chậm hơn bác sĩ đều bó tay. Điều này lý giải vì sao các trường hợp trẻ hóc thạch tử vong cao. Năm nào khoa Nhi cũng tiếp nhận trường hợp trẻ bị hóc thạch nhưng mới chỉ có duy nhất một trường hợp bé trai thoát chết thần kỳ”, PGS.TS Dũng cho biết.
Trường hợp may mắn này là bé Lương Hữu Nghĩa, 14 tháng tuổi ở Bắc Giang. Nghĩa được bà nội bế sang chơi nhà hàng xóm ngay bên cạnh. Tại đây bé được con của người hàng xóm cho ăn một nửa miếng thạch rau câu. Đang nhai miếng thạch, bé Nghĩa bỗng bị ho sặc sụa, người tím tái. Rất may ngay tại thời điểm đó bác ruột của Nghĩa vốn là một bác sĩ đang ở nhà em nên đã kịp thời chạy sang sơ cấp cứu, sử dụng thủ thuật Heimilich. Sau đó gia đình lập tức đưa bé đi cấp cứu tại BV Đa khoa Bắc Giang, cách nhà 300-400m, trong tình trạng tím tái toàn thân và ngưng thở. Bé được chuyển tiếp xuống Khoa Nhi, BV Bạch Mai khi đã bắt đầu rơi vào tình trạng hôn mê.
Tại đây, nhờ sự cấp cứu tận tình và kịp thời của các bác sĩ, bé Nghĩa đã thoát chết thần kỳ, sức khỏe hồi phục hoàn toàn, không hề bị di chứng.
“Trường hợp cháu Nghĩa thoát chết là do bé may mắn có được thời gian vàng trong cấp cứu. Lúc xảy ra tai nạn nếu bé Nghĩa không có người bác làm bác sĩ dùng thủ thuật Heimilich ngay lập tức và được bóp bóng thở, đặt nội khí quản, hút truyền dịch của bệnh viện chỉ cách nhà 300-400m thì bé cũng khó có cơ hội thoát khỏi lưỡi hãi tử thần”, PGS.TS Dũng khẳng định.
Tuyệt đối không cho trẻ nhỏ dưới 5 tuổi ăn thạch
Nói về các trường hợp thương tâm trẻ tử vong do hóc thạch, PGS.TS Dũng chia sẻ “Các bác sĩ, các phương tiện truyền thông đã cảnh báo và đưa tin nhiều về các trường hợp hóc thạch nhưng điều đáng buồn là cha mẹ vẫn cho trẻ nhỏ ăn thạch. Chứng kiến bao ca trẻ phải chết đau lòng nhiều lần tôi cũng đã hỏi cha mẹ tại sao lại cho các bé ăn thạch thì có mẹ trả lời vì bé thích ăn, có mẹ nghĩ rằng thạch tốt cho trẻ. Thực ra, trẻ nhỏ thường thích ăn các loại kẹo, bánh, đồ ngọt nhưng nếu người lớn không nuông chiều, tuyệt đối không cho trẻ ăn vì sự an toàn của trẻ thì chẳng có đứa trẻ nhỏ nào biết đến hương vị của thạch để đòi ăn. Trẻ hóc thạch là lỗi tại người lớn, từ sự bất cẩn của chính người lớn chứ không phải do trẻ”.
Ngoài việc thời gian vàng trong điều trị quá ngặt nghèo các ca hóc thạch ở trẻ em cũng đòi hỏi điều trị khó khăn hơn, đòi hỏi bác sĩ phải xử lý linh hoạt. Bởi do thạch trơn, mềm, dễ nát ra thành các viên nhỏ nên càng nhanh bít hết đường thở của trẻ. Nếu bác sĩ cứ cố hút hết thạch trong đường thở của trẻ dễ thiếu ô xy trầm trọng, có nguy cơ tử vong. Do đó, trong trường hợp này bác sĩ cần phải luân chuyển liên tục giữa xông cung cấp oxy và hút dị vật.
Để phòng trách tai nạn đáng tiếc này, PGS.TS Dũng khuyến cáo cha mẹ không nên cho trẻ dưới 5 tuổi ăn thạch. Với trẻ chẳng may bị hóc thạch, ngay lập tức cần sử dụng thủ thuật Heimilich và đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất. Tuyệt đối không được dùng tay cố móc thạch ra khỏi cổ trẻ bởi việc làm này vô tình càng làm miếng thạch bị đẩy sâu vào bên trong, bít hết đường thở của trẻ, khiến trẻ tử vong nhanh.
Cách xử trí với trẻ sơ sinh bị hóc dị vật:
Hướng dẫn thực hiện thủ thuật Heimlich tại nhà:
+ Bước 1: Người cứu đứng sau lưng nạn nhân, một chân trước, một chân sau; chân trước lồng giữa hai chân nạn nhân.
+ Bước 2: Vòng hai tay ra trước, quàng lấy bụng nạn nhân, bàn tay ngoài nắm lấy nắm đấm của bàn tay trong (lòng bàn tay này úp xuống), áp sát vào vùng bụng phía trên rốn, ngay dưới xương ức của nạn nhân.
+ Bước 3: Giật lên thật mạnh và đột ngột theo hướng từ trước ra sau và từ dưới lên, liên tục 4-5 cái. Động tác này phải được thực hiện dứt khoát và không đè ép vào lồng ngực thì mới có hiệu quả.
Đối với phụ nữ có thai hoặc người béo phệ, vị trí đặt tay trên ngực tốt nhất là ngay giữa xương ức, cách mỏm ức 2-3 cm. Nên để nạn nhân ngồi tựa vào ghế để thao tác dễ hơn.