Thời điểm chuẩn bị vào lớp 1 là cột mốc quan trọng đối với trẻ. Do đó, cha mẹ nên cùng xem lại nề nếp sinh hoạt hằng ngày của trẻ để phát huy tối đa khả năng tự lập của con. Bác sĩ Hoàng Vũ Quỳnh Trang, Khoa Tâm lý, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) sẽ giúp bạn tìm hiểu về mức độ tự lập của trẻ. Trước tiên, các bà mẹ hãy dành 5 phút trả lời các câu hỏi:
1. Khi trẻ ăn cơm:
a. Mỗi bữa ăn mẹ đút cơm cho con
b. Có lúc mẹ đút, có lúc trẻ tự xúc ăn
c. Trẻ tự xúc ăn
2. Việc dọn đồ chơi:
a. Trẻ để đồ chơi cho người khác dọn
b. Trẻ có thể tự dọn nhưng thường làm sau khi bị nhắc nhở
c. Trẻ tự giác thu dọn đồ chơi sau khi chơi
3. Đối với vệ sinh cá nhân hàng ngày (tắm, đánh răng, rửa tay…):
a. Mẹ nhắc nhở và thường làm giúp trẻ
b. Có lúc mẹ làm thay con, có lúc trẻ làm và mẹ bên cạnh hướng dẫn
c. Trẻ có thể tự làm, không cần nhắc nhở hàng ngày
4. Việc soạn sách vở đi học:
a. Mẹ soạn đầy đủ cho con trước khi đi học
b. Có khi trẻ tự soạn, có khi trẻ muốn mẹ soạn
c. Trẻ tự soạn đầy đủ
5. Việc mặc quần áo hoặc thay giày dép:
a. Trẻ không tự mặc quần áo hay thay giày dép mà mẹ phải giúp
b. Thường thì bé tự làm, nhưng mẹ vẫn phải hỗ trợ
c. Trẻ tự làm một mình được mà không cần ai giúp đỡ
6. Trẻ ngủ chung hay ngủ riêng với thành viên gia đình?
a. Trẻ ngủ chung với cha và mẹ vì sợ bóng tối
b. Trẻ đôi khi ngủ chung với cha/ mẹ, đôi khi có thể ngủ riêng
c. Trẻ ngủ một mình
7. Khi bé tập làm việc gì đó, mẹ thường:
a. Luôn làm thay cho con vì thương con hoặc để cho nhanh và gọn gàng
b. Thường để trẻ tự làm nhưng đôi khi trẻ lười muốn mẹ làm giúp
c. Ban đầu hướng dẫn trẻ làm, về sau ở bên cạnh quan sát và hướng dẫn
8. Và bây giờ, hãy cùng xem thử lời giải đáp và đề xuất của bác sĩ Quỳnh Trang tương ứng với từng trường hợp:
Nếu đa số câu trả lời của bạn là câu c
Chúc mừng bạn! Con đã đi vào nề nếp ổn định. Đây là nền tảng rất tốt giúp con thích nghi với môi trường học đường sắp tới. Điều này sẽ rất hữu ích cho trẻ nhiều cơ hội học hỏi, kết bạn và dễ dàng thành công trong tương lai. Hãy tiếp tục dẫn dắt trẻ phát huy khả năng tự lập theo hướng này, và khích lệ trẻ rèn luyện những công việc có độ khó cao hơn.
Nếu đa số câu trả lời của bạn là câu b
Đây là dấu hiệu tốt. Trẻ đã bắt đầu có ý thức tự lập. Để trẻ phát huy những thói quen tốt này, bạn hãy động viên trẻ, cho trẻ thấy lợi ích của việc duy trì thói quen tự lập trong tương lai. Bạn hãy mạnh dạn giúp trẻ lớn lên bằng cách khích lệ, hướng dẫn trong thời gian đầu, sau đó tiếp tục động viên trẻ tự làm hoàn toàn. Sau một thời gian, bạn sẽ thấy trẻ tiến bộ hơn rất nhiều.
Nếu đa số câu trả lời của bạn là câu a
Con của bạn chưa sẵn sàng để lớn lên. Những câu hỏi trên liệt kê những công việc nhỏ mà lứa tuổi 4-6 cần phải tập và thực hiện tốt để chuẩn bị vào lớp 1. Hãy cùng các thành viên khác trong gia đình lên kế hoạch giúp trẻ tự lập từ bây giờ. Cả gia đình cùng phối hợp tập cho trẻ tự làm các công việc trên từ nhỏ tới lớn: tự xúc cơm ăn, tự dọn và cất đồ chơi, tự làm vệ sinh cá nhân… Ban đầu trẻ sẽ cảm thấy khó chấp nhận và chưa làm quen được. Bạn cần biết đặt giới hạn và giải thích, khích lệ đúng lúc, kiên nhẫn hướng dẫn trẻ, khen ngợi khi trẻ tiến bộ.