Những vụ lùm xùm gần đây xung quanh việc trẻ tử vong sau khi tiêm vắc-xin đã một lần nữa làm dấy lên sự lo ngại trong cộng đồng, đặc biệt là các bậc phụ huynh đang có con nhỏ đến tuổi đi tiêm.
Một số trường hợp quy trình tiêm bị cắt xén, ăn bớt
Còn nhớ, vào ngày 19/4, khi anh Nguyễn Dương Lam (TP.Vĩnh Yên – Vĩnh Phúc) đưa con trai là Kiều Phong đến để tiêm vắc xin Pentaxim mũi 3 và uống Rotateq tại Phòng tiêm chủng số 70 Nguyễn Chí Thanh. Do nghi ngờ trong việc tiêm chủng của các nhân viên tại đây ở 2 lần tiêm trước anh Lam đã bí mật theo dõi các thao tác của nhân viên tên H. và cuối cùng phát hiện nhân viên đã “ăn bớt” vaccine.
Trước đó, vào tháng 1/2013, phòng Tiêm chủng 131 Lò Đúc, trực thuộc Viện vệ sinh Dịch tễ TƯ, cũng đã thực hiện tiêm vắc-xin quá đát cho 5 trẻ nhỏ. Hai vụ việc xảy ra gần nhau khiến các bậc phụ huynh vô cùng sửng sốt về y đức của một số người trong ngành y tế và lo lắng cho sức khỏe của con cái sau này.
Chất lượng vắc-xin bị nghi ngờ là không được đảm bảo
Khoảng 9h30 ngày 4/1/2013, cháu Nguyễn Thành Long (3 tháng tuổi) được người nhà đưa đến trạm y tế xã Yên Thường để tiêm mũi vắc-xin tổng hợp 5 trong 1 Quimvaxem theo chương trình TCMR. Sau khi tiêm xong, đến khoảng 4h30 sáng 5/1, chị Linh, mẹ cháu Long, thức dậy cho cháu ăn như thường lệ thì phát hiện cháu rất yếu rồi lịm dần đi. Hoảng hốt, gia đình đã đưa cháu Long đến bệnh viện cấp cứu nhưng không kịp.
Sự việc cháu Long và 3 bé ở Quỳ Hợp, Nghệ An tử vong vì vắc-xin Quinvaxem đã làm dấy lên sự lo lắng, nghi ngờ trong cộng đồng khi đó về chất lượng vắc-xin Quinvaxem của Hàn Quốc.
Nỗi hoang mang vừa mới lắng xuống được một thời gian thì nay người dân lại một lần nữa phải sống trong cảnh thấp thỏm khi biết tin 4 cháu bé tử vong bất thường sau khi tiêm vaccine viêm gan B (3 bé ở Quảng Trị, 1 bé ở Bình Thuận).
Ngay trong ‘tâm bão’ của vụ việc, mới đây nhất, trung tâm Y tế huyện Lâm Hà (tỉnh Lâm Đồng) lại cho biết đang làm rõ nguyên nhân tử vong của một trẻ sơ sinh vào trưa 23/7 sau khi được tiêm một mũi vitamin K để phòng xuất huyết não.
Những thông tin gây hoang mang dư luận này đang kéo theo những hệ lụy vô cùng nguy hiểm cho cả cộng đồng.
Phụ huynh nảy sinh tâm lý “sợ tiêm”
Câu chuyện về việc qui trình tiêm và chất lượng vắc-xin ở Việt Nam mãi còn là một vẫn đề nhức nhối. Trước những giải thích mập mờ, khó hiểu, không rõ ràng của Bộ Y Tế và các cơ quan chức năng, rất nhiều bậc phụ huynh đã nảy sinh tâm lý sợ đưa con đi tiêm.
Chị Linh (D1 Kim Liên, Hà Nội) bày tỏ lo lắng “Con tôi mùng 5 tháng tới là đến lịch hẹn tiêm vắc-xin 5 trong một mũi đầu tiên theo lịch hẹn của trạm y tế phường. Vậy nhưng trước những thông tin trẻ tử vong vì tiêm vắc-xin thế này, cả gia đình tôi đang rối loạn vì không biết có nên đưa cháu đi tiêm hay không. Tiêm cũng sợ mà không tiêm cũng…sợ”
Cùng có chung nỗi lo lắng này, anh Thành (Bạch Mai, Hà Nội) cho biết “Vợ tôi còn 1 tuần nữa là đến ngày dự sinh. Chúng tôi đã đăng ký sinh cho cháu tại Bệnh viện Việt Nhật. Tuy nhiên, tôi rất lo lắng trước thông tin trẻ tử vong vì tiêm viêm gan B. Tôi và vợ đang dự định yêu cầu bệnh viện không tiêm vắc-xin viêm gan B cho cháu 24h đầu sau sinh. Chúng tôi không muốn vừa đón nhận niềm vui gặp con lại gặp phải rủi ro nào khác. Nỗi đau của các bậc cha mẹ ở Quảng Trị là quá lớn.”
‘Rủ nhau’ quay lưng với chương trình tiêm chủng
Không chỉ ‘âm thầm’ quyết định bỏ tiêm cho con, ở trên mạng, trên các diễn đàn, các hội chăm con nuôi con trên facebook, rất nhiều bà mẹ đang có con nhỏ đồng loạt bảy tỏ nỗi lo lắng và ‘rủ rê, động viên’ nhau…bỏ tiêm vắc xin cho con.
Tại một ‘topic’ về chủ đề trẻ tử vong sau tiêm vắc-xin trên diễn đàn, có một thành viên quả quyết: “ Viêm gan B chỉ lây truyền qua đường tình dục và đường máu. Nếu bố mẹ không bị viêm gan B thì cũng không cần tiêm VGB cho con làm gì. Gia đình mình quyết định bỏ tiêm”.
Lại có một thành viên khác ‘trấn an’ mọi người: “Những mũi tiêm phụ như viêm gan B hay cúm là không cần thiết. Con mình cũng sắp được 6 tháng nhưng mình ko cho tiêm !!!Có rất nhiều loại virut cúm khác nhau, đi tiêm chỉ phòng được 1 loại thôi. Xui rủi ra thì vẫn ốm như thường. Mình đang nghiên cứu cho con uống gì thêm để tăng sức đề kháng thôi.” Chia sẻ của thành viên này được rất nhiều mẹ đồng tình.
Vào facebook, mạng xã hội đang được rất nhiều bà mẹ trẻ Việt ưa dùng hiện nay, vụ việc trẻ tử vong vì tiêm vắc-xin lại càng ‘hot’ hơn bao giờ hết. Chỉ trong vòng 3 tiếng đồng hồ, trên ‘tường’ của một Hội chăm con trên facebook đã có hàng chục mẹ viết ‘status’ tâm sự liệu có nên tiếp tục cho con đi tiêm.
Những ý kiến như “Sau mấy vụ bê bối vacxin mình đã không cho con tiêm từ trước, giờ nghĩ lại mới thấy mình may. Không biết giờ tin ai tin vào điều gì đây…” ; “Ngày xưa bố mẹ mình có được tiêm phòng gì đâu. Sao vẫn sống khoẻ mạnh vậy ta?” ; “Sao các mẹ vẫn cứ bình thản vậy nhỉ? Lô vacxin đang có vấn đề. Tại sao cứ đâm đầu vào chỗ nguy hiểm nhỉ. Hay tính mạng con mình không quan trọng? Đừng đi tiêm nữa” hay “Dừng tất cả ngay nhé các mẹ. Bé nhà tớ 4 tháng, chuẩn bị các mũi tiêm tiếp theo đây nhưng gia đình tớ quán triệt là không tiêm chủng gì nữa”….nhận được rất nhiều ‘Like’ của các mẹ.
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi, BV Bạch Mai (Hà Nội) cho biết, việc cha mẹ không cho trẻ đi tiêm vắc xin là sai lầm nghiệm trọng và trẻ em là người chịu thiệt thòi nhất. Bởi hiện nay vắc xin vẫn là biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất. Sau khi tiêm vắc xin, trẻ em có thể tránh mắc được nhiều bệnh truyền nhiễm có thể gây tử vong như bại liệt, sởi, bạch hầu, ho gà, viêm màng não, rubella …
“Phòng bệnh luôn tốt hơn chữa bệnh, trẻ không được tiêm vắc xin có nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm cao gấp nhiều lần trẻ đã được tiêm phòng. Chi phí để điều trị các bệnh truyền nhiễm thường rất tốn kém, chưa kể tới việc phải nghỉ học, nghỉ làm và thêm nhiều người chăm sóc, thậm chí thiệt hại do tử vong không thể tính được bằng tiền”, PGS.TS Dũng nói.
Riêng về vắc xin viêm gan B, TS Nguyễn Văn Bình, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, hiện ở Việt Nam có tới 10% bà mẹ có sẵn virus viêm gan B trong máu, quá trình sinh đẻ virus này rất dễ xâm nhập vào cơ thể trẻ gây bệnh nên việc tiêm sớm cho trẻ có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Tiêm muộn sau 24h trẻ có nguy cơ lây bệnh rất lớn. Việt Nam là quốc gia có tỷ lệ lưu hành viêm gan B khá cao.
Mũi tiêm 24h đầu đối với trẻ được đặt ra để bảo vệ khoảng 150.000 trẻ có nguy cơ trong số 1,5 triệu trẻ sinh ra hằng năm. Đặc biệt, có khoảng 5-6% trong số trẻ đó thực sự nếu không tiêm, không được bảo vệ sẽ dẫn tới tình trạng viêm gan, sơ gan, ung thư gan trong quãng đời rất ngắn sau đó. Việc tiêm sớm càng đặc biệt có ý nghĩa bảo vệ trẻ của những bà mẹ đang mang virus viêm gan B.
Nói về việc nhiều bà mẹ dừng tiêm vắc xin viêm gan B trong 24h đầu cho con nếu xét nghiệm bản thân không mắc bệnh, TS Bình cho rằng quyết này là sai lầm. Bởi có một tỷ lệ nhất định các sản phụ đang mang bệnh ở giai đoạn cửa sổ, tức là trong giai đoạn trong người đang mang virus, có khả năng truyền bệnh cho con nhưng xét nghiệm lại không thể phát hiện là đang nhiễm bệnh. Với trường hợp này, nếu chỉ căn cứ vào kết quả xét nghiệm để đưa ra quyết định lùi lịch tiêm lại cho trẻ có thể khiến trẻ bị lây bệnh từ mẹ.