Có đến 25% số ca mang thai kết thúc với triệu chứng sảy thai hoặc phá thai tự phát. Sảy thai thường xảy ra trong 20 tuần đầu thai kỳ. Có rất nhiều nguyên nhân gây sảy thai như do tuổi tác của mẹ, thai nhi có vấn đề bất thường, hoặc người mẹ bị mất cân bằng nội tiết… Tuy nhiên, không ít ca không tìm được nguyên nhân. Nhưng dù vì nguyên nhân gì đi chăng nữa, thì điều bạn phải đối mặt là việc mất đi đứa con chưa kịp chào đời. Việc nhận biết sớm được những dấu hiệu sảy thai là cần thiết đối với mỗi mẹ bầu. Khi nhận thấy những dấu hiệu này, bạn nên đến ngay bệnh viện hoặc gọi cho bác sĩ khoa sản.
Dấu hiệu sảy thai
Ra máu bất thường
Có rất nhiều dấu hiệu sảy thai và không phải dấu hiệu sảy thai ở mẹ nào cũng giống nhau. Chảy máu âm đạo được cho là một trong những dấu hiệu sảy thai sớm. Tuy nhiên hiện tượng này cũng khá phổ biến trong thai kỳ. Ở những tuần đầu mới đậu thai, các mẹ có thể bị ra máu báo. Trong thai kỳ cũng có người trải qau hiện tượng này nhưng vẫn bình thường. Vì vậy, tốt hơn cả, khi gặp triệu chứng này, bạn cần đi khám bác sĩ sớm nhất.
Nếu thấy âm đạo bị ra máu kèm triệu chứng đau bụng, đau lưng, chuột rút thì rất có thể bạn sẽ có nguy cơ sảy thai đấy.
Triệu chứng đau lưng này rất giống với triệu chứng trước mỗi kỳ kinh nguyệt của chị em. Đau bụng kèm chuột rút thì rất có thể đó là dấu hiệu sảy thai. Vì vậy, khi bị đau bụng dữ dội, mẹ bầu cần chú ý đến một vài triệu chứng khác của cơ thể và nên thông báo sớm với bác sĩ chuyên khoa.
Xuất hiện cơn co thắt
Nếu thấy xuất hiện những cơn co thắt từ 5-20 phút một lần, mẹ bần cần vô cùng cẩn trọng. Đây là dấu hiệu chỉ an toàn khi bạn đã đến ngày sinh nở. Còn nếu xảy ra sớm hơn tuần 37 thì đó có thể là dấu hiểu sảy thai hoặc sinh non. Một tin tốt lành là dấu hiệu co thắt có thể được ức chế khi bạn đến bệnh viện kịp thời để chữa trị, ngăn chặn nguy cơ sảy thai hoặc sinh non.
Giảm các triệu chứng thai kỳ
Giảm cân nhanh chóng, không cảm thấy mệt mỏi, không ốm nghén buồn nôn – tất cả những dấu hiệu mang thai – có thể là dấu hiệu của vấn đề sảy thai. Khi không nhận thấy các triệu chứng mang thai, mẹ bầu nên đi khám để được các bác sĩ can thiệp kịp thời.
Đối mặt với nỗi đau sảy thai
Sảy thai là điều mà không mẹ bầu nào muốn. Tuy nhiên, chúng ta không thể nói trước được gì và khi nỗi đau “gõ cửa”, chị em hãy bình tĩnh đối mặt và nuôi hy vọng ở những lần sau:
– Khi bị sảy thai, hãy đến gặp bác sĩ để chắc chắn rằng em bé đã được đưa ra khỏi cơ thể bạn, tìm hiểu nguyên nhân để tránh cho những lần sau và để sức khỏe của bạn sẽ sớm ổn định lại.
– Đừng suy nghĩ và tự đổ lỗi cho mình.
– Hãy chấp nhận nỗi đau vì điều này đâu phải bạn muốn đúng không? Tuy nhiên, nếu muốn khóc, bạn có thể khóc nhưng đừng khóc quá nhiều nhé. Nếu em bé còn sống, chắc chắn bé cũng không muốn mẹ bé bị tổn thương quá nhiều như thế đâu.
– Chia sẻ cảm xúc với người thân, bạn bè nhất là với chồng bạn. Hơn ai hết, chồng bạn cũng đang đau buồn không kém bạn.
– Hãy tổ chức lễ tang cho con và nhìn nhận sự mất mát một cách đúng đắn nhất. Hãy để bé an nghỉ bạn nhé!
Ngăn ngừa sảy thai
Để ngăn ngừa nguy cơ sảy thai, các mẹ bầu cần đặc biệt chú ý:
– Khám thai thường xuyên theo lịch định kỳ và bất cứ khi nào bạn nhận thấy dấu hiệu thai kỳ bất thường.
– Chú ý đến tiền sử gia đình hoặc tiền sử của bản thân (nếu bạn đã từng sảy thai hoặc sinh non).
– Bổ sung dưỡng chất đầy đủ, đặc biệt là các loại vitamin cần thiết cho thai kỳ như axit folic, sắt, canxi, vitamin C, E.
– Tạo môi trường sống trong lành. Giảm sự phơi nhiễm chất độc tư bên ngoài như các hóa chất nguy hiểm. Đồng thời mẹ bầu cũng cần giảm căng thẳng đến mức tối đa.
– Sử dụng thuốc bổ và các loại thực phẩm hỗ trợ nội tiết tố. Một trong những yếu tố gây sảy thai sớm là cơ thể bị thiếu hụt progesterone.
– Nghỉ ngơi đầy đủ và ngủ đủ giấc (khoảng 8 giờ mỗi ngày)
– Tránh tiếp xúc với thuốc trừ sâu, bình phun hóa chất, sơn, khói độc. Giảm thiểu việc sử dụng đồ dùng từ nhựa và xốp.
– Cắt giảm cà phê, trà, nước soda và rượu.