Ngay sau khi em bé được sinh ra, bác sĩ sẽ kiểm tra mắt của bé để loại trừ các dấu hiệu của đục thủy tinh thể bẩm sinh hoặc vấn đề về mắt ở trẻ sơ sinh nghiêm trọng khác. Thực tế, có rất ít các trường hợp trẻ sơ sinh gặp vấn đề về thị lực ngay từ khi mới. Tuy nhiên nếu có, chúng phải được phát hiện và điều trị sớm để giảm thiểu tác động của việc suy giảm thị lực trẻ sau này. Đôi mắt con trẻ luôn là một trong những mối quan tâm hàng đầu của các bà mẹ. Hãy cùng tìm hiểu những ‘bí mật’ cực thú vị về cửa sổ tâm hồn của bé yêu:
Tại sao mắt trẻ sơ sinh lại to thế?
Trẻ sơ sinh thường có mắt rất to bởi vì quá trình phát triển bình thường của trẻ sẽ là theo hướng từ đầu xuống chân. Khi mới sinh, mắt trẻ đã có kích thước bằng khoảng 70% mắt người lớn, trong khi chiều cao thì chỉ bằng khoảng 30%. Đó là lý do mẹ luôn có cảm giác mắt trẻ sơ sinh rất to. Trong hai năm đầu đời, mắt bé sẽ tiếp tục phát triển và hoàn thiện.
Thị lực của trẻ sơ sinh ra sao?
Trẻ sinh ra đã có một khả năng trực quan đầy đủ để nhìn ngắm các đối tượng và màu sắc. Tuy nhiên, trẻ sơ sinh chỉ nhìn được ở khoảng cách gần (các đồ vật ở xa sẽ bị mờ nhòe như người cận thị).
Trẻ sơ sinh có thể nhìn thấy rõ nét các hình khối trong khoảng cách 20-40cm. Bé đặc biệt thích nhìn vào khuôn mặt người hơn là các hình dạng khác. Tuy nhiên, phải mất vài tháng thì tầm nhìn của trẻ sơ sinh mới phát triển đầy đủ.
3 tháng tuổi
Vào thời điểm bé được ba tháng tuổi, trẻ có thế bắt đầu di chuyển mắt theo các đồ vật chuyển động và có xu hướng với tay, muốn tiếp cận chúng. Ở độ tuổi này mắt của trẻ đang trở nên nhạy cảm hơn với ánh sáng và mẹ cũng nên tắt bớt đèn những khi ban đêm hoặc vào giờ ngủ trưa.
4-6 tháng tuổi
Trong những tháng này, thị lực của trẻ sơ sinh tiến bộ rõ rệt. Con mắt đầu biết phối hợp tay và mắt để nhanh chóng tìm và chọn các đồ vật mình thích, đưa chính xác vào miệng. Vào thời điểm bé được sáu tháng tuổi con có thể nhìn thấy màu sắc như một người lớn.
7-12 tháng tuổi
Giai đoạn này, bé đã bắt đầu tập bò, từ đó, khả năng đánh giá khoảng cách của mắt cũng được phát triển. Bé có thể nắm bắt và ném đồ vật chính xác hơn. Đây là mốc phát triển quan trọng của trẻ. Bé đang phát triển sâu về nhận thức cơ thể mình, từ đó học cách phối hợp giữa tầm nhìn và chuyển động.
Hầu hết thời gian mới sinh, em bé của mẹ sẽ nhắm mắt bởi trước đó, bé đã quen với bóng tối bên trong tử cung của mẹ suốt một thời gian dài. Vì vậy đôi mắt của bé chưa từng được nhìn ánh sáng sẽ cảm thấy chói mắt và lạ lẫm. Nếu mẹ để trẻ sơ sinh ở trong một căn phòng tối, bé có thể sẽ mở mắt ra. Tuy nhiên, cũng phải mất khoảng hai tuần thì hầu hết các em bé mới có thể làm quen với ánh sáng ban ngày.
Mắt con tôi hình như bị…lác?
Giống như tất cả các cơ trong cơ thể, trẻ sơ sinh chưa có khả năng hoàn toàn kiểm soát cơ mắt của mình. Sẽ có lúc mẹ thấy bé nhìn thẳng vào mẹ. Lại có lúc, hai mắt của bé như đi theo hai hướng khác nhau. Đó là điều hoàn toàn bình thường. Phải mất 4 tháng, hai mắt của bé mới hoàn toàn có thể hoạt động nhất quán.
Con có phân biệt được màu sắc?
Trẻ bắt đầu phát triển khả năng nhìn thấy màu sắc rất nhanh chóng. Một tuần sau khi sinh, bé có thể phân biệt màu đỏ, cam, vàng và xanh lá cây. Nhưng phải mất thêm một chút thời gian hơn để trẻ có thể nhìn thấy màu xanh và tím. Điều này là do ánh sáng màu xanh có bước sóng ngắn hơn, và các thụ thể màu ít tồn tại trong mắt người đối với ánh sáng màu xanh.
Tại sao mắt trẻ lại bị ghèn và dính?
Trẻ sơ sinh thường hay thức dậy với đôi mắt bị ghèn và dính. Thông thường trong tháng đầu sau sinh, mẹ cần chú ý nhỏ mắt và vệ sinh sạch mắt bé bằng bông y tế và nước muối sinh lý 0.9%. Lý do trẻ bị dính mắt và tiết ghèn là vì nước mắt của bé không được thoát ra ngoài.
Ở người lớn, nước mắt thường tiết ra từ mí mắt trên, trôi qua mắt và chảy vào ống lệ ở mí mắt, gần mũi. Đó cũng là lý do khi ta khóc, thường hay kèm nước mũi. Ở trẻ sơ sinh, các ống dẫn này (tuyến lệ) chưa hoạt động tốt và mở linh hoạt. Do đó, khi trẻ khóc, nước mắt không thoát vào tuyến lệ ở gần mũi mà nhỏ giọt ra ngoài, khô đọng trên mí mắt khiến mắt bị dính, ra nhiều ghèn. Bình thường, hiện tượng tắc tuyến lệ ở trẻ sơ sinh sẽ tự mất sau vài tuần.
Nếu tuyến lệ không tự động thông, mẹ sẽ cần mát xa thường xuyên hoặc đến bác sĩ nhi khoa để thực hiện thủ thuật nhỏ giúp bé thông tuyến lệ.