Xoay quanh câu chuyện trẻ kén ăn, lười ăn và không tăng cân, chậm lớn, đến nay vẫn còn nhiều bà mẹ ‘chống chế’ rằng “cha mẹ sinh con, trời sinh tính” – con tôi vốn sẵn có tính biếng ăn thì có nỗ lực thế nào cũng không cải thiện được. Trên thực tế, theo tôi, chính các bà mẹ là người định hình nên thói quen ăn uống cũng như một phần khẩu vị của trẻ.
Tôi xin liệt kê ra đây 10 lỗi lớn nhất mà tôi nghĩ không chỉ có tôi mà cũng rất nhiều bà mẹ Việt đang mắc phải trong chuyện chăm sóc bữa ăn cho bé yêu, hi vọng sẽ hữu ích đối với các mẹ:
1. Mẹ không làm gương cho trẻ
Thói quen ăn uống và một phần khẩu vị của trẻ chịu ảnh hưởng rất nhiều khẩu vị của cha mẹ cũng như nề nếp của gia đình. Chính vì thế mà điều đầu tiên mẹ có thể làm để giúp trẻ có một chế độ ăn uống lành mạnh đó chính là người lớn cũng phải làm những việc tương tự, ít nhất là trước mặt trẻ. Nếu bạn ghét ăn thịt, bạn muốn giảm cân, chồng bạn lại ghét ăn rau, chỉ ưa đồ xào rán..vậy làm sao các chị em lại có thể ‘ôm mộng’ hi vọng con mình sẽ ăn uống khoa học?
Các chuyên gia dinh dưỡng đều khuyến khích các gia đình ngoài việc xây dựng các loại thực đơn bổ dưỡng, tốt cho sức khỏe còn phải tạo một môi trường ăn uống vui vẻ, hạnh phúc để trẻ em cùng tham gia. Những biểu hiện như: ăn kiêng, ăn quá nhiều, không ăn rau hay đơn giản là để trẻ ăn một tôi cũng mang đến những tác động xấu về mặt tâm lý khiến trẻ dễ mắc phải các vấn đề ăn uống.
2. Đừng đổi chác hay treo thưởng cho miếng ăn của con
Con trai tôi đã từng rất ghét ăn rau. Lo con không đủ chất dinh dưỡng, tôi đã nghĩ phải làm mọi cách để con chịu ăn rau mới thôi. Mỗi lần đến bữa ăn, tôi đều nói với con rằng: “Con ăn rau ngoan rồi lát mẹ cho kẹo”. Sau này tôi mới biết việc trao đổi như vậy sẽ không làm thay đổi khẩu vị của con mà thậm chí còn khiến con có suy nghĩ rằng kẹo còn có giá trị hơn so với thịt và rau.
3. Ép trẻ ăn
Trước đây tôi suy nghĩ rất đơn giản: trẻ cứ ăn được càng nhiều thì càng tốt và làm mọi cách để con trai tôi phải ăn nhiều nhất có thể. Đôi khi tôi đã bỏ qua cảm giác no của con và cứ ép để con ăn hết bát bột mới thôi. Nhưng thực sự điều này không chỉ làm trái với các nguyên tắc về chế độ dinh dưỡng hợp lý của trẻ (dễ khiến trẻ bị quá tải) mà còn tạo ra một áp lực tâm lý khiến trẻ sợ ăn.
Tôi rất tâm đắc một câu nói của Ellyn Satter – chuyên gia về dinh dưỡng hàng đầu cho trẻ nhỏ rằng: “Cha mẹ chỉ có thể là người chế biến và trình bày món ăn, còn quyền quyết định ăn bao nhiêu và cho dù là không ăn đi chăng nữa sẽ thuộc về trẻ em”.
4. Không kiên trì tập cho trẻ ăn món mới
Tôi cũng đã từng chấp nhận giải pháp an toàn là thôi thì cứ con trai mình thích ăn món gì thì chế biến món đó cho con, còn hơn là kỳ công nấu nướng rồi con lại chỉ thử một miếng rồi nhất định lắc đầu. Tuy nhiên, tôi đã sai hoàn toàn.
Tại sao rất nhiều trẻ em chỉ ăn một vài món sở trường và nhất quyết không chịu thử bất cứ món ăn lạ nào? Một nguyên nhân quan trọng là do mẹ đã không kiên trì tập cho trẻ làm quen với đa dạng món ăn.
Lời khuyên của tôi trong trường hợp này là các mẹ phải thật sự kiên trì, bởi để trẻ thích tập ăn một loại thực phẩm mới không phải là ngày một ngày hai. Những lần đầu, mẹ đừng ép trẻ ăn quá nhiều mà hãy để trẻ ăn theo nhu cầu, lặp lại vào những ngày gần kề với số lượng tăng dần.
5. Chiều theo khẩu vị của từng thành viên trong gia đình
Việc các mẹ thường xuyên chế biến các món ăn theo khẩu vị riêng của từng người trong gia đình là một điều không nên. Điều này không chỉ khiến hạn chế về vấn đề đa dạng dinh dưỡng mà còn tạo một thói quen không tốt đối với trẻ là học theo người lớn, chỉ ăn những món mà chúng thích.
6. Quá nguyên tắc trong cách ăn của trẻ
Thời gian trước, khi cho con trai ăn, tôi rất ghét con lấy tay bốc thức ăn hoặc làm vương đồ ăn ra ngoài hoặc ăn uống không gọn gàng, mà không biết rằng, hương vị của món ăn không phải là điều duy nhất đối với trẻ. Với tính cách thích khám phá thì đồ ăn cũng có thể trở thành một đối tượng để trẻ mày mò trước khi ăn chúng.
Có rất nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng, các em bé được tự mình ăn theo cách mà chúng muốn (mặc dù sẽ làm cho chiếc bánh quy vỡ vụn hoặc quả chuối hơi nát) nhưng hứng thú ăn của các bé cao hơn rất nhiều so với trẻ được mẹ yêu cầu ăn theo đúng khuôn phép.
Vì thế mà, bây giờ mặc dù con gái thứ của tôi mới có một tuổi rưỡi thôi nhưng tôi đã để con tự xúc ăn và tập ăn dặm theo phương pháp BLW từ tấm bé. Tất nhiên, sau mỗi bữa ăn thì tay, miệng rồi chỗ ngồi của con đều vương vãi thức ăn, nhưng tôi cảm nhận được rằng bữa ăn là thời gian con rất chờ đợi.
7. Chuẩn bị khẩu phần ăn quá nhiều
Đôi khi chúng ta quên mất rằng trẻ nhỏ thường thích thú và phù hợp với những thứ nhỏ xinh. Nếu mẹ lấy ra trước mặt trẻ quá nhiều đồ ăn sẽ khiến trẻ cảm thấy sợ và lo lắng vì chúng sẽ phải ăn hết chừng đó đồ ăn. Thay vì một lần, mẹ có thể chia ra làm nhiều lần, trẻ ăn hết lại lấy thêm. Điều này còn giúp đồ ăn giữ được hương vị ngon hơn nữa đấy.
8. Lo lắng quá mức
Ngay cả khi việc ăn uống của trẻ không như mong muốn của cha mẹ thì nó cũng không đồng nghĩa với việc trẻ không đủ chất hay phát triển không bình thường. Thực tế thì nhiều bà mẹ với tâm lý lúc nào cũng muốn trẻ ăn thật nhiều, ăn thật đủ chất để có cơ hội phát triển tầm vóc và trí tuệ một cách tốt nhất, nên đã thường xuyên đặt tôi tâm lý lo lắng rằng việc ăn uống của con tôi như vậy vẫn là chưa hợp lý. Lời khuyên dành cho các mẹ đó là, điều quan trọng nhất đó là: nếu trẻ đang phát triển một cách bình thường thì có nghĩa rằng chế độ ăn hiện tại vẫn đang đáp ứng được những yêu cầu của cơ thể trẻ. Và đối với trẻ em, việc phát triển thể chất của trẻ liên quan đến chế độ dinh dưỡng của cả một giai đoạn chứ không phải là những bữa ăn ngày một ngày hai.
duong đã bình luận
em sinh chau thu 2 den nay cung duoc 11 thang ma chau moi duoc 7.5kg, em cung tham khao nhieu sach va cung ky cong trong viec tim kiem thuoc bo cung nhu com vi sinh tang hap thu cho chau nhung khong co cai thien la may, chau nha em khong chiu uong sua ngoai may, em ep thi chau khoc roi cho het, em cung doi kha nhieu sua, tu sua ngoai den hang noi, Em muon hoi cac bac co cach nao giup chau nha em tang can khong ?. Em xin cam on.