Mỗi một trẻ em được sinh ra là một cá thể độc lập và riêng biệt. Để định nghĩa được bé trai ngoan hơn hay bé gái dễ bảo hơn không phải là một việc dễ dàng, bởi sự khác biệt của giới tính khi mới được sinh ra, sự chi phối của não bộ và môi trường sống đều có tác động khác nhau lên hành vi của trẻ. Thế nhưng dường như chủ đề “con tôi khó bảo hơn con các chị nhiều“ luôn hấp dẫn và thu hút rất nhiều tranh luận của các bà mẹ
Rèn luyện kỷ luật – Con trai khó bảo hơn con gái
“Em thường mất rất nhiều thời gian và bị hụt hơi để chăm cậu con trai duy nhất của mình trong khi đó, bà chị em một tay chăm hai đứa con gái lại nhàn tênh” chỉ là một trong những than phiền của các mẹ khi chia sẻ sự khó khăn trong việc rèn luyện kỷ luật con trai mình. Tại sao các cậu bé không thích nghe lời bố mẹ?
Sự khác biệt của thính giác ngay từ khi sinh ra giữa con trai và con gái đã góp phần tạo nên sự khác biệt trong việc dạy dỗ. Bé gái có thính giác tốt hơn, phản ứng tốt hơn và nhanh hơn với những cảnh báo của bố mẹ.
Những câu nói như “Con không được làm như thế“ sẽ không có hiệu quả với các cậu con trai nghịch ngợm. Thay vào đó, mẹ nên trực tiếp lôi kéo con ra khỏi những trò đùa nghịch đó thì hơn. Bé trai có xu hướng thể hiện qua hành động nhiều hơn là lời nói.
Giữ an toàn cho con – Con gái nhàn hơn rất nhiều
Chị em có con trai trong khoảng 6 tuổi thường than phiền rằng để giữ cho cậu bé hiếu động, nghịch ngợm không bị xây xước mặt mũi, cơ thể trong các trò chơi khó hơn nhiều so với việc trông nom một cô bé cùng tuổi.
Theo phân tích của các chuyên gia các cậu bé thích những thách thức và sự mạo hiểm. Càng nhiều thử thách càng khơi gợi nhiều niềm vui và thích thú. Trong khi đó các cô bé lại có ý thức chú ý giữ bản thân khỏi bị đau trong các trò đùa và sinh hoạt hàng ngày. Vì thế các bậc cha mẹ luôn mất nhiều thời gian để giám sát các cậu bé hơn.
Ai tình cảm hơn? Con trai hay con gái?
Ngay từ khi mới chào đời, được mẹ bế trên tay, các cô bé đã có xu hướng quan sát nét mặt và biểu cảm trên khuôn mặt người mẹ, còn các cậu bé lại bị cuốn hút bởi những cử chỉ, hành động của mẹ đối với mình.
Theo Tiến sĩ Sax, những khác biệt này thể hiện rõ nhất khi các bé chơi trò vẽ tranh: Các bé gái có khuynh hướng sử dụng các màu sắc cầu vồng để tô màu và thường vẽ các hình ảnh tĩnh, còn các bé trai thì lại thích sử dụng gam màu xanh, đen, bạc và thêm vào tranh các chi tiết chuyển động hay xung đột. Nói tóm lại, các bé gái thường hướng về tình cảm con người còn các cậu bé lại hướng về hành động.
Chính bởi sự khác biệt ấy mà con gái có thể dễ dàng bộc lộ cảm xúc và chia sẻ đối với các sự vật, hiện tượng xung quanh mình, trong khi các cậu con trai lại cảm thấy khó khăn hơn để bày tỏ “con cảm thấy…”.
Thế nhưng mọi sự bắt đầu trở nên khó khăn hơn khi các bé gái bắt đầu lên 8 – thời kỳ tiền dậy thì. Trong độ tuổi này bé bắt đầu phức tạp hóa suy nghĩ cũng như các câu nói sử dụng hàng ngày đối với cha mẹ do ảnh hưởng từ những người xung quanh hoặc từ các chương trình truyền hình. Mẹ hẵn sẽ cảm thấy nhức đầu hơn với những câu hỏi liên tục ai, làm gì, tại sao hay thế nào của các bé. Chính lúc này các bé gái cần nhiều hơn sự quan tâm và định hướng của cha mẹ.
Tuổi mới cấp 1, con gái thường học giỏi hơn con trai
Các bé trai luôn cảm thấy việc học hành không thể nào hấp dẫn bằng những trò chơi hành động. Trong những thời gian đầu đi học các cậu bé thường tụt hậu và học kém hơn so với các bạn gái bằng tuổi, đặc biệt về sự tập trung và khả năng ngôn ngữ.
Thế nhưng trong bộ môn hình học các bé trai lại có xu hướng tiếp thu và hiểu nhanh hơn các bé gái.
Theo phân tích của nhiều nhà nghiên cứu các bé trai gặp khó khăn trong thời gian tiểu học và trung học, còn bé gái lại gặp khó khăn trong độ tuổi dậy thì, từ cấp ba trở lên.
Việc nuôi bé trai hay bé gái đều mang đến những khó khăn riêng theo các cách khác nhau. Mỗi một bậc phụ huynh lại có một ý kiến riêng để chứng tỏ “dù khó dạy nhưng con tôi vẫn ngoan” và luôn không ngừng cố gắng để tìm hiểu, gần gũi với con mình. Điều này, không nằm ngoài mong muốn tạo nên sự gắn kết bằng sợi dây tình cảm vô hình giữa cha mẹ và con cái. Và cho dù có khó khăn, vất vả đến mấy thì niềm hạnh phúc khi nhìn thấy con trưởng thành luôn là động lực sống chính đáng của bất kỳ một người làm cha làm mẹ nào.