Từ thủ đô Brussels của nước Bỉ xa xôi, tôi gửi đến các mẹ những trải nghiệm nuôi dạy con thú vị. Gần đây, tôi thấy có nhiều bài viết chia sẻ về cách nuôi dạy con và chăm sóc bé kiểu Tây rất hấp dẫn và thú vị. Đứng từ góc độ một bà mẹ có con nhỏ, với mong muốn một thế hệ trẻ em Việt Nam mạnh khoẻ về thể chất và tinh thần, lớn lên hiểu biết và yêu thương con người… tôi thấy những thông tin như vậy thật hữu ích biết bao. Từ thủ đô Brussels của nước Bỉ xa xôi, tôi xin gửi đến các mẹ những câu chuyện nuôi dạy con thú vị của người dân châu Âu và cả những trải nghiệm của chính bản thân tôi
Cô giáo như mẹ hiền
Trẻ em ở Bỉ thì đi nhà trẻ từ rất sớm vì bố mẹ bận đi làm. Từ 3 tháng tuổi bé đã đi trẻ, mọi chăm sóc của cô giáo rất chu đáo và cẩn thận. Mẹ Bỉ thường không phải lo con đói hay con sụt cân, bé đi trẻ vẫn sạch sẽ như thường, không hề bị lây bệnh hay nhiễm khuẩn. Có cả mô hình gửi trẻ một tuần mấy buổi, đóng tiền cả năm, giá cũng không đắt lắm.
Ngoài ra, ở mỗi quận ở thủ đô tôi đang sống có một không gian cho bé và các mẹ gặp nhau gọi là “Cộng đồng cho bé và mẹ”, mở cửa các ngày trong tuần. Ở đây bé có thể gặp các bạn khác, chơi với đồ chơi và bạn bè, tập đi, tập đứng. Sẽ có người hướng dẫn cho bé và mẹ cách chơi, chăm sóc bé. Không gian này khác với mẫu giáo, trường học vì chủ yếu là vui chơi.
Đây là một trong những điều tuyệt vời nhất từ chính sách xã hội của nước Bỉ cũng như trách nhiệm của người tham gia công tác chăm sóc và giáo dục trẻ.
Bác sỹ như thần tiên
Bác sỹ như thần tiên, tôi hay nói như thế với chồng mỗi lần khám định kỳ hồi mang thai và bây giờ là những lần hẹn gặp bác sỹ cho bé nhà tôi hàng tháng. Trẻ em Bỉ được theo dõi sự phát triển và kiểm tra sức khoẻ thường xuyên cho đến tận 16 tuổi, trong đó sẽ chú ý đến sự phát triển thể chất, vận động, trí tuệ và cảm xúc cùng với các vấn đề sức khoẻ khác, tiêm vaccin, ăn dặm… Hồ sơ của bé được lưu trong máy tính và một cuốn sổ nhỏ dành cho bé trong suốt thời kỳ từ sơ sinh cho đến lúc trưởng thành.
Bác sĩ ở Bỉ rất tôn trọng người mẹ và trẻ em. Khi bác sỹ hỏi tôi cách chăm con, bao giờ cũng hỏi, truyền thống Việt Nam thế nào với việc chăm sóc bé, nuôi dạy bé? Họ rất coi trọng truyền thống và gìn giữ để phát triển, vì thế, trật tự xã hội ít xáo trộn, cùng với luật pháp nghiêm minh, ai cũng nghiêm túc và không tuỳ tiện.
Trẻ em gần với thiên nhiên
Trẻ em ở Bỉ nói riêng và Phương Tây nói chung gần gũi với thiên nhiên từ lúc sinh ra. Các em bé không phải bao bọc quá kỹ càng. Chúng được dạy cách thích ứng với mọi thời tiết mưa gió, tuyết rơi trong nhưng điều kiện an toàn. Các kỳ nghỉ cùng gia đình ở các môi trường thiên nhiên, những công viên, bãi biển…thường xuyên được các gia đình Bỉ tổ chức. Chị em sẽ ngạc nhiên khi thấy giữa trưa nắng các bé đi dạo hoặc ngồi xe đẩy rất hứng thú, đi biển cả bốn mùa chứ không riêng gì mùa hè. Vì thế, mẹ Bỉ không bao giờ gặp phải trường hợp bé không biết con gà, không biết con lợn hay con cừu ở các nông trại. Thế giới quan của trẻ em Bỉ rất rộng lớn và phong phú.
Như bản thân tôi sinh vào mùa đông nhưng từ tuần thứ 2 cả nhà đã cho bé ra ngoài, đẩy trên poussets (xe đẩy) và ngồi trên ô tô, đi metro (siêu thị). Sau một tháng thì đi chơi thoải mái. Bây giờ con tôi đã hơn 4 tháng, bé đi chợ với mẹ hàng ngày, đi du lịch và đi dạo với ông bà, bố mẹ ở các công viên lớn, vườn hoa.
Việc đi chơi giúp bé hiểu biết xung quanh, thiên nhiên, cây cối, các con vật, hiện tượng đã đành chúng còn giúp trẻ được tận hưởng ánh nắng sớm để làm nhiệm vụ duy trì vitamin D và sức đề kháng cho bé – một điều mà các nhà chăm sóc sức khỏe trẻ em Bỉ rất quan tâm.
Có một điều đặc biệt là mẹ Bỉ không bao giờ bế trẻ khi đi dạo. Họ luôn cho bé nằm xe đẩy. Chính vì thế trẻ em ở Châu Âu sớm độc lập ngay từ tấm bé. Khi đi chơi bé cũng thể hiện bản thân với xung quanh, lúc về nhà bao giờ bé cũng ngoan hơn, và vô hình chung thời gian biểu ăn uống, ngủ nghỉ tại nhà cũng sẽ được thực hiện tốt hơn.
Vai trò bình đẳng của cha mẹ trong việc giáo dục con trẻ
Bạn sẽ ngạc nhiên khi thấy đàn ông đẩy xe đẩy trên phố, khi thấy họ đi chợ và làm việc nhà từ rửa bình, giặt đồ cho con giỏi như phụ nữ. Sự bình đẳng trong đời sống hàng ngày, không phân biệt giúp cho bầu không khí gia đình thoải mái, và sự hình thành nhân cách trẻ được hoàn thiện bởi chúng được cả bố mẹ tác động trực tiếp.
Gia đình ở châu âu khá gắn kết chứ ko khoảng cách và đổ vỡ như nhiều người nói. Họ độc lập, và tôn trọng cá nhân nên nhiều người nhầm lẫn là họ xa cách, lạnh lùng. Thực ra không phải. Các thế hệ trong gia đình không chung sống cùng nhau nhưng gắn bó và yêu thương, lễ pháp và lịch thiệp.
Cha mẹ Bỉ thống nhất cách giáo dục con trong gia đình chứ không phó thác việc cho mẹ hoặc cha. Chúng tôi đi khám định kỳ cho con hàng tháng (và các cha mẹ Bỉ khác cũng thế), rất hiếm khi một mình phụ nữ đi khám thai hoặc dẫn con một mình đến bệnh viện. Nếu chồng bận, mẹ Bỉ thì thu xếp thời gian theo chồng. Xin nhớ, đây không phải vì họ phụ thuộc nhau mà vì họ muốn được chia sẻ và nắm rõ thông tin quan trọng ở những thời điểm ý nghĩa của con cái họ trong cuộc sống. Cũng chính vì thế, họ ít phần lo lắng với những thay đổi của con. Bởi với những bất thường, lúc nào tôi và các phụ nữ Bỉ cũng có sự chia sẻ của chồng bên cạnh trong việc chăm sóc con cái.
Một điều cuối cùng tôi rất ấn tượng với phương pháp nuôi dạy con kiểu Bỉ, đó là đa phần ở Bỉ và Pháp như tôi biết là ở mỗi gia đình không có người giúp việc. Như gia đình bố mẹ chồng tôi là người Bỉ, ông bà trước đây có 3 con nhỏ, họ đều tự lập chăm sóc và nuôi dạy chúng. Các gia đình Bỉ đi đâu cũng lích kích đồ đạc của trẻ con nhưng họ vẫn rất thoải mái. Các anh chị của chồng tôi bây giờ cũng thế. Chúng tôi khi sinh bé cũng hai vợ chồng thay nhau làm việc nhà, ví dụ như đi chợ tôi đẩy bé đi cùng, mẹ làm gì con theo đấy. Hay như cuối tuần chồng trông bé cho tôi đi xem phim, việc quan trọng là tôi đã chuẩn bị sữa sẵn cho con. Thế là được.
Đa phần các phụ nữ ở Bỉ họ đều tự làm hết, tôi cũng thế, sinh em bé và chăm sóc bé lúc nào cũng có hai vợ chồng, khi chồng đi làm thì một mình xoay sở việc nhà và việc chăm bé, rất thư thái, không vội vàng, không lo âu, có lẽ vì thế trẻ con ở đây hay cười và vui vẻ. Trẻ em tự lập vì bố mẹ chúng là những người tự lập trong đời sống.