Cắt lớp bán trú, dồn lớp, cơi nới thêm phòng học từ sân chơi hoặc nhà ăn… là những phương án “chữa cháy” của nhiều trường ở các thành phố lớn để đón “heo vàng” (trẻ sinh năm 2007) vào lớp 1. Năm nay, không chỉ học sinh trái tuyến mà cả học sinh đúng tuyến cũng sốt ruột lo thiếu chỗ học.
Khủng hoảng thừa
Mặc dù đang thời gian nghỉ hè nhưng Ban Giám hiệu Trường tiểu học Cát Linh (quận Đống Đa, Hà Nội) vẫn phải tích cực chuẩn bị cho tháng tuyển sinh đầu cấp. Bà Nguyễn Thanh Thủy, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, so với năm ngoái, năm nay cả quận Đống Đa tăng khoảng 900 trẻ vào lớp 1. Theo phân tuyến kế hoạch tuyển sinh, trường sẽ tuyển học sinh phường Cát Linh, 28 tổ của phường Quốc Tử Giám và 23 tổ của phường Ô Chợ Dừa. Số lượng học sinh vào lớp 1 năm nay là 472 học sinh/8 lớp. Năm nay, tỉ lệ học sinh vào lớp 1 của trường tăng hơn so với năm ngoái 80 học sinh. Theo bà Thủy, với cách phân tuyến trên đây sẽ giảm bớt áp lực vào lớp 1. Tuy nhiên, do số lượng trẻ năm “heo vàng” quá đông nên gây khủng hoảng thừa so với chỉ tiêu tuyển sinh.
Tại nhiều trường tiểu học khác trên địa bàn nội thành Hà Nội, việc tuyển sinh vào lớp 1 cũng đều rơi vào tình trạng quá tải. Phường Thanh Xuân Bắc có 579 trẻ đến tuổi đi học nhưng chỉ tiêu tiếp nhận của Trường tiểu học Đặng Trần Côn A chỉ là 400 học sinh. Phường Phương Liệt cũng rơi vào trường hợp quá tải khi thiếu chỗ học cho 97 học sinh. Phường Thanh Xuân Trung có số lượng trẻ gấp 2 lần số chỉ tiêu của Trường tiểu học Thanh Xuân Trung (432 trẻ/chỉ tiêu 225). Đặc biệt, ở phường Nhân Chính, chỉ tiêu của Trường tiểu học Nhân Chính là 180/512 trẻ. Tại quận Đống Đa, có 17/19 trường tiểu học bị quá tải. Ví dụ, Trường tiểu học La Thành chỉ có 90 chỉ tiêu/247 trẻ trên địa bàn; Trường tiểu học Tô Vĩnh Diện là 250 chỉ tiêu/ 521 trẻ…
Ngăn nhà ăn, xây thêm lớp
Chủ động với tình trạng gia tăng đột biến học sinh sinh năm 2007, nhiều trường tiểu học ở Hà Nội đã chủ động phương án đối phó. Mặc dù khẳng định nhà trường không phải dồn lớp khóa trước để nhường chỗ cho học sinh lớp 1 nhưng theo phản ánh của phụ huynh học sinh Trường tiểu học Cát Linh, một số lớp đã bị dồn với số lượng lên đến 66 học sinh/lớp, trong khi phòng học chỉ có 28 bàn, như vậy có 10 học sinh sẽ phải ngồi ghép 3/bàn.
Tuy nhiên, bà Nguyễn Thanh Thủy cho biết, trước khi tuyển sinh, trường đã trình nhiều phương án để đảm bảo chỗ học, trong đó có phương án xây mới thêm phòng học và dồn lớp. Sau ngày 15/7, trường đã được UBND quận đầu tư xây mới thêm 2 phòng học ở sảnh nhà chờ, đáp ứng 118 chỗ ngồi với 59 học sinh/lớp. Hiện phòng học đã hoàn thành. Như vậy, trường sẽ không phải dồn lớp khóa trước để nhường chỗ cho “heo vàng”.
Hiệu trưởng Trường tiểu học Khương Thượng (quận Đống Đa) cho biết, năm nay trường được tuyển 6 lớp 1 với 270 học sinh. Trong khi đó, khối lớp 5 chuẩn bị ra trường chỉ có 5 lớp. Theo quy định, cứ bao nhiêu lớp 5 ra trường thì có bấy nhiêu lớp 1 được tuyển vào. Vì vậy, trường đã được phép ngăn 100m2 nhà ăn để biến thành lớp học nhằm giảm sĩ số mỗi lớp xuống còn 55 học sinh. Tương tự, Trường tiểu học Phương Liệt (quận Thanh Xuân) cũng có phương án chuyển phòng thể chất và “hy sinh” phòng hội đồng của giáo viên để chuyển thành phòng học cho học sinh. Vì vậy, dù số trẻ tăng đột biến nhưng trường vẫn sẽ tiếp nhận hết 100% trẻ có hộ khẩu ở phường Phương Liệt.
Trong khi khu vực nội thành đang lo sốt vó với việc thiếu phòng học thì hầu hết các trường tiểu học ở khu vực Hà Nội 2 vẫn bình thản tuyển sinh đầu cấp với số lượng không quá 30 học sinh/lớp, bằng ½ so với khu vực nội thành. Ông Lê Ngọc Tôn – Trưởng phòng Giáo dục huyện Ba Vì cho biết, số học sinh vào lớp 1 năm nay tăng hơn so với mọi năm. Tuy nhiên, do trường lớp rộng nên mỗi lớp chỉ có sĩ số chỉ khoảng 20 – 30 học sinh. Ông Nguyễn Văn Phương, Trưởng phòng Giáo dục huyện Quốc Oai cũng khẳng định, năm nay học sinh vào lớp 1 có tăng nhưng do địa bàn rộng, số phòng học phục vụ học sinh đầu cấp dồi dào nên không có trường nào vượt quá sĩ số 35 học sinh/lớp.
Hải Phòng: Nhiều lớp học vượt quá quy chuẩn
Tại Trường tiểu học Đinh Tiên Hoàng (trường điểm của quận Hồng Bàng), số trẻ trong tuyến nhập học lớp 1 niên học 2013-1014 chỉ có khoảng gần 100, trong khi đó chỉ tiêu tuyển sinh cho phép là 400 học sinh. Do đặc thù số trẻ sinh năm 2007 đông hơn mọi năm nên năm nay, số lớp 1 trên toàn địa bàn quận cũng tăng thêm 11 lớp.
Tại quận Lê Chân, theo báo cáo của Phòng Giáo dục, số học sinh nhập học vào lớp 1 trường công lập năm nay là 782 học sinh với 20 lớp, tăng 30% so với năm trước. Sĩ số trung bình nhiều lớp học lên tới 40 học sinh/lớp (vượt quá so với quy chuẩn 35 học sinh/lớp).
Tại quận Hải An, để thuận lợi trong công tác tuyển sinh lớp 1, đảm bảo nhu cầu đến trường cho trẻ, quận đã phê duyệt, triển khai tăng thêm khoảng 10 lớp/7 trường tiểu học. Riêng tại Trường tiểu học Cát Bi, do đặc thù là trường “gánh” cho cả học sinh của phường Thành Tô (phường mới chưa có trường) nên lượng học sinh vào lớp 1 của trường năm nay tăng đột biến, hơn 200 học sinh với 14 lớp. Nhằm đảm bảo sĩ số theo quy chuẩn đào tạo, trường đã tăng cường thêm 7 lớp 1, mỗi lớp 35-38 học sinh.
Riêng quận Ngô Quyền, tổng số lớp 1 tăng thêm khoảng 2 lớp.
Đà Nẵng: Tăng lớp, thiếu giáo viên
Tại Đà Nẵng, theo đánh giá chung, hiện tượng học sinh bước vào lớp 1 trên địa bàn năm học 2013-2014 tăng nhiều hơn so với năm ngoái. Các trường tiểu học có số học sinh tăng chủ yếu tập trung ở 2 quận trung tâm là Hải Châu và Thanh Khê. Ghi nhận tại Trường tiểu học Trần Văn Ơn – trường được cho là “bùng nổ” số lượng học sinh vào lớp 1 nhất trong quận Hải Châu, nếu như năm học 2012-2013 trường có 9 lớp 1 với 321 học sinh thì năm học này, trường có 11 lớp 1 với 428 học sinh. Trong khi đó, theo kế hoạch tuyển sinh đầu năm của nhà trường là 7 lớp (tăng 4 lớp).
Cô giáo Ngô Thị Lệ, Phó Hiệu trưởng Trường tiểu học Trần Văn Ơn cho biết, do trước đó nhiều phụ huynh học sinh chọn năm “heo vàng” sinh con nên kéo theo đó số lượng các em học sinh bước vào lớp 1 năm nay tăng. Điều này khiến nhiều trường tiểu học thiếu giáo viên trầm trọng. Theo thống kê thì toàn quận Hải Châu hiện thiếu 119 giáo viên bậc tiểu học.
Trước tình trạng học sinh vào lớp 1 “bùng nổ” trong năm học này, Trường tiểu học Trần Văn Ơn đã phải trình UBND quận Hải Châu xin ngăn thêm 3 phòng (2 phòng ở khu tiền sảnh và 1 phòng của Ban giám hiệu) để giải quyết nhu cầu lớp học cho học sinh học 2 buổi/ngày. Đặc biệt, trong lúc trường đang thiếu giáo viên mà một số giáo viên đã đến tuổi nghỉ hưu, trường đành phải “nhờ” các giáo viên nghỉ hưu này ký thêm hợp đồng dạy khoảng 2 tháng nữa, chờ đến khi thành phố tuyển được giáo viên tiểu học mới cho các cô “nghỉ hưu”.