Chị Ngọc (kế toán, quận 1, TP HCM) than thở, dù phiếu thu phiếu chi không khớp tiền cũng không đau đầu bằng nghe con khóc. Chủ nhật là ngày mệt nhất với chị. Không dưới 5 lần bé Bim khóc ăn vạ, kể cả khi được cho ra ngoài chơi. Chị than phiền, bé Bim mít ướt lắm, động tí là khóc. Mẹ mặc quần áo cho không đúng ý cũng khóc, bé hỏi mà mẹ không trả lời ngay cũng khóc, thậm chí bé định xin mẹ cái gì cũng vừa xin vừa khóc. Nhiều lần chị phải bảo: “Con nín khóc đi thì con nói mẹ mới nghe rõ”, bé sửa được một lần đó, nhưng lần sau lại khóc.
Bim là đứa cháu đầu tiên của cả nhà nội nên rất được cưng chiều. Nếu về nhà ông bà, bé sẵn sàng quát nạt lại bố mẹ vì biết được ông bà bênh. Ông còn nhiều lần cho cô cháu gái 3 tuổi nặng 17 kg ngồi trên mặt ông nhảy nhót. Bà nội thì lúc nào cũng nựng “công chúa” của bà, bà đang ăn hay nấu bếp, cháu cũng nhảy vào ôm vai bá cổ. Ba tuổi, nhưng mỗi bữa ăn của bé vẫn là một cuộc chơi đuổi bắt với người giúp việc. Bé thích được chạy trước để bà giúp việc cầm thìa chạy theo. Khi nào bà tóm được cháu thì cháu há mồm.
Với bố mẹ thì bé hay đòi bế, đòi chơi cùng bất kể bố mẹ đang làm gì, đi ra ngoài thì đòi mua món này món kia. Nhiều lúc chị cũng không muốn chiều theo ý con nhưng bé cứ dùng nước mắt và gào thét, chị đành phải nhượng bộ. Một vài lần Bim khóc lâu, mặt mũi tím tái, mồ hôi ướt hết lưng khiến chị rất sợ con đổ bệnh. Còn chồng chị nghe con khóc cũng hay dỗ, nựng con. Nhưng nếu Bim không nín ngay, anh mất kiên nhẫn quay sang quát nạt rồi lột quần đánh tím mông, đến chị nhìn cũng thấy rợn người. Sợ bị bố đánh, Bim càng khóc to hơn. Chị lại phải quay ra trách chồng thì bé mới nín. Căn nhà ầm ĩ không khác gì cái chợ.
“Hồi mới sinh, bé rất ngoan. Sau vài trận ốm, sốt thì bé trở thành bà tướng trong nhà, nhất nhất mọi người phải nghe theo bé”, chị Ngọc kể, “Hy vọng Bim lớn hơn, biết nghĩ, đỡ nhõng nhẽo. Chứ cả ngày đi làm về, nghe con khóc lóc, nhiều lúc mình stress”.
Còn chị Hoa (Bạch Mai, Hai Bà Trưng, Hà Nội) sau 3 lần đưa con đi học mới thành công thì tự rút ra kinh nghiệm, trong nuôi dạy con, cần phải kiên quyết, với bé và với chính những người lớn trong gia đình. Khi Ken chưa đi học, ban ngày bố mẹ đi làm, bé được mang đến gửi ở nhà ông bà nội, cách nhà bé khoảng 400m. Lần đầu tiên Ken làm quen với trường mẫu giáo là khi cu cậu mới hơn 2 tuổi. Đi học một tuần, ngày nào Ken cũng khóc lóc, dẫn đến chảy nước mũi, viêm họng, sụt mất 2kg. Bà nội xót cháu, mắng vợ chồng chị “đày đọa” cháu đích tôn, đòi giữ ở nhà trông tiếp.
Sau Tết, chị lại dẫn con đến trường mầm non xin học. Suốt 3 tháng đi học không ngày nào là bé không khóc lúc bố mẹ đưa đến lớp. Tháng nào bé cũng nghỉ lắt nhắt đến chục ngày. Những ngày sau đó, có thử đưa bé đến lớp thì bé vẫn khóc lóc, hoặc nằm lăn giữa trường gào khóc. Cuối cùng chị đành tặc lưỡi, cho con nghỉ hết mùa hè.
Tuy nhiên, giữa tháng 7 vừa rồi, Ken đã đi học trở lại. Chị Hoa đặt chuông dậy sớm, nhận việc đưa con đến trường, đề phòng bố và bà nội thấy Ken khóc mủi lòng cho ở nhà. Hai hôm đầu tiên, chị ở lại lớp, đút cho bé ăn xong bữa sáng mới đi. Tối, chị không làm bất cứ việc gì, cho bé đi ngủ sớm và sáng hôm sau chị kiên quyết đưa con đến lớp. “Trộm vía được ba tuần rồi, Ken bắt đầu có vẻ quen với lớp học. Sáng lúc mẹ trao cho cô vẫn khóc nhưng khi mình ra đến cổng thì không nghe thấy tiếng mè nheo của bé nữa”, chị Hoa cho biết.
Trên một diễn đàn của các bậc cha mẹ, một topic với chủ đề “con nhõng nhẽo” cũng đã đưa ra thảo luận. Thành viên GaKon cho biết bé nhà chị 16 tháng tuổi rưỡi, rất nhõng nhẽo, dù chị khá nghiêm khắc nhưng bà và ba lại rất chiều chuộng vì bé là đứa cháu đầu tiên trong gia đình. Bé thỉnh thoảng đánh ba mẹ, bà. Chị la và phạt con nhưng bé càng đánh mạnh hơn. Khi đòi món đồ nào đó thì bé đòi cho bằng được, chẳng chịu gì đó thì vùng vằng, làm nư, khóc lớn lên. Thành viên Bastia và Caohoang2010 cũng tỏ ra lo lắng vì con nhõng nhẽo mà không biết xử lý thế nào. Theo nhiều thành viên, thường khi có em, các bé sẽ bớt nhõng nhẽo. Thành viên Daudaucantho còn chia sẻ kinh nghiệm để bé con đã 26 tháng tuổi nhà chị không nhõng nhẽo (dù sống cùng ông bà và được ông bà cưng chiều). Trước tiên, chị làm công tác tư tưởng với ông bà, chỉ ra những tấm “gương xấu” xung quanh hàng xóm. Chị không la mắng mỗi khi bé nhõng nhẽo, đòi hỏi vô cớ thứ gì, chỉ bảo như thế là không ngoan, sẽ bị chú bảo vệ bắt và làm mẹ buồn, đồng thời “đền bù” cho bé thứ bé yêu thích. Nếu bé năn nỉ, chị cũng không đồng tình để tránh tạo tiền lệ. Ngoài ra, chị cũng thường xuyên trò chuyện để hiểu những gì bé đang suy nghĩ.
Theo chuyên gia giáo dục tâm lý mầm non, Tiến sĩ Phan Thị Thu Hiền (giảng viên trường đại học Sư phạm TP HCM), có nhiều nguyên nhân khiến trẻ nhõng nhẽo: muốn được cha mẹ quan tâm, chú ý đến mình (nếu trẻ dưới 3 tuổi thì hiện tượng nhõng nhẽo khá phổ biến vì trẻ vẫn chưa học được cách làm chủ các cảm xúc tiêu cực hoặc cách thể hiện mong muốn và cảm xúc của mình một cách hợp lý); nhõng nhẽo còn phụ thuộc vào khí chất của mỗi đứa trẻ, một số trẻ có khuynh hướng nhõng nhẽo nhiều hơn các trẻ khác. Nếu trẻ bị mệt mỏi, stress hoặc có quá nhiều tác động lên hệ thần kinh, trẻ cũng dễ cảm thấy khó chịu, khóc, cáu bẳn. Tuy nhiên, tất cả những nguyên nhân trên chỉ là thứ yếu, nguyên nhân chính khiến trẻ nhõng nhẽo là cha mẹ và người thân đã quá chiều chuộng trẻ. Mỗi khi trẻ nhõng nhẽo đều được đáp ứng nên trẻ sử dụng thái độ này như là công cụ để đạt được mong muốn của mình. Và nhõng nhẽo thành thói quen.
Tiến sĩ Thu Hiền cho rằng, để trẻ không nhõng nhẽo thì cần phải loại bỏ các nguyên nhân trên, đặc biệt là việc chiều chuộng trẻ. Cha mẹ hãy lắng nghe và đáp ứng những yêu cầu hợp lý của trẻ (với điều kiện trẻ thể hiện yêu cầu bằng lời nói và thái độ thích hợp). Cha mẹ phải nhất quán trước sau như một, không đáp ứng những yêu cầu không hợp lý của trẻ dù trẻ khóc lóc, vòi vĩnh, dỗi hờn…
Bà cũng khuyên, nếu trẻ có hành động nhõng nhẽo như đòi bế lúc đã đi được, đòi đút mới ăn, đòi bố mẹ phải làm cho những việc mà bé có thể tự làm được thì cha mẹ cũng không nên quát mắng trẻ. Cha mẹ hãy giải thích tại sao không nên làm như vậy, cha mẹ tỏ thái độ bình tĩnh nhưng cứng rắn (không nhượng bộ), thậm chí nếu trẻ tiếp tục nhõng nhẽo có thể “bơ” trẻ đi hoặc lôi kéo sự chú ý của trẻ sang việc khác.
Còn thạc sĩ Nguyễn Thị Thanh Thủy, người từng có kinh nghiệm hàng chục năm là giảng viên ngành sư phạm mầm non, hiện là hiệu trưởng trường mầm non Khôi Nguyên (quận 2, TP HCM) cho rằng, mỗi đứa trẻ có thể nhõng nhẽo với tùy từng người và tùy từng thời điểm. Thông thường thì ở nhà trẻ được chiều nên rất nhõng nhẽo, tuy nhiên đến lớp, các cô phải quản nhiều trẻ, không có thời gian để ý riêng từng trẻ một, nên trẻ thường không làm nũng các cô. Theo bà, trẻ em rất tinh ý, nếu bố mẹ chiều nó, nó sẽ lấn tới và đòi hỏi phải được thế này, thế kia, và nó sẽ có rất nhiều cách để đạt được mục đích, trong đó rất nhiều bé dùng chiêu khóc lóc ăn vạ.
Thạc sĩ Thanh Thủy cho rằng, trong sự nhõng nhẽo cũng như tất cả các thói hư tật xấu khác của trẻ đều có lỗi của người lớn. Trẻ nhõng nhẽo không phải là vấn đề của con trẻ mà là vấn đề của người lớn, người lớn nuông chiều thái quá thì trẻ sẽ được đà nhõng nhẽo. Để trẻ không nhõng nhẽo thì bố mẹ ngay từ đầu phải nghiêm khắc, nhất quán trong cách dạy dỗ, không chiều theo những đòi hỏi vô lý của trẻ. Nếu đã trót để trẻ nhõng nhẽo rồi, muốn thay đổi trẻ, thì trước hết bố mẹ phải thay đổi chính cách nuôi dạy con của mình. Việc thay đổi thái độ của bố mẹ phải từ từ, không nên quá đột ngột, và phải có sự kết hợp, thống nhất với ông bà, những người thân khác trong gia đình và cả nhà trường nữa.