Dù giảm tối đa đau đớn giúp sản phụ vượt cạn dễ dàng hơn, nhưng gây tê ngoài màng cứng cũng tiềm ẩn nhiều tác dụng phụ không mong muốn. Những tiến bộ y khoa mang đến cho bà bầu cơ hội chuyển dạ nhẹ nhàng hơn, với rất nhiều phương pháp giảm đau hiện đại như dùng các loại thuốc mê theo đường thở, thuốc gây tê, thuốc an thần, phương pháp kích thích dây thần kinh bằng điện truyền qua da, biện pháp gây tê theo vùng v.v… Trong đó, gây tê ngoài màng cứng là phương pháp đang được các nước tiên tiến sử dụng nhiều hơn hết. Theo thống kê, có đến 20% sản phụ tại Anh áp dụng phương pháp này khi vượt cạn.
Tuy nhiên, cũng như bất kỳ can thiệp y tế nào, phương pháp gây tê ngoài màng cứng cũng tiềm ẩn 1 số rủi ro gây hoang mang cho bà bầu khi cân nhắc có nên “đẻ không đau” hay không, trong khi đó, những cơn đau khi chuyển dạ vẫn luôn ám ảnh chị em thai phụ, nhất là những người lần đầu tiên vượt cạn.
Thủ thuật gây tê ngoài màng cứng
Màng cứng là lớp màng dày bao bọc các chuỗi dây thần kinh chi phối cảm giác đau ở thắt lưng. Có 2 cách giảm đau bằng thủ thuật gây tê ngoài màng cứng: gây tê ngoài màng cứng và gây tê ngoài màng cứng kết hợp với xương sống. Trong đó, gây tê ngoài màng cứng được thực hiện bằng cách gây tê cục bộ ở lưng, sau đó các bác sĩ sẽ chọc 1 ống nhựa nhỏ ngoài sống lưng, dừng lại cách màng cứng bọc tủy sống khoảng 15 mm, đồng thời bơm 1 lượng thuốc tê nhỏ nhất (chỉ đủ để phong bế cảm giác đau mà không gây ảnh hưởng đến bé và mẹ). Thông thường, thủ thuật này được thực hiện trong vòng 10 phút và cần thêm 15 phút để thuốc tê có tác dụng. Mỗi liều thuốc tê có thể kéo dài đến 1 tiếng đồng hồ trước khi cần tiêm thêm liều kế tiếp, hoặc có thể truyền dung dịch thuốc gây tê liên tục và chậm.
Cũng thực hiện tương tự tiến trình giảm đau bằng gây tê ngoài màng cứng, nhưng sau khi cắm mũi tiêm vào xương sống và trước khi để ống nhựa nhỏ vào, chuyên gia gây tê sẽ cắm thêm 1 chiếc kim khác nhỏ hơn bên trong chiếc kim đầu tiên để đâm thủng màng cứng nhằm tiêm 1 lượng nhỏ thuốc gây tê. Sau đó, chiếc kim này được lấy ra và ống nhựa nhỏ được đưa vào khu vực màng cứng như mô tả ở trên. Lợi thế của phương pháp này là giúp giảm đau hiệu quả và nhanh hơn, trong khi đó sản phụ vẫn đi lại được.
Tại thời điểm tiến hành thủ thuật gây tê tại chỗ sản phụ sẽ cảm thấy đau như 1 mũi tiêm thông thường. Khi thuốc bắt đầu được bơm qua ống nhựa, chị em có thể cảm nhận được 1 dòng mát dưới lưng, ít phút sau cảm giác đau sẽ đỡ hoặc mất hẳn. Tùy theo cơ địa mỗi sản phụ mà có một số người sẽ thấy âm ấm ở 2 bàn chân, tê như kiến bò ở 2 bàn chân, hay cảm giác nặng ở chân.
Giảm đau đẻ và những băn khoăn phổ biến
Trên các diễn đàn dành cho bà mẹ trẻ có không ít băn khoăn của mẹ bầu về việc có nên dùng phương pháp này để giảm đau, dù chúng đã được áp dụng thành công và rất phổ biến tại nhiều bệnh lớn trong cả nước như bệnh viện Từ Dũ, Hùng Vương, BV Phụ sản Trung Ương v.v…Bà bầu có nickname “me_baonam” cho biết, chị đã tìm hiểu phương pháp giảm đau này từ khi có thai bé Bảo Nam, nhưng nghe nói gây tê ngoài màng cứng dễ bị sinh mổ hơn bình thường vì không rặn được, nên càng tìm hiểu càng thấy hoang mang, chẳng biết phải làm sao ngoài cầu viện kinh nghiệm của các mẹ đi trước.
Cũng sợ đau như “me_baonam”, nhưng mẹ bầu “hunghong1234” lại tỏ ra hết sức lăn tăn vì nhiều vấn đề khác: “Em nghe nói sau khi chích thuốc gây tê màng cứng thì tử cung hết nở, cuối cùng đáng ra sanh thường lại phải leo lên bàn mổ. Một số mẹ còn bảo mất cảm giác chẳng biết rặn lúc nào, rồi sau khi đẻ bị đau lưng dữ dội nữa chứ… Nghe mà sợ quá đi mất. chẳng biết có nên làm “chuột bạch” thí nghiệm không nữa, vì phương pháp này cũng còn mới quá nên chưa có nhiều nghiên cứu kỹ về hậu quả lâu dài …”.
Trong khi đó, thành viên “thuyanh.1010” lại cho biết chị không dùng biện pháp giảm đau này, vì: “ Dù nhát đau dữ lắm, nhưng lúc sinh với bác sĩ quen, bác ấy lại khuyên em không nên gây tê ngoài màng cứng các mẹ ạ. Bác í bảo thứ nhất là sợ rủi ro do bác sĩ gây tê, thứ 2 là mất cảm giác đau đẻ nên không rặn tốt được. Thế là em đành bấm bụng sinh thường, cũng đau lắm nhưng không đến mức như mình sợ …”. Trái lại, chị “lanchi2009” lại quả quyết: “Ở nước ngoài người ta làm bao nhiêu năm rồi có sao đâu? Nhiều khi người Việt Nam mình hay quan niệm đau đẻ mới biết thương con, mới rõ mang nặng đẻ đau là thế nào v.v… Theo mình thì phụ nữ đã phải chịu nhiều đau khổ rồi, bây giờ bớt được đau đớn sao lại không làm. Mình nghĩ đau lưng có nhiều lý do như cơ địa hay kiêng cữ sau sinh, đầy người bị chứ có phải tất cả do gây tê màng cứng đâu? Vì vậy bản thân mình khi nào đẻ sẽ gây tê màng cứng nếu được đẻ thường …”
Đẻ không đau: Nên hay không?
Theo các chuyên gia y tế, giảm đau bằng thủ thuật gây tê ngoài màng cứng sẽ giúp sản phụ tiết kiệm sức để rặn đẻ tốt hơn vì không phải trải qua những cơn chuyển dạ đau đớn, nhờ đó quá trình vượt cạn cũng nhẹ nhàng hơn, nhanh hơn và em bé ít bị sang chấn hơn. Đây cũng là phương pháp đặc biệt có giá trị với những trường hợp sinh đẻ mà cơn đau chuyển dạ kéo dài và gặp nhiều khó khăn. Đồng thời, ống nhựa được sử dụng trong phương pháp này còn cho phép cung cấp thuốc gây tê để phẫu thuật trong trường hợp bất thường phải chuyển sang sinh mổ hoặc dùng để cung cấp thuốc điều trị sau sinh. Thuốc tê có tác dụng kéo dài giảm đau nhiều giờ sau đó, và không ảnh hưởng đến bé vì không đi qua nhau thai.
Với những quan niệm phổ biến ở các mẹ bầu vừa nêu trên như sợ sử dụng phương pháp gây tê màng cứng sẽ làm chậm quá trình chuyển dạ, tăng nguy cơ sinh mổ hay đau lưng sau sinh v.v…., nhiều công trình khoa học đã tiến hành nghiên cứu về vấn đề này. Cụ thể, sinh không đau bằng thủ thuật gây tê ngoài màng cứng không làm trì hoãn quá trình sinh nở và tăng nguy cơ mổ lấy thai theo kết luận được thực hiện bởi tiến sĩ Cynthia Wong – Phó Giáo sư gây mê Đại học Y khoa Northwestern. Nghiên cứu này được thực hiện trong 3 năm với 750 bà mẹ lần đầu sinh con khi đã chuyển dạ và cổ tử cung giãn được 4 cm. 1 nửa số bà bầu sử dụng nhiều biện pháp giảm đau khác nhau, còn lại sử dụng phương pháp gây tê ngoài màng cứng. Kết quả cho thấy chỉ có 18% số thai phụ được gây tê ngoài màng cứng lúc bắt đầu chuyển dạ phải mổ đẻ, thấp hơn 3% so với số người dùng các phương pháp giảm đau thông thường. Đáng chú ý nhất là thời gian trung bình từ lúc gây tê cho đến khi cổ tử cung mở hoàn toàn là 295 phút, trong khi ở những trường hợp bình thường là 385 phút.
Đồng thời, phương pháp này cũng được khẳng định không phải là tác nhân dẫn đến tình trạng đau lưng sau sinh như nhiều mẹ bầu lầm tưởng, ngoài việc có thể gây 1 số tổn thương do kim tiêm trong vòng 1 – 2 ngày sau sinh do tay nghề của chuyên gia gây mê. Bên cạnh đó, thường sản phụ sẽ lấy lại cảm giác bình thường ở chân trong vòng vài giờ đồng hồ sau khi ống nhựa đước lấy ra khỏi lưng.
Tuy nhiên, đã là 1 thủ thuật y khoa, phương pháp gây tê ngoài màng cứng vẫn có thể tiềm ẩn những tác dụng phụ như 1 số sản phụ cảm thấy chóng mặt, ớn lạnh, lạnh run, buồn nôn, nôn, khó vận động chân sau khi tiêm thuốc, hoặc bị nhức đầu nhẹ sau sinh và tự hết vài giờ sau đó. Hiếm hơn, vài chị em có thể gặp phải cảm giác lạ ở vùng mông, đùi (như kiến bò, rát bỏng) trong thời gian ngắn hậu sản. Ngoài ra, thuốc tê có thể gây giãn mạch, tụt huyết áp, ảnh hưởng đến việc cung cấp máu cho thai nhi. Các bác sĩ thường phòng tránh tình trạng này bằng cách truyền dịch trước gây tê, đồng thời huyết áp mẹ và tim thai sẽ được theo dõi sát sao liên tục. Cũng có thể thai phụ sẽ không cảm nhận được sự thôi thúc để rặn đẻ, tuy nhiên bác sĩ và nữ hộ sinh luôn túc trực trong ca sinh sẽ giúp chị em nhận biết khi nào cần có các cơn rặn đẻ để sinh bé.
Vì những tác dụng phụ này mà Tiến sĩ, bác sĩ Lê Thị Thu Hà (Bệnh viện Từ Dũ) đã khuyên sản phụ nên xem đây là phương pháp can thiệp cuối cùng nếu cảm thấy quá đau dễ dẫn đến sợ đẻ, không dám đẻ nữa, thậm chí có nguy cơ mắc chừng trầm cảm sau sinh, hoặc khi sản phụ bị mất sức do cơn chuyển dạ kéo dài, tâm lý căng thẳng khiến cổ tử cung càng siết chặt, càng khó đẻ và có thể gây nguy hiểm cho thai nhi. Bên cạnh đó, các bà mẹ tương lai cũng cần lưu ý phương pháp này không được áp dụng cho những trường hợp sản phụ bị cong cột sống, khe sống giữa 2 đốt sống hẹp nên không thể đưa kim vào để tiêm thuốc, hay có tiền sử máu không đông, nước ối bị nhiễm khuẩn lúc chuyển dạ, mắc bệnh ngoài da tại khu vực xương sống thắt lưng v.v…
Đồng thời, đây là thủ thuật đòi hỏi tay nghề cao của các chuyên gia gây tê nên cần phải được thực hiện ở những bệnh viện phụ sản đầu ngành để tránh các rủi ro có thể xảy ra trong quá trình thao tác. Và nên nhớ rằng, ngoài phương pháp gây tê ngoài màng cứng để giảm đau khi chuyển dạ, còn rất nhiều biện pháp giảm đau tự nhiên không dùng thuốc. Đặc biệt nếu cơn chuyển dạ của bạn càng tự nhiên thì cơ thể bạn sẽ càng sản sinh ra nhiều chất endorphins, một loại chất giảm đau, làm thư giãn, giúp bạn chịu đau tốt hơn.