Lo lắng khi sinh con năm một, “liền tù tì” là chuyện không hiếm gặp ở nhiều gia đình trẻ. Khi bé đầu lòng chưa đầy 9 tháng tuổi, bé thứ 2 trong bụng chị Thanh (Tuệ Tĩnh, Hà Nội) đã kịp hình thành. Điều này khiến không khí gia đình nhà anh chị vô cùng mệt mỏi, lo lắng.
Trước đây, vợ chồng chị quyết tâm sinh con cách nhau 5 năm để có thời gian chăm bẵm, dạy dỗ đứa con thứ nhất hoặc có thể chỉ sinh 1 bé cũng được, hai vợ chồng càng có điều kiện chăm con song vì chủ quan, anh chị đã bị nhỡ kế hoạch.
Chị Thanh tâm sự: “Bé thứ 2 nhà mình được 7 tuần tuổi rồi, lúc nghe thấy tiếng tim thai của bé, trước thì mình hoang mang sau thì mình quyết định giữ lại đứa con, mặc chồng có ngăn thế nào. Mình vừa hạnh phúc vừa lo lắng nhưng con là của trời cho, mình không muốn vì sự vô tình của mình mà con bị thiệt thòi”.
Suốt một thời gian dài, dù bận rộn với công việc ở nhà, chăm sóc gia đình con cái, công việc ở công ty nhưng chị vẫn cố dành thời gian tìm hiểu tiếp công cuộc sinh con thứ 2. Sau khi chị sinh, bé thứ nhất dường như hay buồn hơn, thu mình hơn, khiến chị rất lo lắng.
Khác với chị Thanh, chị Huệ ở Triều Khúc, Hà Nội nước mắt ngắn, nước mắt dài chia sẻ: “Dù rất muốn sinh nhiều con nhưng thời điểm này chưa phải là lúc”.
Lý do chị đưa ra đó là hai anh chị làm công ăn lương nhà nước, tiền thuê nhà còn chẳng đủ đừng nói là chuyện mua sữa cho hai đứa con. Bàn đi tính lại, vợ chồng chị Huệ quyết định vài năm nữa sẽ sinh sau, hiện tại sẽ chọn ngày để bỏ thai.
Tất cả là do tính đãng trí của chị và sự chủ quan của anh. Sau khi sinh con được 2 tháng, dù cho con bú nhưng chị vẫn có kinh trở lại. Để đề phòng chị đã cẩn thận tới trung tâm sản phụ khoa để nhờ tư vấn về thuốc tránh thai.
Do bất cẩn, hôm nhớ hôm quên, thêm phần vòng kinh của chị lại thất thường, anh chị còn chủ quan rằng “dù không uống thuốc đều nhưng chồng toàn xuất tinh ra ngoài”. Một ngày, chị thấy trong người khác lạ, chị bỗng gặp lại những triệu chứng quen thuộc khi lần đầu có thai: buồn nôn, hoa mắt, chóng mặt, tức ngực…
Thử thai, chị bất ngờ khi thấy que thử 2 vạch. Đi khám chị bàng hoàng khi biết thai đã được 2 tháng tuổi. Vì thế anh chị quyết tâm phá thai để dành thời gian chăm con thứ nhất còn bé.
Vỡ kế hoạch dường như là chuyện không hiếm gặp ở nhiều gia đình trẻ. Nhiều vợ chồng trẻ buồn rầu, tham trách nhau vì sự vô tâm của mình song nhiều gia đình lại coi đó là một điều may mắn.Chị Tú (Chương Dương, Hà Nội) là một ví dụ, chị cũng từng là một bà mẹ bị vỡ kế hoạch. Nhớ lại, khi bé trai đầu lòng được 10 tháng tuổi thì chị đã dính bầu 4 tháng, có lúc chị còn nói vui: “Mùa xuân là mùa dễ vỡ kế hoạch nhất”.
Gia đình chị không giàu có, biết chăm hai con nhỏ cùng một lúc rất cực nhưng chị vẫn thích thú chia sẻ: “Vợ chồng mình lúc đó đã cố gắng cả về tâm lý lẫn tài chính để chào đón con ra đời, khi lớn hơn một chút, chúng sẽ nhiều trò vui phải biết. Quả thật khi mình vừa sinh bé thứ 2 xong, thằng anh bô bô chạy ra dỗ em khóc: “Nín đi, nín đi, anh bế em nhé”.
Vỡ kế hoạch sẽ ảnh hưởng tới tinh thần, thể chất người mẹ. Theo bác sĩ Lê Thị Kim Dung, Trưởng khoa Sản, Trung tâm y tế Thái Hà, không chỉ vài trường hợp mà vỡ kế hoạch dường như xảy ra ở một bộ phận lớn các gia đình. Sau khi sinh con đầu lòng vì chủ quan, nên nhiều gia đình phải đối mặt với điều này.
Bác sĩ nhận định, mỗi một người phụ nữ vừa phải làm mẹ vừa phải kiếm tiền. Việc chủ động sinh 1 hoặc 2 con và dành thời gian toàn tâm toàn ý cho việc đấy là đúng đắn và cần thiết, tuy nhiên nếu như có kế hoạch sinh 2 con thì cố gắng thực hiện điều này trong vòng 5 năm cách quãng để chị em có thể trở lại sự nghiệp của mình.
Theo bác sĩ, dù phá thai hay cố gắng để sinh con thì vỡ kế hoạch đều ảnh hưởng ít nhiều tới tinh thần và thể chất của người mẹ và thậm chí là thai nhi. Ngoài việc đẻ dày khiến sức khỏe của mẹ và thai nhi bị giảm sút (thiếu chất: canxi, thiếu máu…), chị em còn phải vất vả chăm sóc một lúc hai con. Điều này chưa chắc đã đảm bảo việc đứa con được chăm một cách cẩn thận chu đáo.
Thêm vào đó, sau khi sinh con lần đầu, người mẹ cần phải được nghỉ ngơi giữ sức, nếu vì nhỡ mà phải đối diện với một lần vượt cạn nữa thì người mẹ sẽ gặp phải nguy cơ với các biến chứng như nhiễm trùng, thủng tử cung…
Còn nếu trường hợp bỏ thai thì bà mẹ vẫn gặp nguy hiểm. Lúc mới sinh xong, tử cung người mẹ vẫn còn yếu, việc đối mặt với một ca thủ thuật là vô cùng nguy hiểm tới sức khỏe người mẹ. Bác sĩ khuyến cáo hai vợ chồng cần phải thực hiện đúng những phương pháp bảo vệ, vừa đúng kế hoạch, lộ trình mà cả hai đã thống nhất, vạch ra, vừa bảo đảm sức khỏe cho người mẹ và con.
Nếu giữ lại thai để sinh, bà bầu cần phải có chế độ nghỉ ngơi hợp lý, tập thể dục nhẹ nhàng, ăn uống đủ chất.
Bên cạnh những điều bất ổn thì việc sinh năm 1 cũng có nhiều cái lợi. Đầu tiên phải kể tới việc làm này khiến phản xạ và kinh nghiệm chăm con của nhiều người mẹ chưa bị phai nhòa, tiếp theo là tiết kiệm vì đứa bé có thể sử dụng lại đồ của đứa lớn luôn. Ngoài ra hai đứa bé sàn sàn tuổi dễ hòa nhập với nhau.
Tóm lại, nếu chị em đã xác định được tư tưởng như vậy thì việc có thai sau khi sinh con được 1 năm là hoàn toàn bình thường.Bác sĩ Kim Dung khuyên chị em trong trường hợp này nên đi khám đúng hẹn theo lịch và lời khuyên của bác sĩ.