Giáo dục tiểu học xếp học chữ ở hàng thứ tư, sau thể chất, đạo đức và kỹ năng sống. Thế nhưng, nghiên cứu của Viện Tâm lý học VN cho thấy học sinh (HS) tiểu học chịu áp lực quá lớn về sức ép học hành.
Viện Tâm lý học VN đã có cuộc nghiên cứu về mức độ kỳ vọng của cha mẹ đối với con cái ở lứa tuổi tiểu học. Nghiên cứu được tiến hành trên 270 phụ huynh có con đang học lớp 3 và lớp 4 tại các trường tiểu học đóng trên địa bàn TP Hà Nội như: Ngô Thì Nhậm, Lê Ngọc Hân (Q.Hai Bà Trưng), Tiểu học Đại Yên (Q.Ba Đình).
Áp lực dồn lên vai đứa trẻ
Tiến sĩ Lã Thị Thu Thủy – Viện Tâm lý học VN, người thực hiện đề tài nghiên cứu này cho biết, trong các cuộc khảo sát, mong muốn con mình trở thành người hiếu thảo với ông bà, cha mẹ được các bậc phụ huynh đặt lên hàng đầu; kế tiếp là kỳ vọng con trẻ trở thành người có ích cho xã hội cũng được các bậc phụ huynh hết sức chú ý (91,9% người hoàn toàn đồng ý)…
Hiệu ứng tích cực, theo bà Thủy, thể hiện ở chỗ, từ sự quan tâm đến việc rèn luyện thể chất đã làm cải thiện chỉ số hình thể của trẻ em VN so với trước kia. Hàng loạt các biện pháp như cung cấp thức ăn bổ dưỡng, chế độ luyện tập thể thao… được các bậc phụ huynh áp dụng cho con trẻ.
Phỏng vấn sâu một số bậc phụ huynh, nhiều người đã bộc lộ sự lo lắng trước những vấn nạn của xã hội ảnh hưởng không tốt đến con cái mình. Một số người cho rằng, trẻ em hiện nay ít quan tâm đến những người xung quanh, sống ích kỷ và nhiều khi thiếu lễ phép với người lớn. Chính vì vậy, các bậc phụ huynh muốn con mình theo học các lớp giao tiếp ứng xử nhằm củng cố thêm ý thức của trẻ trong việc rèn luyện các phẩm chất đạo đức, họ kỳ vọng con mình sẽ trở thành người tốt, có ích cho xã hội.
Tuy nhiên, bên cạnh những hiệu ứng tích cực thì việc kỳ vọng quá lớn vào con trẻ cũng gây nên một số hiệu ứng tiêu cực. Biểu hiện trước hết là sức ép về học tập đối với con trẻ. Ngay từ khi còn đang học mẫu giáo, trẻ đã phải học quá nhiều môn: học vẽ, học nhạc, học chữ… Việc học trước chương trình hiện nay đang trở thành phổ biến đối với HS ở các thành phố lớn. Dịp hè, thay vì nghỉ ngơi thì lại là dịp chạy đua đối với con trẻ bởi lịch học hè kín mít mà bố mẹ chúng xếp sẵn.
Bà Thủy cho rằng: “Sự kỳ vọng quá lớn vào con trẻ cũng đồng thời tạo áp lực nặng nề đối với chính đứa trẻ ấy. Nên chăng, hãy để cho trẻ được sống hồn nhiên với tuổi nhỏ của mình mà không chịu bất cứ áp lực nào”.
Việc học chữ xếp hàng thứ tư
Ông Lê Tiến Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ GD-ĐT) đã khẳng định như vậy để nhắn nhủ các bậc phụ huynh đừng quá căng thẳng với việc con mình sắp vào lớp 1.
“Không tổ chức dạy học trước và thi tuyển vào lớp 1”, “tuyệt đối không dạy trước chương trình lớp 1 cho trẻ mẫu giáo”… là những quy định được ghi rõ trong hướng dẫn nhiệm vụ năm học đối với cấp tiểu học cũng như bậc học mầm non mà Bộ GD-ĐT đã ban hành ngay từ đầu năm học. Tuy nhiên, những văn bản này dường như chỉ có tác dụng đối với hệ thống nhà trường, còn ở ngoài nhà trường, thì có “cầu” ắt có “cung”, phụ huynh không khó để tìm một giáo viên dạy trước chương trình lớp 1 cho con mình theo kiểu “nhóm lớp gia đình”.
Theo ông Thành, yêu cầu giáo dục toàn diện đòi hỏi cả nhà trường và phụ huynh phải thay đổi nếp nghĩ, không nên quá chú trọng việc dạy chữ mà xem nhẹ việc dạy người. Yêu cầu của giáo dục tiểu học là trẻ em phải khỏe mạnh; thứ hai là ngoan ngoãn, có lòng nhân ái, biết chia sẻ; thứ ba là có kỹ năng sống, biết giao tiếp và sống an toàn (thực phẩm, giao thông, cháy nổ và trước các tệ nạn xã hội), sau đó mới cần đứa trẻ thích đi học, thích học, biết cách học. Như vậy, ở bậc tiểu học, học chữ đứng hàng thứ tư, sau thể chất, đạo đức và kỹ năng sống.
Nghiên cứu đã chỉ ra rằng về tâm sinh lý, sụn cổ tay và tâm lý của trẻ 5 tuổi chưa sẵn sàng để viết và học chữ. Đây là lứa tuổi vẫn cần chơi chứ chưa cần học. “Một đứa trẻ học sớm sẽ rất vất vả, có thể nói một buổi học của đứa trẻ học non vất vả bằng đứa trẻ đúng tuổi học cả tháng trời. Hơn nữa, điều tai hại nhất là đứa trẻ học trước sẽ nảy sinh tâm lý chủ quan tưởng cái gì cũng biết nhưng thực ra chưa biết được nhiều và một thời gian sức học sẽ đuối hơn hẳn so với những đứa trẻ khác”, người đứng đầu bậc giáo dục tiểu học cảnh báo.
Đồng quan điểm này, GS Nguyễn Minh Thuyết – Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa – Giáo dục – Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, bức xúc: “Trước khi vào lớp 1, phần lớn trẻ em ở thành phố đều đã biết đọc, biết viết nên khi vào lớp 1 ít phải động não. Điều này rõ ràng là có hại cho các em, vì lớp 1 ít động não thì lên lớp 2 và các lớp sau đó sẽ khó bắt kịp chương trình. HS đến lớp không động não thì tư duy chậm phát triển hơn các bạn…”.
Về chương trình và sách giáo khoa, GS Thuyết nói: “Giáo viên phải dạy cho HS những cái HS chưa biết, nếu biết rồi mới đi học hoặc chương trình và sách ra những bài tập dễ đến mức không cần hướng dẫn của thầy cô, HS cũng giải được 100% là phi sư phạm”.