Vài tháng đầu tiên về làm dâu, tôi cảm thấy thật sung sướng và hạnh phúc, nghĩ mình may mắn được anh yêu thương và được làm dâu nhà ba mẹ.
Sau vài tháng ấy, tôi càng tin điều đó khi biết mình cấn thai. Mẹ chồng sáng sáng không để cho tôi dậy nấu ăn, không leo cầu thang khi nhà mất điện, không phải tranh thủ đi chợ mỗi khi tôi tan ca sớm mà ngược lại, bà chăm tôi hơn một người mẹ chăm đứa con cưng của mình vậy. Vì mang thai con so cho nên tôi cũng chưa có kinh nghiệm gì cả, bà đã chỉ dạy tôi từng ly từng tí một. Đôi khi tôi cũng vừa cười vừa nói: “Mẹ chăm con kỹ quá, hơn cả mẹ đẻ con ý”. Những lúc như thế bà lại nói: “Tất cả tương lai con cháu sau này”. Nghe mẹ chồng nói vậy tôi cảm động lắm.
Thế rồi 9 tháng 10 ngày trôi qua nhanh chóng, tôi sinh được cháu cho mẹ và đương nhiên, tôi lại được sống trong nhung lụa yêu thương của cả gia đình nhất là sự chăm sóc của mẹ chồng. Khi cháu được 4 tháng, tôi bắt đầu phải đi làm vì hết hạn nghỉ sinh đẻ. Hàng ngày, trước khi đi, tôi thường cho con bú để con no bụng ở nhà chơi ngoan, vắt thêm sữa mẹ để trong tủ lạnh để giữa buổi bà hâm nóng cho cháu bú.
Mẹ chồng tôi là một người rất cẩn thận. Mọi thứ liên quan đến “cục cưng” của bà là bà đều để ý. Có lần tôi đi làm về tới cổng đã nghe thấy tiếng khóc của con. Tôi nghĩ chắc con đói sữa nên khóc như vậy. Tôi vội vội vàng vàng lột bỏ áo chống nắng, giầy dép, lao vào nhà vệ sinh rửa mặt, rửa tay để bế con. Vừa ẵm con trên tay và vạch áo cho con bú thì mẹ chồng tôi đẩy vội ngực tôi ra làm cho thằng cu đang hập miệng vào vú mẹ khóc ré lên. Tôi ngẩng mặt lên nhìn mẹ, chưa kịp hỏi câu gì thì bà bảo: “Đã lau ti chưa mà cho con bú thế?”.
Quả thật lúc đó mặt tôi cũng hơi nóng lên. Thằng con bé bỏng của tôi thì đang khóc nức nở vì nhớ sữa mẹ, tôi thì cuống lên cho con bú, mặt mũi, tay chân thì rửa rồi nhưng đúng là ti thì chưa. Sau lời thú nhận của tôi là một tràng những lời “nhắc nhở” của mẹ chồng: “Biết ngay mà, đi cả buổi mồ hôi nhễ nhại, bẩn bụi lấm lem mà lại cho con hập vào bú thì khác gì cho nó bú cả vi khuẩn trên người mẹ? Trẻ con bé bỏng thế này dễ ốm và sinh bệnh lắm chứ không như người lớn”. Vừa nói bà vừa lấy tay bế lại đứa bé. Cũng buồn vì bị mẹ “nhắc nhở” nặng lời nhưng tôi cũng thôi không để bụng vì nghĩ những lời bà nói cũng chỉ để tốt cho cháu, cho đứa con đầu lòng của tôi và anh. Lần 1, lần 2 như vậy tôi cũng không dám nói lại gì cả và cũng không dám kể chuyện với chồng.
Ngày tháng trôi đi đối với tôi thêm một nặng nề hơn. Con trai tôi ngày một lớn nhưng trông con không được nhanh nhẹn và khỏe mạnh như những đứa trẻ hàng xóm. Từ ngày sinh con đến nay gần một năm rồi mà không biết con tôi được thấy ánh mặt trời mấy lần. Bốn tháng đầu tuyệt đối trong phòng, mấy tháng sau lúc tôi bắt đầu đi làm lại thì bà cũng không cho cháu ló mặt ra ngõ chỉ trừ khi tôi tan ca, về tắm giặt và bế con đi chơi rong lúc đã chiều tà không còn thấy mặt trời đâu cả. Nghĩ thương con da cứ trắng bủng beo, không được đi ra đi vào để khỏi lạ lẫm với thế giới bên ngoài nên sáng sáng tôi dậy sớm, nấu cơm nước và quấy bột cho con xong thì cho con vào chiếc xe đẩy đi đẩy lại quanh ngõ xóm. Bà nội đi chợ về tới đầu ngõ đã la lên: “Cho cháu vào nhà đi, cái đầu bêu nắng thế kia thì ốm sớm”. Thấy mẹ nói vậy tôi cũng nhẹ nhàng giải thích là cho cháu ra ngoài cho thoáng, ánh nắng sớm thêm vitamin D cho cơ thể cháu. Chỉ nghe có thế là mẹ tôi mắng: “Tôi nuôi hai đứa con đều béo tốt khỏe mạnh mà có cần tắm nắng bao giờ đâu. Thôi cho về mau không gió máy rồi ốm không ai trông được”. Thấy mẹ cương quyết như vậy tôi đành đủn xe cho con quay về, trong lòng thầm nghĩ sẽ nhờ chồng tác động với mẹ thêm. Có ai biết được rằng trước đây khi yêu tôi anh luôn luôn cưng chiều và làm theo ý kiến của tôi còn bây giờ thì ngược lại, chỉ có một chuyện nho nhỏ như vậy anh cũng không làm thậm chí còn bênh mẹ và nhắc nhở tôi từ mai đừng cho con đi ra ngoài như thế.
Mẹ vốn sạch sẽ, sạch đến mức mà có lúc dường như tôi không thể chịu đựng được. Cháu đã gần một tuổi rồi mà hầu như không được lăn lê bò toài ra ngoài sàn nhà (sàn đá hoa) cho dù nó đã được lau sạch đến như thế nào. Cháu cứ hễ chạm tay chân ra ngoài cái chiếu trải dưới sàn nhà là lại nghe tiếng bà nhắc nhở: “Bế con vào chiếu chứ tay chân ra bò ra sàn nhà thế kia giun sán thì lớn sao được”. Chuyện này thật khiến tôi khó chịu mà cũng khó xử. Nếu có chồng giúp đỡ thì đâu đến nỗi này.
Chuyện mẹ chồng tôi “chăm cháu” đã nổi tiếng khắp xóm bao năm nay mà tôi không hề hay biết gì cả. Đến bây giờ, khi con trai tôi ra đời, sự thật ấy mới được tôi biết đến. Nhiều khi tôi lo lắng và tự hỏi bản thân mình không biết con trai bé bỏng của tôi sẽ ra sao nếu cứ tiếp tục sống trong môi trường như thế này? Với những gì mẹ chồng tôi làm, tôi nghĩ không biết sẽ giúp cháu hay hại cháu đây? Và không biết rằng mẹ chồng tôi có thực sự thương yêu đứa cháu này?