Ngày càng nhiều trẻ em và người lớn được chẩn đoán là tăng động giảm chú ý, nhưng theo một số chuyên gia, nhiều người có thể không mắc rối loạn hành vi này mà chỉ là thiếu ngủ. Một bác sĩ Mỹ ước tính, hơn 1/3 số trẻ em và 1/4 số người lớn được chẩn đoán tăng động giảm chú ý (ADHD) thực sự chỉ có vấn đề về giấc ngủ.
Mất ngủ, đặc biệt là ở trẻ em, không như người ta nghĩ – gây ra sự bơ phờ, mà là vấn đề rất giống với chứng ADHD, bao gồm hiếu động thái quá, không có khả năng tập trung, hung hăng và hay quên.
Sự giống nhau giữa các triệu chứng, cùng với sự thiếu hiểu biết của nhiều bác sĩ về rối loạn giấc ngủ, là nguyên nhân gây ra sự nhầm lẫn trong việc chẩn đoán cho một số bệnh nhân, Vatsal Thakkar, một giáo sư lâm sàng về tâm thần học tại Trung tâm Y tế Đại học New York (Mỹ) cho biết.
Đặc điểm của ADHD là có rối loạn về sự chú ý, quan tâm và bốc đồng. Có khoảng 5% trẻ Anh được cho là mắc chứng này và được kê đơn các loại thuốc điều trị, tăng 70% từ năm 2005 đến năm 2011.
Chỉ định dùng Ritalin – loại thuốc phổ biến nhất cho chứng ADHD, đã tăng gấp 4 lần trong thập kỷ qua. ADHD được chẩn đoán nhiều nhất ở tuổi 3-7 và hay gặp ở nam gấp 4 lần nữ. Một nửa số trường hợp tình trạng này còn tồn tại đến khi trưởng thành.
Nhưng hiện nay, một số chuyên gia đặt câu hỏi liệu vấn đề thực sự có phải là từ chất lượng giấc ngủ kém. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, nhiều trẻ em bị ADHD cũng gặp khó thở trong khi ngủ như ngáy và ngưng thở và có khả năng phá vỡ giấc ngủ sâu. Loại giấc ngủ này bắt đầu khoảng 30-50 phút sau khi chúng ta ngủ. Trẻ em cần ngủ sâu cho sự phát triển và tăng trưởng hợp lý.
Một nghiên cứu, được công bố năm 2004 trên tạp chí Sleep, xem xét 34 trẻ bị ADHD. Tất cả đều cho thấy có sự thiếu hụt giấc ngủ sâu, so với chỉ một số ít trong nhóm trẻ không có rối loạn.
Trong khi đó, một nghiên cứu với hơn 11.000 trẻ ở Anh công bố năm ngoái cho thấy những em có vấn đề khó thở trong khi ngủ lúc sơ sinh có nhiều khả năng gặp khó khăn trong hành vi sau này. 20-60% số trẻ này gặp trục trặc về hành vi ở tuổi lên 4, và 40-100% có vấn đề tương tự ở tuổi lên 7. Đáng chú ý là, khi rối loạn giấc ngủ được giải quyết, những trục trặc về hành vi do ADHD gây ra có thể biến mất.
Một nghiên cứu công bố trên tạp chí Paediatric năm 2006 cho thấy loại bỏ amiđan để cải thiện giấc ngủ dường như cũng đuổi bay triệu chứng ADHD. Một năm sau khi phẫu thuật, một nửa số trẻ từng bị chẩn đoán là ADHD không còn triệu chứng này.
Giả thuyết của giáo sư Thakkar được nhiều chuyên gia về giấc ngủ ở Anh ủng hộ. Họ cho rằng không phải ngẫu nhiên mà sự gia tăng những người được chẩn đoán mắc ADHD nổi lên vào những năm 90 – thời điểm mọi người ngủ ít hơn.
Số liệu thống kê mới nhất cho thấy số người lớn ngủ ít hơn7 giờ mỗi đêm tăng từ 2% năm 1960 lên hơn 35% năm 2011. Theo bác sĩ Neil Stanley, một chuyên gia về giấc ngủ của Anh, trẻ em ngày nay ngủ ít hơn một giờ so với 100 năm trước. Nhiều trẻ 10 tuổi không được khuyên cần ngủ đủ 10 tiếng mỗi đêm.
Sự xao nhãng do các chương trình truyền hình 24 giờ mỗi ngày, trò chơi trên máy tính và điện thoại di động là một yếu tố quan trọng bởi chúng không chỉ khuấy động tâm trí mà còn chặn sự sản xuất melatonin – một hoóc môn giúp điều chỉnh chu kỳ ngủ và thức. Các tế bào nhạy ánh sáng ở mặt sau của mắt nhạy cảm hơn với ánh sáng phát ra từ màn hình – thứ khiến cơ thể nghĩ rằng vẫn là ban ngày, vì thế phá vỡ việc sản xuất melatonin.
“Bảo bất cứ ông bố bà mẹ nào miêu tả một đứa trẻ thiếu ngủ và sẽ thấy những đặc điểm đó không khác mấy chứng ADHD”, bác sĩ Neil Stanley nói.
Theo ông, một số trẻ em hoàn toàn bình thường, vì lý do gì đó mà mất ngủ mãn tính, được chẩn đoán là ADHD. Nhiều bác sĩ cũng có rất ít kiến thức về rối loạn giấc ngủ. Hơn nữa, sẽ dễ dàng hơn cho bác sĩ khi nói với bố mẹ rằng con họ có bệnh hơn là bé chỉ cần ngủ nhiều hơn.
“Một số trẻ có thể được chẩn đoán dễ dàng. Nhưng với những bệnh nhân mất ngủ bị chẩn đoán nhầm là bị ADHD – hàng nghìn người chỉ ngủ kém nhưng được điều trị bằng các loại thuốc được sản xuất để kiểm soát hay thay đổi hành vi ban ngày. Hơn nữa, thuốc điều trị ADHD có thể có tác dụng phụ, bao gồm chán ăn, đau dạ dày và một số ít là vấn đề về tim, tức ngực, vấn đề về gan và nảy sinh ý nghĩ tự tử”, bác sĩ cho biết.
Mối quan tâm của giáo sư Thakkar về mối liên quan giữa ADHD và mất ngủ được khởi phát từ chính trải nghiệm của ông sau khi được chẩn đoán là mắc ADHD người lớn.
Trong gần một thập kỷ ông bị khó khăn trong việc tập trung và nhận thức sâu – ông cần một giấc ngủ ngắn hằng ngày và cần ngủ sâu vào cuối tuần. Ban đầu, ông được cho biết đó là hệ quả của vấn đề về tâm lý. Sau đó, năm 2005, ông được chẩn đoán là mắc ADHD.
Cảm thấy không thuyết phục, ông đã thực hiện một nghiên cứu về giấc ngủ, ở tuổi 33, và thấy rằng mình bị một chứng bất thường về chứng ngủ rũ – một rối loạn về thần kinh thường gây ra sự buồn ngủ liên tục, không thể kiểm soát.
“Tôi không bao giờ buồn ngủ khi đang ăn hay đang nói, nhưng chỉ có 5% giấc ngủ của tôi là ngủ sâu. Với cách điều trị thích hợp, vấn đề của tôi đã chấm dứt. Khả năng tập trung vào ban ngày của tôi đã được cải thiện đáng kể”, giáo sư Thakkar nói.
Ông cho rằng có nhiều điều đáng quan tâm trong cuộc sống về đêm hơn mức chúng ta nhận ra. “Tuy nhiên, không thể biết bạn ngủ tốt hay không trừ khi bạn có những kiểm tra cụ thể – bởi vì giấc ngủ một phần là sinh học và một phần là hành vi”, ông nói.
Thậm chí nếu bố mẹ và trẻ làm tất cả những điều đúng để ngủ đủ, họ có thể vẫn có giấc ngủ chất lượng kém. Hạn chế thời gian sử dụng các máy móc, đặc biệt là vào buổi tối, là bước đầu tiên cần làm với trẻ có những triệu chứng kiểu này, bác sĩ cho biết. Nếu việc này không thể, bố mẹ nên đảm bảo là con họ được ngủ đủ, phù hợp với lứa tuổi (10-11 giờ cho học sinh tuổi đến trường, 7-8 giờ với người lớn). Nếu điều này vẫn không cải thiện được tình hình, cần tìm đến chuyên gia y tế để được trợ giúp.