GS Lawrie Challis, nguyên đại diện Quỹ chương trình Nghiên cứu Sức khỏe và Công nghệ di động Anh (MTHR) và hiện là cố vấn hàng đầu của chính phủ Anh cảnh báo: “Trẻ em không nên dùng điện thoại di động cho tới khi được ít nhất là 12 tuổi”.
Nghiên cứu quy mô
Những khuyến nghị của MTHR là sự tổng hợp từ nghiên cứu kéo dài 30 năm về việc sử dụng điện thoại di động ảnh hưởng đến sức khỏe của 250 ngàn người châu Âu như thế nào.
Dữ liệu từ các cuộc gọi và thời lượng gọi sẽ được so sánh với chỉ số sức khỏe để xác định di động “kích động” hay làm trầm trọng thêm các bệnh ung thư như thế nào.
Nghiên cứu trị giá hàng triệu đô la này cũng tìm hiểu xem liệu chúng có làm tăng nguy cơ mắc các bệnh thần kinh như Alzheimer, Parkinson và chứng đa xơ cứng cũng như đột quỵ, bệnh tim và các bệnh ít nghiêm trọng hơn như đau đầu hay rối loạn giấc ngủ.
Không một nghiên cứu nào trước đó đủ dài và trên diện rộng như vậy. Những kết quả đầu tiên sẽ được đưa ra sau 5 năm nữa. Đây cũng là lần đầu tiên các nhà nghiên cứu có dữ liệu về số lượng và thời lượng cuộc gọi được cung cấp bởi các công ty viễn thông.
Các nghiên cứu trước đó tin dựa trên cảm tính của người dùng điện thoại về tần suất sử dụng điện thoại.
Các nhà nghiên cứu từ ĐH London cho biết các kết quả của nghiên cứu cho đến nay là “vững chắc” nhưng bởi vì các bệnh như ung thư thường âm thầm phát triển trong nhiều năm trong khi nhiều người mới chỉ dùng điện thoại thường xuyên trong 1 thập kỷ trở lại đây, vì thế vẫn có “những lỗ hổng lớn trong hiểu biến của chúng ta”.
Theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới WHO, chưa cần thiết phải đưa ra những khuyến cáo đặc biệt nào trong việc dùng điện thoại di động ở cả người lớn lẫn trẻ em.
Trẻ em “nhạy cảm” hơn
GS Challis cho biết mặc dù chưa có bằng chứng nào cho thấy trẻ em nhạy hơn người lớn khi tiếp xúc với bức xạ phát ra từ điện thoại di động, nhưng điều đó không có nghĩa là không có.
“Tôi nghĩ rằng điều này rất logic bởi hệ miễn dịch của trẻ vẫn đang phát triển và chúng ta biết rằng trẻ nhạy cảm hơn khi tiếp xúc với một số loại vật chất, chẳng hạn như tia tử ngoại. Nếu một đứa trẻ tiếp xúc quá nhiều với ánh nắng mặt trời, làn da sẽ có nguy cơ ung thư cao hơn người lớn mặc dù thời gian tiếp xúc với nắng là như nhau. Chúng cũng nhạy cảm với các yếu tố ô nhiễm hơn. Và có quan điểm cho rằng chúng có nguy cơ mắc bệnh cao hơn”, GS Challis giải thích.
“Nếu các bậc cha mẹ lo lắng, họ có thể khuyến khích con trò chuyện ngắn hay dùng máy điện thoại bàn. Các bậc cha mẹ cũng có thể tận dụng những lợi ích từ sự phát triển của công nghệ bằng cách dùng những công nghệ ít ảnh hưởng tới sức khỏe”, GS Challis khuyên.
Tuy nhiên, quan điểm của vị giáo sư này là không nên khuyến khích trẻ dùng di động. Thậm chí tuổi dậy thì cũng chỉ nên dùng điện thoại để gửi tin nhắn hơn là trò chuyện trực tiếp.
Ông thừa nhận rằng một số bậc cha mẹ cảm thấy an tâm khi cho con dùng điện thoại di động dù biết rõ nguy cơ đối với sức khỏe bởi họ mong muốn quản lý con cái.