Thời gian ở Rome mang đến cho tôi cái nhìn thán phục cách nuôi dạy trẻ của mẹ Ý. Tôi sang Rome học thạc sĩ rồi lấy chồng, sinh sống ở đây cũng đã được 10 năm. Ở nơi đây, trên mảnh đất của những chiếc bánh pizza ngon lành và tháp nghiêng nổi tiếng, có đến 80% những người đàn ông trong độ tuổi 18-30 vẫn sống với bố mẹ của mình. Điều đó chứng tỏ, mô hình nuôi dạy con của người Ý vẫn còn rất tốt và đáng ngưỡng mộ. Mẹ Ý thường không phải là những ‘sát thủ’ nghiêm khắc, cũng không luôn kè kè soi xét hành vi của con cái mình nhưng có có cách dạy con rất ‘độc”. Đó là thường xuyên ‘rủ rê’ bé đi nhà hàng.
Tôi còn nhớ lần đầu đến Ý, khi đi vào bất cứ nhà hàng nào ở Rome, dù là bình dân hay sang trọng, vào lúc 10 giờ tối, tôi luôn thấy trẻ con Ý ngồi ăn và hóng chuyện tại bàn với bố mẹ, rất ngoan ngoãn. Đương nhiên, cũng có lúc chúng nghịch ngợm nhưng mẹ Ý thường sẽ kiềm chế con bằng cách nghiêm khắc tăng âm lượng của giọng nói đói với chúng. Thường là chỉ đến 11 giờ, tất cả những em bé đó, hoặc là úp mặt vào đĩa spagetty ngủ say sưa hoặc nằm ngoan trong lòng mẹ, còn những bà mẹ Ý khi đó thì sẽ thong thả nhấp một chút rượu digestivo (một loại rượu mùi giúp tiêu hóa rất nổi tiếng của Ý).
Nếu như ở Việt Nam, khi vào nhà hàng, tôi thường thấy một số nhân viên tỏ ra rất khó chịu với trẻ em (thường là vì chúng rất quấy, hay khóc lóc, nghịch ngợm, quậy phá…). Tôi và chồng trong một lần về Việt Nam, cùng đi ăn với bạn bè tại mội nhà hàng cũng được coi lá khá nổi tiếng. Chúng tôi ai cũng mang theo xe đẩy và em bé. Nhân viên đã tỏ ra vô cùng khó chịu vì chật chội và một cô bạn của tôi còn phải cho con bú ngay trong nhà hàng nữa. Thực sự chúng tôi cảm thấy rất không thoải mái vì nhân viên tỏ ra khó chịu, không giúp đỡ.
Ở Rome thì khác, trẻ em, trẻ sơ sinh không những được phép vào nhà hàng mà còn được chào đón vô cùng nồng nhiệt. Không khó để thấy cảnh những người phục vụ trong nhà hàng cõng các em nhỏ trên lưng hoặc chạy đi lấy một mẩu bột bánh Pizza cho chúng nghịch. Mấy hôm trước, tôi và chồng có đến ăn tại một nhà hàng nhỏ nhưng rất nổi tiếng. Tất cả những khách đến mà không đặt bàn trước đều bị yêu cầu quay về. Vậy nhưng khi đến một cặp bố mẹ trẻ đi cùng với đứa con 6 tháng tuổi của mình, dù không hề đặt bàn, nhưng người quản lý đã đồng ý cho họ vào. Thậm chí anh ta còn đích thân đến xin lỗi những vị khác trong nhà hàng ngồi dịch lại để có chỗ cho nhân viên kê thêm một chiếc bàn nhỏ. Những khách ăn trong nhà hàng hôm đấy (bao gồm cả vợ chồng tôi) đương nhiên cũng không lấy gì làm khó chịu. Chúng tôi còn rất thích khi có thêm 1 em bé ở trong nhà hàng.
Trẻ em Ý đóng một ví trí quan trọng trong nền văn hóa và văn hóa cũng đặc biệt ảnh hưởng đến chúng. Tất cả người dân Ý đều yêu quí trẻ con. Người Ý mỉm cười với trẻ em trên xe buýt, họ nói chuyện với chún tại các quầy bán trái cây, nhưng khi trẻ em không ăn rau của mình trong một nhà hàng, không chỉ mẹ Ý mà tất cả mọi người đều sẽ nhắc nhở. Đó là lý do vì sao Paula, cô bạn thân người Ý của tôi là luôn thích đưa con đến những nơi công cộng, đặc biệt là hay rủ tôi và con trai cùng đến nhà hàng. Theo Paula, ở nhà hàng là nơi con cái có thể học được nhiều điều.
Tại đây con trai Paula đã học được cách ăn uống theo trình tự, biết nhai cả cá và măng tây (hai món ăn cậu nhóc rất ghét), biết cách cư xử nơi đông người và chia sẻ không gian chung với người khác.
Paula thường nói với tôi rằng: “Mẹ dạy con có thể không nghe, một người nói có thể không nghe, nhưng nhiều người nói thì sẽ có tác dụng lớn”. Quả đúng như vậy, khi nhìn thấy bạn bè xung quanh mình ăn cá và măng tây, David, con trai của Paula cũng đã bắt đầu thử ăn. Paula hào hứng kể với tôi rằng cuối tuần này, gia đình cô ấy sẽ đi tới một nhà hàng hải sản nổi tiếng, mặc dù David không hề thích cá. Tôi thì không đời nào làm thế. Tôi không muốn bữa tối vui vẻ ngoài nhà hàng sẽ thành cuộc chiến của hai mẹ con. Vậy nhưng Paula đã làm vậy, và cô nàng nhẹ nhàng giải thích với tôi “Có thể David không thích ăn, nhưng nó không có thái độ tiêu cực. Vậy là được.” Suy nghĩ về việc giáo dục con cái của mẹ Ý đơn giản như vậy đấy. Cô bạn Paula của tôi nói riêng và mẹ Ý nói chung, đơn giản chỉ quan niệm rằng ta cần ‘ném’ con mình ra với xã hội, tiếp xúc với nhiều người. Dạy con những bài học ở đấy. Bé sẽ tiếp thu tốt hơn và tự học được cách tận hưởng cho chính bản thân mình. Tôi nghĩ đây cũng là một bài học hay. Cách dạy này tốt hơn cho những đứa trẻ và cũng tốt cho cả những bà mẹ, có có thể thảnh thơi hơn, và chia sự dạy dỗ con cái của mình cho toàn xã hội. Như vậy, mẹ Ý cũng không lo mình cố bao bọc con bằng phương pháp dạy của riêng mình, để rồi khi đến tuổi đi học, đến trường lớp gặp bạn bè, con lại học và tiếp thu những điều không hay chưa được chọn lọc.
Tuy nhiên, Paula cũng nhắn nhủ với tôi rằng, đưa con đến các nhà hàng, là để bé có cơ hội quan sát tiếp thu chứ không phải là để so sánh. Mẹ tuyệt đối không được nói với con những câu như “Con nhìn bạn A, anh B..đang ăn cá kìa”. Phương pháp dạy con bằng cách so sánh, tạo ra sự ganh đua giữa trẻ nhỏ là hoàn toàn sai lầm. Ngược lại, ta cần khiến trẻ nhỏ chơi thân và kết thân với nhau thì hơn.
Tôi muốn chia sẻ thêm cho các bà mẹ trẻ hiện đại ở Việt Nam một cách dạy mà theo tôi là cũng khá thú vị. Không nên bao bọc con kỹ quá, cũng không nên nghiêm trọng hóa vấn đề. Hãy để con tự quan sát và học tập. Mẹ chỉ nên làm người bạn giúp trẻ định hướng thì hơn.