Ai cũng mong muốn con học giỏi nhưng không phải bà mẹ nào cũng dạy giỏi. Hãy tự trách mình trước khi mắng bé. Tôi có đọc được bài viết Bất lực vì con học dốt, tôi quả thật vô cùng đồng cảm với những buồn phiền cũng như cái sự ‘bất lực’ ấy. Vấn đề con học dốt đối với cha mẹ mà nói, luôn luôn rất đau lòng. Tôi cũng gặp không ít trường hợp như chị.
Hôm nay vừa đến chỗ làm, chưa kịp khởi động máy tính làm việc, cô bạn đồng nghiệp khá thân thiết của tôi đã lao ra ngồi kể lể câu chuyện về cậu con trai của cô ấy. Cậu bé Ben nhà cô ấy năm nay đang học lớp 2 tại một trường điểm quốc gia ở Hà Nội. Bố mẹ cậu bé rất đầu tư chăm chút cho việc học hành của Ben, đưa cậu theo học tại trường tốt nhất, tham gia tất cả các lớp học thêm mà thầy cô tổ chức, ai mách ở đâu có chỗ học viết chữ đẹp hay mẹo làm toán thông minh cô ấy đề cho con học thử. Nhưng hỡi ôi điểm của Ben lúc nào cũng chỉ lẹt đẹt lọt vào top 5, top 10….từ dưới đếm lên của lớp. Mỗi lần cô giáo gọi mẹ Ben đến nói chuyện là y rằng về cô ấy lại than thở với tôi, lại kêu trời không hiểu lý do vì sao con mình dốt vẫn hoàn dốt, trong khi bố mẹ từ xưa đến nay là con nhà có học, học hành tử tế, đàng hoàng, trong lớp luôn thuộc diện học sinh giỏi, khá. Chả nhẽ cái gen nó không thấm được vào máu của Ben chăng?
Nhưng sau khi tôi hỏi han kỹ càng cách dạy học Ben ở nhà của cô bạn tôi, thì tôi mới tá hỏa ra khi biết được các cách giáo dục mà cô ý đang áp dụng với Ben hoàn toàn phản khoa học. Nếu cha mẹ nào mà cũng dạy con như nhà cô ấy thì đúng là con cái chẳng thể nào ngúc ngoắc học khá hơn được. Tôi xin chia sẻ với các mẹ một vài sai lầm kinh điển của các bậc làm cha mẹ khi dạy con học, mà có khi tại chính cha mẹ nên con mình mới học kém.
Có rất nhiều các vị phụ huynh mắc phải một sai lầm cơ bản. Họ nghĩ chỉ cần tìm đủ mọi cách cho con vào trường tốt, trường điểm, trường chất lượng cao, có thành tích học tập từ xưa đến nay luôn vào dạng nhất, nhì thành phố, cơ sở vật chất tiên tiến, hiện đại. Quan niệm “chỉ cần trường giỏi, giáo viên giỏi thì con mình chắc chắn sẽ học giỏi” dường như ăn sâu vào tư tưởng của các bà mẹ Việt, đặc biệt là các chị em có con nhỏ sống ở các thành phố lớn. Họ phó mặc cho nhà trường trong việc dạy học cho con. Nếu con mình học kém, không có điểm cao, đấy là do giáo viên giảng chưa tốt, chưa kể một phần do mẹ tin tưởng và bao che cho con cái mình. Ví dụ điển hình nhất chính là cu Ben mà tôi kể ở trên.
Trước đây Ben theo học tại một trường công khá có tiếng của Hà Nội, sau bao “công sức gian nan” của bố mẹ, cháu được vào lớp của cô Bình, là giáo viên dạy tiểu học số một của trường này. Bố mẹ Ben rất yên tâm, chắc chắn khi học lớp cô Bình, Ben sẽ phát huy được tối đa khả năng vốn có của bé. Nhưng không hiểu sao mỗi lần cô Bình trả bài kiểm tra ở lớp về cho Ben, điểm của Ben chưa bao giờ vượt được con số 5 . Lúc thì cô phê là chữ cẩu thả, lúc thì làm toán sai be bét. Về nhà Ben nhún vai bảo mẹ con chỉ được điểm kém thôi và nói ngay tại cô cố tình cho bài khó. Lúc nào Ben cũng có lý do để đổ tại.
Cô bạn tôi không quan tâm, sát sao đến chuyện học hành chi tiết của con, chỉ nghe con kể lại hàng ngày hôm nay học môn gì, rồi lại nghe cháu trình bày điểm kém tại cô không giảng kỹ, tại bài quá khó. Thế là ngay lập tức cáu gắt lên, cho rằng lỗi tại trường, tại cô rồi nhất quyết cho Ben chuyển trường. Ai dè có chuyển đến trường chuẩn quốc gia, có nổi tiếng đến mấy, Ben học dốt vẫn hoàn dốt.
Bài học ta rút ra ở đây là: Việc giáo dục và dạy con kiến thức, nhà trường 6,7 phần thì cha mẹ cũng phải 3,4 phần.
Ép trẻ con học, khoán học theo thời gian
Lại lỗi sai liên tiếp lỗi sai: Sau bao lời khuyên của bạn bè và những người có kinh nghiệm, cô bạn tôi bắt đầu để ý đến chuyện học hành của Ben hơn. Mỗi tối nàng ta bắt Ben phải ngồi vào bàn học 2 tiếng đồng hồ. Từ 8 giờ tối sau khi ăn xong, đến 10 giờ trước khi đi ngủ. Nếu không ngồi vào bàn học đủ 2 tiếng, cô bạn tôi không cho Ben làm bất cứ một việc gì khác. Tôi thấy cô bạn không hiểu được rằng, nếu trẻ em bị bắt ép phải làm một điều đó mà nó không thích, sẽ nảy sinh ngay lập tức thái độ chống đối. Với kiểu khoán thời gian này của mẹ, Ben chỉ ngồi vào bàn, làm mấy phép tính và tập viết đối phó rồi làm đủ mọi thứ khác để thời gian trôi đi. Ben biết bố mẹ không bao giờ kiểm tra bài tập của mình. Kết quả Ben vẫn chẳng thể học khá lên được là bao.
Bài học rút ra ở đây là: Học mấy tiếng không quan trọng, quan trọng là học được bao nhiêu.
Không chấp nhận khả năng của con
Không phải đứa trẻ nào sinh ra cũng là thần đồng. Mỗi một em có một tố chất và tính cách riêng. Vì thế mà có trẻ học giỏi ngôn ngữ, có trẻ khá nhanh nhạy trong tính toán, có em lại phát huy sở trường đặc biệt trong các môn mỹ thuật hay thể dục, thể thao. Vậy nhưng vẫn có những bậc cha mẹ không chấp nhận khả năng thật sự của con, không để cho con được theo học những môn mà con yêu thích, lại bắt con phải giỏi cả những môn khác vì “bạn nào cũng học giỏi môn đó, trừ con”. Nếu không biết chấp nhận khả năng của con, đặt kỳ vọng quá cao vào trẻ, vô hình chung bố mẹ đã tạo một áp lực không tên lên con cái mình. Học chỉ để bố mẹ vừa lòng, học sống học chết để được bố mẹ công nhận mà không có bất cứ một chút hứng thú nào, có thể trước mắt các bé sẽ đạt điểm cao để làm hài lòng mẹ mình, nhưng về lâu về dài bé sẽ không thể giữ mãi một phong độ học hành như thế.
Bài học rút ra ở đây là: Hãy cố gắng phát huy năng khiếu và khơi gợi niềm đam mê của con, một cách nhạy cảm nhất.
Luôn đặt con lên bàn cân để so sánh
Đây rõ ràng là một sai lầm kinh điển của các bậc làm cha mẹ. Mỗi khi Ben không làm vừa ý mẹ, cu cậu có cố đến mấy điểm vẫn chỉ ở mức trung bình, tôi lại thấy cô nàng thốt lên “trời ơi sao Ben không bao giờ được điểm 7, điểm 8 như Tít con cậu nhỉ?”, “ mình tốn bao nhiêu tiền cho con học mà con học vẫn kém, chả bù thàng Tít con cậu có cần đi học thêm nhiều như Ben đâu mà học vẫn giỏi”,… rồi rất nhiều những câu nói so sánh khác giữa cu Ben và cu Tít. Cô bạn nói thế với tôi, và tôi cam đoan nàng ta cũng thường xuyên ‘than thở’ như vậy trước mặt con trai mình.
Cô ấy không nhận ra mình đã vô tình làm tổn thương trẻ. Cách thức này không khuyến khích trẻ học giỏi lên được, mà chỉ làm cho các bé trở nên tự ti hơn, thu gọn mình lại hơn và không có bất cứ một động lực nào để phấn đấu.
Bài học ở đây là: Hãy tạo ra cho trẻ động lực phấn đấu, đừng biến chúng thành đối thủ cạnh tranh của nhau.
Ai cũng mong con cái mình có thành tích tốt ở trường để có thể đem con đi khoe khắp nơi. Nhưng nếu không có sự quan tâm sát sao đến việc học của con, không tham gia cùng con trong những tiết học hàng ngày tại nhà, và nhất là không có sự tin tưởng ở con cái thì chắc chắn các bé yêu sẽ không có niềm hứng thú để phấn đấu. Trẻ em luôn cần người lớn hướng dẫn, chỉ bảo. Hãy dạy con bằng tất cả tình yêu thương, con sẽ cảm nhận được và sẽ luôn cố gắng để bố mẹ tự hào.