Trong y học dân gian đa phần các kinh nghiệm sử dụng cây thuốc là đúng, nhưng lưu ý kinh nghiệm đó cần kiểm chứng lâu đời và thường phải được ghi trong các sách thuốc
Tôi rất đồng ý với ý kiến của PGS.TS. Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng Khoa Nhi, BV Bạch Mai (Hà Nội) đã cảnh báo các bà mẹ về tắm nước Dừa và TS. Vũ Mạnh Hùng, Phó giám đốc BV Da liễu Hà Nội về tắm lá Trà xanh. Tuy nhiên, trong y học dân gian đa phần các kinh nghiệm sử dụng cây thuốc là đúng, nhưng lưu ý kinh nghiệm đó cần kiểm chứng lâu đời và thường phải được ghi trong các sách thuốc như: Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam (GS.TS.Đỗ Tất Lợi) hoặc Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam (Đỗ Huy Bích và Cộng sự) và một số tạp chí chuyên ngành y dược học khác. Còn việc truyền khẩu “vô tuyến truyền mồm” từ người này sang người khác thì độ tin cậy rất thấp, đặc biệt là các sản phẩm dùng cho trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ.
Nếu nói là thuốc để chữa bệnh thì bắt buộc phải có liều dùng, thời gian dùng, cũng như cách dùng…nhưng y học truyền khẩu thì thường không có. Do đó nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe của bé là rất cao, không chỉ là lở loét mà thậm chí gây tử vong cho trẻ.
Đi sâu vào quan niệm dùng nước Dừa để tắm trắng ta thấy, y học truyền khẩu của người dân đã hiểu sai và dùng sai như thế nào?
Tại sao lại có quan niệm là nước Dừa rất tốt cho sức khỏe, kể cả việc tắm cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ?
Trong thời kỳ chiến tranh, Viện Quân y 108 đã nghiên cứu thành công và sử dụng nước Dừa còn non, thêm glucose hoặc NaCl một lượng thích hợp thay cho các dịch tiêm truyền tĩnh mạch và pha một số thuốc tiêm như novocain, streptomycin và được coi như vô khuẩn nếu quả Dừa còn nguyên vẹn. Do đó, người dân có thể hiểu lầm nước Dừa là một loại nước siêu sạch nên dùng tắm cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ (rất quý) và có nhiều acid amin, vitamin nhóm B (như Biotin tốt cho da, tóc…). Quan niệm này là hoàn toàn sai do:
Theo Đỗ Tất Lợi (2006) thì nước Dừa chứa 1- 2% oza (tức là đường) và polyol (Sorbitol), các acid hữu cơ (acid malic) và rất hiều acid amin và Nguyễn Huy Bích (2004) thì nước Dừa chứa: 95,5% nước, 0,1% protein, 0,1% mỡ, chất vô cơ 0,4%, carbonhydrat 4,0% (trong đó có đường), Calci 0,02%, Phospho dưới 0,01%, sắt 0,5%mg%, nhiều acid amin (arginin, alanin, cystein và serin), vitaminC 2,2- 3,7%, nhiều vitamin nhóm B (acid nicotinic 0,61%, acid pantothenic 0,52%, biotin 0,02%, riboflavin dưới 0,01%, acid folic 0,003µg/ml và thiamin). Nước Dừa có tác dụng tiêu khát, lợi tiểu, giải nhiệt, giải độc, cầm máu. Nước Dừa theo đường uống là chất bổ dưỡng và giải khát, chữa sốt nóng, sởi, tiêu chảy, kiết lỵ, đau da dày, có tác dụng kích thích sự phát triển của tế bào nên được dùng trong nuôi cấy mô. Dùng nước dừa làm mềm, bóng và đen tóc, hoặc trộn với dịch ép Tỏi tây rồi bôi làm thuốc dưỡng da.
Vậy tại sao không nên dùng nước dừa tắm cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ:
Do có tác dụng kích thích sự phát triển của tế bào, nước dừa có thể gây tăng sinh quá mức một số dòng tế bào gây ra sự phát triển không bình thường, đặc biệt trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ sức đề kháng rất kém, nếu tắm nhiều và lâu ngày có thể gây ra hậu quả khó lường (K). Do đó, không nên dùng cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.
Hơn thế nữa, nếu tắm nước dừa ở nồng độ đậm đặc, do quan niệm là nước Dừa siêu sạch nên tắm xong không tắm lại bằng nước khác. Vậy vô tình đã để lại một hàm lượng đường và acid amin trên da trẻ, đây là môi trường thuận lợi cho vi khuẩn, vi nấm phát triển, gây ra viêm da, nhiễm trùng da và các bệnh nấm.
Vậy tại sao lại dùng nước dừa trộn với dịch ép Tỏi tây lại bôi lên da được?
Trong dịch ép của Tỏi tây có tinh dầu và rất nhiều chất kháng khuẩn, kháng nấm và virus, cũng như có nhiều chất chống oxy hóa, do đó có thể hạn chế được các dòng vi khuẩn, nấm mốc, virus tấn công, không tạo ra môi trường thuận lợi cho vi khuẩn, nấm phát triển.
Kinh nghiệm dưỡng da này, chỉ sử dụng cho làn da người đã trưởng thành, không sử dụng cho trẻ em.
Do đó, các bà mẹ là những người sử dụng sản phẩm thông minh cần lựa chọn những sản phẩm được chỉ rõ liều dùng, công dụng và cách dùng. Đặc biệt cần có các bằng chứng khoa học đã chứng minh tác dụng của sản phẩm.
daybe.net đã bình luận
Vậy mà lâu nay mình cứ nghĩ nước dừa tốt cho bé chứ. May mà lúc sinh con mình không thể tìm đâu ra nước dừa để tắm cho bé