Một buổi sáng thức dậy, phát hiện thấy “con chim” của bé Bin dựng ngược lên, chị Nguyệt Anh (quận 3, TP HCM) lo lắng, không thể làm việc nổi suốt ngày hôm đó. Chẳng lẽ cậu con trai 4 tuổi của chị đã “dậy thì”?
Chia sẻ trong buổi nói chuyện: “Giáo dục giới tính cho trẻ” do Hội quán các bà mẹ tổ chức, bác sĩ nhi khoa, thạc sĩ tâm lý Nguyễn Lan Hải cho rằng khi nhìn nhận vấn đề giới tính của con trẻ, cha mẹ thường hay bị căng thẳng quá mức vì áp dụng những tiêu chí của người lớn vào con trẻ. Bà cũng từng gặp một người mẹ mặt mũi tái mét khi bước vào phòng riêng của cô con gái 5 tuổi, chứng kiến cảnh cậu bé hàng xóm nhảy ngựa trên người con gái mình. Thực ra ở lứa tuổi mầm non, các bé hoàn toàn không có ý thức giới tính như người lớn. Cha mẹ không nên quá lo lắng mà nghĩ rằng con mình cũng suy nghĩ và hành động “bậy” như người lớn rồi quát tháo, đánh mắng con.
Trở lại trường hợp của bé Bin, bác sĩ cho rằng rất nhiều trẻ em trai có hiện tượng đó, chủ yếu là do các bé đã tích nước tiểu cả đêm. Và cách giải quyết hợp lý nhất cho các bà mẹ trong trường hợp này là cho bé đi tiểu trước khi đi ngủ và ngay khi thức dậy mỗi sáng. Bữa tối cũng không nên cho bé ăn những món lợi tiểu.
Trẻ em mầm non vô tư và ngây thơ trong những vấn đề giới tính nhưng không có nghĩa là người lớn cũng được phép vô tư bỏ mặc giáo dục giới tính cho các bé. Theo bác sĩ Lan Hải, mục đích chung nhất của giáo dục giới tính trong mọi lứa tuổi là giáo dục nhân cách phù hợp với giới tính và lứa tuổi của mỗi cá nhân. Giáo dục giới tính cần được tiến hành từ lúc trẻ còn nhỏ và không thể đồng nhất với giáo dục tình dục.
Trẻ mầm non đang ở vào giai đoạn tâm lý tính dục đặc biệt – thời kỳ nụ hoa tính dục. Giáo dục không đúng có thể gây hậu quả con trai nữ tính hóa hay con gái bị nam tính hóa, biến thái tình dục sau này… Và dưới đây là một vài lỗi của cha mẹ khi giáo dục giới tính cho trẻ mầm non:
Cưng nựng vùng kín và khoe da thịt của con
Khi đón con trai chào đời, rất nhiều ông bố tranh thủ chụp ảnh khoe con có “hàng to như phích”. Điều đó thật vui vẻ. Nhưng đến khi bé bắt đầu biết nhận biết, bố mẹ vẫn khoe con, rồi cựng nựng vùng kín của con, nếu quá đà có thể tạo ra một người lớn biến thái, thích “khoe hàng” trong tương lai. Khi bé trai phát hiện mình có con chim nhỏ mà bé gái không có, nó có thể lấy làm hãnh diện và nảy sinh ý muốn khoe khoang. Khi người nhà quá cưng nựng đề cao, đứa trẻ càng tỏ vẻ tự hào. Nếu giáo dục không đúng sẽ ảnh hưởng đến khuynh hướng tình dục sau này: lệch lạc tình dục, tình dục lộ thiên, luyến ai giả trang, bái vật dục, thị dâm.
Và khi chính bé chủ động sờ chỗ kín của mình thì cha mẹ lại lo lắng và đánh mắng con. Nếu thấy con sờ chim, cha mẹ và người nhà nên làm lơ, không nói gì đến chim, không cấm đoán, mà kéo sự chú ý của con đến việc khác. Để tránh việc bé sờ mó, cha mẹ không để bé cởi truồng, thậm chí có thể cho bé mặc quần chật và dày một thời gian để bé quên hẳn việc sờ mó. Những lúc bé tắm hoặc thay đồ, cha mẹ có thể cho bé cầm một món đồ yêu thích mới lạ, để bé không rảnh tay sờ được. Bạn nên nhớ phải là đồ chơi mới, bởi nếu là đồ cũ thì bé cầm thấy không vui bằng sờ chim.
Cha mẹ hớ hênh trước mặt con
Cha mẹ thường nghĩ trẻ mầm non còn bé không biết gì nên nhiều khi rất hớ hênh trước mặt con. Nhiều người lại nghĩ nó là con mình, chính mình “banh da xẻ thịt” đẻ nó ra… nên không chú ý giữ gìn, ở nhà mặc thiếu kín đáo, mẹ đang tắm nhờ con trai lấy giùm cái khăn lau người, vợ chồng sinh hoạt khi chung giường với con, cha mẹ tranh thủ tắm rửa cho hai con khác giới cùng một lúc…
Những hành động vô ý của bố mẹ này có thể khiến bé tò mò nảy sinh ý muốn khám phá, nhìn trộm. Về lâu dài, bé sau này có thể có những hành vi lệch lạc tình dục hoặc sai lầm khi đánh giá người khác giới. Còn ngay trước mắt, cha mẹ có thể sẽ gặp rất nhiều tình huống xấu hổ khi con trẻ đòi khám phá bố mẹ giữa chỗ đông người hay bô bô đi kể những gì bé được chứng kiến.
Giải pháp: Ở nhà, bố mẹ cũng phải nên ăn mặc lịch sự, nếu nhà có con gái, bố không nên cởi trần. Bố mẹ muốn “hoạt động” thì phải tránh xa tầm mắt của trẻ em. Và tuyệt đối không tắm chung các con khác giới tính với nhau…
Ngượng ngùng và căng thẳng khi con tò mò những vấn đề giới tính
Con trẻ tò mò về tất cả mọi thứ. Hầu như bé nào cũng có thắc mắc “Tại sao có con trên đời”, “Con ra đời như thế nào, ở đâu”, “Tại sao bạn này là con trai, còn bạn kia là con gái”, “Tại sao người lớn lại khác trẻ con”… Tuy nhiên, nhiều bố mẹ vốn đầu óc không trong sáng lại nghĩ ngay đến chuyện giới tính, sau đó thì đỏ mặt và trả lời con linh tinh cho qua chuyện.
Vào lứa tuổi này, tính hiếu kỳ phát triển mạnh, rất hay hỏi là đặc điểm của trẻ, biểu hiện nguyện vọng và hứng thú mạnh để nhận biết thế giới bên ngoài. Nếu trẻ không nhận được lời giải thích chính xác sẽ mất đi nhiệt tình tìm hiểu khám phá hiện tượng sự vật xung quanh, sau đó, trẻ chỉ dựa vào trí tưởng tượng suy đoán lung tung. Nếu trả lời vớ vẩn, bố mẹ sẽ khiến trẻ hiểu sai vấn đề, không những chẳng giáo dục được gì mà có thể còn làm hại con.
Duy trì tính hiếu kỳ là bảo vệ động lực nhận biết thế giới của trẻ. Khi trò chuyện về giới tính với con, bố mẹ cần lưu ý: Thái độ tự nhiên ôn hòa, thẳng thắn, không nói dối, không cần trả lời quá tỉ mỉ; Giải thích ngắn gọn về cơ quan sinh dục, khuyên trẻ tự bảo vệ mình như thế nào, không thể tùy tiện đùa nghịch vùng kín; Trả lời kiên quyết rõ ràng, không nên dài dòng liên tưởng; Nên nói nhẹ nhàng, không gây cảm giác sợ hãi, thần bí.
Cư xử không đúng giới tính của trẻ
Có những người mẹ mê con trai quá, khi mang thai, dù siêu âm là con gái nhưng vẫn hy vọng bác sĩ nhầm, vẫn về nhà mua ảnh thằng cu treo đầu giường, hy vọng con ra đời sẽ giống nhân vật. Đến khi bé ra đời, nhìn rõ là con gái rồi nhưng mẹ vẫn mong đó là con trai, mua quần áo con trai cho bé mặc. Rồi thỉnh thoảng ao ước giá như bé là con trai. Mẹ mong con trai nhiều quá đến mức bé nghĩ rằng, chỉ là con trai, bé mới mang lại niềm vui, hạnh phúc cho bố mẹ. Và bé quyết tâm trở thành con trai để làm vui lòng bố mẹ. Bé tẩy chay hình dáng con gái của mình và khi trưởng thành, bé đòi đi chuyển giới.
Ngược lại, các bé trai ở lứa tuổi mầm non thường được sống trong môi trường âm thịnh dương suy. Ở nhà, thường mẹ và bà là người chăm sóc và vui chơi với bé nhiều hơn bố. Đến lớp mầm non, giáo viên chủ yếu là các cô. Vì thế, theo bác sĩ Lan Hải, để các cậu bé nam tính hơn, các ông bố cũng rất cần tham gia vào các hoạt động của con.