Cuộc sống vợ chồng cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt, đã hệ luỵ đến cô con gái bé bỏng của tôi mà tôi không hay biết…
Hôm nay lên mạng đọc báo, tôi vô tình thấy chị em đang xôn xao những bài viết Ông bà nội yêu cháu, tôi quyết ly dị và cả bải báo phản hồi của một chị độc giả: Nuôi con không hợp là bỏ, nông cạn!. Tôi có kiên nhẫn đọc hết các comment tranh luận của các mẹ, đa số ủng hộ hướng giải quyết ly hôn và chê bai người phụ nữ viết bài báo phản hồi là sống hèn nhát. Tôi không ủng hộ, cũng không muốn bàn nhiều về vấn đề có nên ly hôn vì con hay không. Tôi chỉ muốn kể ra đây câu chuyện của bản thân mình, về tác hại của những lần vợ chồng cãi vã đến trạng thái tâm lý và tình cảm của con cái.
Từ hồi sinh bé My đến bây giờ, hai vợ chồng tôi thường xuyên xảy ra bất hoà. Không vì công việc ở cơ quan nhiều căng thẳng mang về nhà giận cá chém thớt thì cũng vì những rắc rối trong quan hệ gia đình, rồi ngay cả những chuyện lặt vặt như tối nay ăn gì, mai sẽ đi đâu, ai đưa con đi học cũng có thể khiến tôi và chồng nặng lời với nhau. Cũng như chồng, tôi cũng phải đầu tắt mặt tối với công việc ở cơ quan, về nhà đón con xong sấp sấp ngửa ngửa nấu nướng dọn dẹp nhà cửa. Lẽ dĩ nhiên, tôi không thể chu toàn tất cả mọi việc như hồi tôi còn nghỉ ở nhà được. Nhưng không hiểu sao anh ấy càng ngày càng trái tính trái nết, chỉ vì một cái áo chưa là, anh ấy có thể sẵn sàng nói tôi là “loại vợ vô trách nhiệm”, hoặc thịt kho hơi mặn tôi cũng ngay lập tức bị dán mác “vô dụng, có bữa cơm nấu cũng không xong”. Những hôm tôi bận việc không về sớm đón con được phải nhờ anh ấy thì những gì tôi nhận được là “cô tự đi mà đón con, kiếm được mấy xu mà có mỗi việc đi về sớm đón con cũng phải nhờ vả người khác, bận thì để nó tự đi bộ về cho khoẻ người.”
Trước kia, nghĩ đến My còn bé, hai vợ chồng tôi có chuyện gì cũng đóng cửa bảo nhau, đợi con đi ngủ rồi nói gì mới nói. Nhưng dần dần, những mâu thuẫn lớn lên, tình cảm thì dần nguội lạnh, chồng tôi không còn làm chủ được bản thân nữa. Đã có bao lần đang trong mâm cơm vì giận tôi mà anh ấy sẵn sàng ném bát ném đũa trước mặt My làm bé hoảng sợ. Rồi những lần anh ấy về muộn say xỉn văng tục, nói những từ ngữ vô văn hoá thì người chịu trận không chỉ là tôi mà còn là My nữa. Và đến tôi, người luôn cố nhịn nhục vì con cũng bị kéo theo cái mạch cảm xúc giận dữ ấu trĩ đó của chồng. Có lần không chịu nổi, tôi “tay bo” với chồng mình. Kết cục tôi nhận được không chỉ là những thâm bầm trên mặt mũi và chân tay mà điều đau đớn hơn là tôi đã để cho con gái mình chứng kiến cảnh xô xát đó. Nghĩ con còn bé, chưa nhận thức được gì nhiều, tôi tưởng con sẽ sớm quên những cảnh tượng, những lời nói đó và sẽ không bị ảnh hưởng gì.
Ngày qua ngày, tôi dần bị nhấn chìm trong cơn trầm cảm, uất ức. Tôi đã quên bẵng đi việc chăm sóc con gái mình cho đến khi cô giáo chủ nhiệm của My gọi điện về cho tôi hẹn một cuộc gặp trao đổi. Tôi đã rất bất ngờ vì từ trước đến giờ My là một cô bé ngoan, chăm chỉ và biết nghe lời, trong lớp được bạn bè thầy cô yêu quý. Nay cô giáo gọi điện về nhà như vậy, tôi băn khoăn không biết con gái mình đã phạm lỗi lầm gì nghiêm trọng? Sáng hôm sau, khi tôi đến gặp cô chủ nhiệm, những gì cô giáo trao đổi với tôi thực sự làm tôi chết đứng. Thời gian gần đây, con gái tôi thường xuyên có những biểu hiện rất cục cằn đối với các bạn, và dùng những từ ngữ “đường phố” để cãi cọ với các bạn, ví dụ như hôm qua My đã gọi các bạn là “đồ khốn nạn, đồ mất dạy” khi đang cùng nhau chơi đuổi bắt. Con cũng có vài lần tát bạn, đánh bạn khi giằng nhau đồ chơi. Hôm khác, trong bữa ăn vì có món súp cháu không thích, My đã hất đổ cả bát súp và gọi đó là món “cho chó ăn”. Với các cô giáo, con cũng thường xuyên có thái độ chống đối và bất hợp tác. Những câu từ My nói thực sự không phù hợp với một tôi bé mới có 5 tuổi, và nó cũng hoàn toàn không giống tính cách của cháu từ trước đến nay.
Tôi như chết lặng khi nghe những gì cô giáo nói. Hoá ra từ trước đến nay, chon đã ghi nhớ một cách vô thức những gì bố mẹ nói với nhau. Những từ ngữ “ghê sợ” kia là do chính tôi, chính vợ chồng tôi đã tiêm nhiễm vào trong tâm hồn thơ ngây và trong sáng của My. Từ trường con về nhà, nước mắt tôi lã chã rơi trong sự dằn vặt tội lỗi. Dần dần điểm lại những gì đã qua, tôi mới nhận ra con đã có nhiều dấu hiệu lạ ngay cả ở nhà chứ không cần phải đến trường, chỉ là do tôi đã quá vô tâm, tôi đã quá vùi mình vào những đau khổ vô bổ mà bỏ rơi chính con gái của mình. Đã có những lần tôi nằm ngủ cạnh My, con thủ thỉ: “Bố mẹ ơi, bố mẹ có yêu nhau không. Bố mẹ có yêu con không? Bố mẹ có muốn có con không?”. Câu hỏi của con thơ như xát muối vào lòng tôi, nhưng tôi lại không nhận ra những khúc mắc, những câu hỏi đó đã bộc lộ phần nào sự bất ổn về tâm lý của chính con gái mình.
Tôi chợt nhớ đến chủ nhật tuần trước, ngày hiếm hoi tôi cho My về nhà bà ngoại chơi. Bà hỏi My ở nhà cháu có vui không, thế mà con đã oà khóc nức nở không nói được lời nào chỉ có những tiếc nấc nghẹn lên. Lúc đó tôi cũng nghĩ con buồn, nhưng không ngờ rằng nỗi buồn đó đang ăn dần vào tâm trí trẻ thơ của con. Quả thật, dạo gần đây tôi rất ít khi thấy con cười. My không còn hứng thú với các trò chơi yêu thích trước kia, ngay cả đi công viên, rạp phim con cũng không thiết tha. Những bạn gấu bông cũng bị My dẹp vào xó. Những bức tranh con vẽ tươi sáng ngày nào giờ chỉ khô khốc một màu ảm đạm, con không vẽ gia đình, cháu chỉ vẽ riêng từng người với một màu trầm buồn.
Tôi dằn vặt lắm, tôi đau khổ lắm. Vì đó là lỗi của tôi, hơn ai hết, đó chính là tôi đã khiến con gái mình trở thành thế này. Cô con gái vui tươi trong sáng đáng yêu của tôi ngày nào giờ đã bị cuộc hôn nhân của bố mẹ “đầu độc” trở nên hay cáu gắt, gây hấn, cục cằn. Tôi đã muốn nói chuyện với My nhưng cháu hoàn toàn không muốn tâm sự với tôi.
Tôi muốn đưa con đi thật xa, tôi muốn chuộc lại lỗi lầm của mình, tôi muốn giành lại cho con tôi một tuổi thơ hạnh phúc. Tôi sợ nếu để lâu, con sẽ dần tự kỉ, thu hẹp mình vào thế giới riêng và không còn muốn tiếp xúc giao du với thế giới bên ngoài nữa. Liệu tôi có nên ly hôn? Nếu như vậy, con sẽ khá hơn hay càng thêm trầm cảm?