Trung tâm Y tế Dự phòng TP Hồ Chí Minh cho biết, trong thời gian gần đây, số trẻ em nhập viện tại các Bệnh viện Nhi Ðồng 1, Nhi Ðồng 2 và Bệnh viện Bệnh nhiệt đới do bệnh tay – chân – miệng tăng cao, riêng Bệnh viện Nhi Ðồng 1 trong tuần qua đã điều trị khoảng 100 ca tay – chân – miệng.
Tính đến nay, thành phố có khoảng 660 trẻ em mắc bệnh tay – chân – miệng tăng hơn 50% so với cùng kỳ năm 2009. Nắng nóng kéo dài là điều kiện cho các bệnh truyền nhiễm tăng cao: bệnh sốt phát ban, tiêu hóa, viêm não, viêm màng não, bệnh tả, tay – chân – miệng…
Theo bác sĩ Nguyễn Ðắc Thọ, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng thành phố, hai tuần qua thành phố đã có năm ca nhiễm bệnh tả. Ðến nay, các bệnh tả và tay – chân – miệng vẫn trong tầm kiểm soát, nhưng năm nay nắng nóng kéo dài, nguy cơ bùng phát dịch bệnh là rất cao.
Trước diễn biến phức tạp của thời tiết, Sở Y tế thành phố đã triển khai các biện pháp phòng, chống các dịch bệnh có thể xảy ra trong mùa khô này. Một trong những biện pháp cấp bách là giám sát nguồn nước sinh hoạt. Hiện nay, toàn thành phố có khoảng 15% số hộ dân thiếu nước sạch, phải dùng nước từ các nguồn nước khác nhau, chưa bảo đảm vệ sinh, đó là nguy cơ lây lan các bệnh về tiêu hóa tại huyện Nhà Bè, Hóc Môn, quận bảy, quận tám, Thủ Ðức… Ðể bảo đảm nguồn nước sạch, Trung tâm Y tế Dự phòng thành phố đã cung cấp hóa chất Cloramin khử khuẩn trong nước, bảo đảm an toàn cho người dân khi sử dụng. Người dân có thể tới các trung tâm y tế xã, phường để được hướng dẫn và cung cấp miễn phí hóa chất này.
Bên cạnh đó, trung tâm y tế dự phòng chỉ đạo trung tâm y tế các quận huyện, trạm y tế xã, phường khoanh vùng, tiến hành khử khuẩn môi trường những khu dân cư có nguy cơ mắc các bệnh về tay – chân – miệng ở trẻ em.
Thành phố chuẩn bị các dụng cụ, vật tư hóa chất đủ sức ứng phó khi có dịch bệnh xảy ra.
Kết hợp với Tháng vệ sinh an toàn thực phẩm được triển khai từ ngày 15-4 đến 15-5, Sở Y tế thành phố tăng cường kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, ăn uống. Tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh tới từng hộ dân, các khu dân cư. Người dân cần ăn chín, uống sôi, sử dụng các nguồn thực phẩm còn tươi. Tăng cường công tác vệ sinh cá nhân, rửa tay trước khi chế biến thực phẩm và ăn uống, giữ sạch sẽ nơi ở để tránh các bệnh do vi-rút lây lan.