Không khó để bố mẹ phát hiện tiềm năng của con mình với 4 cách đơn giản sau đây!
Để bé làm chủ trí tuệ của mình
Dù chỉ là một đứa trẻ nhưng hãy coi bé như một thực thể độc lập, có cá tính riêng và tiềm năng thiên bẩm không bị giới hạn. Bạn chớ nên có tư tưởng người khác làm thế nào, mình cũng làm y như thế trong việc giáo dục con. Bởi mỗi đứa trẻ đều có ưu khuyết điểm của riêng mình, cần cho bé một không gian tự do để phát triển và bộc lộ những thế mạnh bản thân, đồng thời phát hiện hạn chế của mình qua những sai sót, từ đó bé sẽ rút ra bài học kinh nghiệm để tự sửa chữa.
Khuyến khích lòng tự tin “bám rễ” bền chặt trong tâm lý
Khuyến khích bé nói hoặc có ý nghĩ: “Mình có thể làm được việc này” hay chính bạn luôn có tư tưởng và nói với con: “Con có thể làm được việc này” chính là con đường đúng đắn dẫn đến và bồi dưỡng sự tự tin từ sâu trong lòng bé. Hãy kiên nhẫn quan sát bé trong mọi hoạt động để phát hiện tố chất, tiềm năng của bé. Từ đó có sự động viên, khích lệ bé trong những trường hợp cụ thể.
Các nhà khoa học cho biết khi được động viên, khen ngợi, não người sẽ tiết ra chất dopamine có tác dụng gây sự hưng phấn tích cực cho trung khu thần kinh, khiến con người nảy sinh ý nghĩ: “Lần sau mình còn làm được tốt hơn”. Đối với trẻ em, điều này có nghĩa là bé sẽ phấn đấu, nỗ lực hơn nữa khiến tiềm năng ngày càng được bộc lộ và phát huy.
Cùng một sự việc nhưng có thể có nhiều cách làm khác nhau, vì vậy trong một số trường hợp cách làm của bạn chưa chắc đã đúng hoàn toàn. Hiểu được điều này, bạn không nên vội chỉ trích, la mắng khi bé chưa hoàn thành hay chưa làm được việc nào đó.
Theo các chuyên gia tâm lý, cách tốt nhất là trước hết bạn phân tích cho bé thấy những lợi thế của bé khi thực hiện công việc đó, chỉ ra những điểm tốt và chưa tốt (nhấn mạnh: “chưa tốt”, không có nghĩa là xấu) trong việc bé vừa làm, cuối cùng chỉ ra rằng nếu làm thêm lần nữa chắc chắn bé sẽ làm được và làm tốt hơn. Cách làm này gần giống với phương pháp “bánh mỳ kẹp” của trong cách dạy con của người Nhật Bản: phê bình con theo cấu trúc “khen – chê – khen/khuyến khích” (chúng ta thì thường theo cấu trúc “chê – chê – chê”, tiến bộ hơn một chút là “chê – khen – chê).
Khám phá và bồi dưỡng tiềm năng của trẻ theo lứa tuổi
Bạn cần tìm hiểu những kiến thức về quá trình phát triển của trẻ nhỏ để trong mỗi giai đoạn lại “đặt ra” mục tiêu cho con. Từ 0 – 3 tuổi là giai đoạn bé khám phá thế giới xung quanh, học cách nhận biết đồ vật, điều khiển tứ chi…
Lứa tuổi mầm non làm quen với môi trường nghe, đọc, viết tại nhà, trong đó cần tiếp xúc với nhiều loại hình dạng, kết cấu, màu sắc của cùng một đối tượng. Từ 7 – 11 tuổi, vùng não quản lý kỹ năng vận động của bé phát triển mạnh, nhiều bé ở độ tuổi này bắt đầu quan tâm và đam mê với các môn thể thao. Ngoài ra, từ 9 tuổi trở đi tư duy logic phát triển mạnh và dần dần mở rộng.