Thấy mẹ đẻ bưng bát móng giò hôm thì hầm với đu đủ, hôm thì nấu canh cùng hoa atiso, hôm khác lại ninh nhừ cùng lạc bắt ăn sáng để có nhiều sữa cho con mà Lê phát “ọe”.
Vì sinh mổ nên Lê bị mất gần 2 tuần đầu sữa chưa về. Mẹ đẻ Lê ở quê lên chăm con gái và cháu ngoại, ngày nào bà cũng tẩm bổ cho Lê bằng món móng giò để mau có sữa mà cho con bú. Gần một tháng “vật vã” với móng giò, giờ chưa nhìn thấy, chưa ngửi thấy mà hễ ai nhắc tới tên “móng giò” là Lê thấy sợ.
“Đình công” mãi, mẹ đẻ Lê lại động viên: “Gái đẻ thì phải chịu khó thế mới có nhiều sữa cho con bú chứ. Ngày xưa, mẹ phải ròng rã ăn móng giò hầm đu đủ, chứ có biết ninh cùng lạc hay lấy đâu ra hoa atiso mà đổi món”. Nhắm mắt nhắm mũi nuốt hết gần nửa bát móng giò, Lê nhăn nhó kêu: “Mẹ xem có nghĩ ra món nào vẫn bổ, vẫn lợi sữa ngoài móng giò không. Chứ thế này con chịu không nổi”.
Hôm sau, Lê thấy mẹ đẻ phấn khởi bảo không phải ăn móng giò nữa mà từ nay sẽ chuyển sang gà hầm thuốc bắc. Nhưng đến bữa thứ 3 thì Lê ngán gà hầm không chịu thấu. Đến bữa dù được mẹ đẻ động viên mãi, Lê cũng chỉ nuốt được vài miếng. Mẹ đẻ Lê nhìn con gái, đề nghị: “Chán gà hầm thì mai lại chuyển sang móng giò nhé” khiến Lê kêu oai oái: “Con ngấy lắm rồi”. Lê mong từng ngày cho hết tháng ở cữ để được “giải phóng” khỏi những món này.
Mang tâm trạng nhẹ nhàng hơn Lê, Hiền (Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc) nhớ lại thời ở cữ, được bà ngoại tẩm bổ cho để hoàn thành ước mong nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn 6 tháng đầu. Ngay từ khi Hiền mang bầu, mẹ đẻ đã lo khoản nước uống vừa mát, vừa tránh táo bón lại lợi sữa cho con gái sau này. Hai thứ nước uống được mẹ Hiền cất công chuẩn bị từ sớm là nước vối và nước từ lá đinh lăng sao khô. Nước vối thì Hiền đã từng uống thấy mát, dễ chịu, có thể uống thay nước lọc được nhưng còn nước lá đinh lăng thì do chưa uống thử nên Hiền sợ đắng.
Nhưng điều Hiền sợ nhất là ngày nào cũng bị mẹ bắt ăn cá diếc nấu mướp đắng. Theo mẹ Hiền, đây là loại canh thanh nhiệt, giải độc, thông sữa nhưng vốn sợ mướp đắng từ trước nên cố lắm, Hiền mới nhắm mắt ăn được vài thìa, hoặc chỉ ăn nạc cá mà bỏ lại phần khác.
Còn Thùy (Hà Đông, Hà Nội) thì như “phát sốt” vì bữa nào cũng được mẹ chồng cho ăn lá khoai lang, hết luộc chấm mắm, lại xào cùng thịt lợn nạc. Ngoài rau lang thì là rau ngót, chứ không được ăn loại rau nào khác. Mẹ chồng Thùy cho là lá rau lang mát, không lo bị táo bón, lại kích thích thông sữa nên rất có lợi cho bà đẻ. Đúng là ăn một ít bữa hoặc thỉnh thoảng mới ăn thì ngon nhưng ngày nào cũng ăn thì khiến Thùy chán ngán.
Nghe mấy cô bạn tới thăm mách, Hiền muốn chuyển sang dùng cốm lợi sữa hoặc uống sữa tươi hàng ngày để nhiều sữa cho con bú, chưa biết lợi ích đến đâu nhưng thoát được món rau khoai lang là Hiền sướng lắm rồi. Vậy mà mẹ chồng nào có đồng ý.
Chuyện ăn uống cho người mới sinh rất được quan tâm vì mẹ có khỏe, có đủ sữa thì con mới khỏe, mau lớn. Tuy nhiên, bác sĩ Đặng Thu Hiền (Viện Dinh dưỡng Quốc gia) cho biết: “Không phải ăn nhiều chân giò để tạo nhiều sữa mà các mẹ cần phải ăn thịt nạc. Sản phụ cũng không nên quá kiêng khem trong ăn uống. Muốn khỏe mạnh và nhiều sữa thì nên ăn uống đa dạng, đủ chất, ăn theo nhu cầu. Ngoài ra, cần chú ý tới vấn đề ngủ nghỉ, tâm lý thoải mái, vui vẻ thì mẹ mới nhiều sữa. Người mẹ cũng nên cho con bú nhiều để kích thích tuyến sữa, uống thêm sữa để có nhiều chất dinh dưỡng và sữa mau về”.
Việc nhắm mắt nhắm mũi để ăn móng giò, cá diếc… là không cần thiết. Thay vào đó, các bác sĩ khuyên là người mẹ nên ăn uống đủ chất, phong phú thì hơn bởi vì một cốc sữa cũng có các chất dinh dưỡng tương đương một món ăn nào đó.
Bên cạnh đó, không nên chỉ nghe lời mách bảo, truyền tai để ăn uống theo. Với một món ăn nào đó, người mẹ nên tham khảo các nguồn tin khác nhau, nếu có thể nên hỏi ý kiến bác sĩ là nên nấu thế nào, ăn trong bao lâu thì tốt chứ không phải ngày nào, bữa nào cũng chỉ có món đó… Đừng ngại trái lại kinh nghiệm của mẹ đẻ (mẹ chồng) mà nên nhẹ nhàng chia sẻ dựa trên cơ sở khoa học.