Mùa khai giảng năm học mới sắp đến, các bé yêu đang chuẩn bị bước qua một cột mốc lớn trong thời thơ ấu, đó là: bé bắt đầu đi học mầm non. Một cách tổng quát, mầm non là quãng thời gian giúp trẻ phát triển một cách toàn diện về mặt thể chất, trí tuệ, tình cảm và giao tiếp xã hội. Thông thường khi nhắc đến mầm non thì chúng ta ít dùng đến từ “đi học”, bởi các hoạt động của trẻ thoạt quan sát chủ yếu là các trò chơi và hoạt động giải trí như: múa hát, kể chuyện, tập vẽ,… nhưng thực chất đối với độ tuổi của các bé đó thật sự là những giờ phút học tập để hoàn thiện bản thân một cách rất nghiêm túc.
Với phương pháp học thông qua các trò chơi và hoạt động sáng tạo, khi mẹ quan sát con đang xếp hình một ngôi nhà hay cho đoàn tàu hỏa chạy trên đường ray thì không chỉ là bé đang giải trí mà bé còn đang làm quen với các vấn đề mà theo ngôn ngữ của người lớn là kỹ thuật và vật lý. Bên cạnh đó, bé sẽ được học đọc, học viết và các phép toán đơn giản như 2+2=4. Tất cả những điều đó tưởng chừng như vô cùng đơn giản nhưng đối với bé yêu thì đòi hỏi một sự vận động não bộ rất lớn. Ngoài ra, môi trường giáo dục mầm non còn đặt nên tảng cho việc hình thành nhân cách sau này cũng như cách ứng xử trong giao tiếp xã hội.
Xin điểm ra giúp mẹ từng hoạt động của trẻ tại nhà trường và cách phối hợp giáo dục giữa nhà trường và gia đình:
Hoạt động 1: Tập đọc và tập viết
Tại trường: Bé sẽ học cách nhận biết tất cả các chữ cái trong bảng chữ cái, cả chữ hoa và chữ thường. Bé cũng mất một thời gian kha khá để đọc thuộc lòng bảng chữ cái. Sau đó là học cách viết và tập viết những nét chữ đầu tiên. Một yêu cầu cao hơn mà không phải trường mầm non nào cũng giảng dạy cho các cháu đó là học cách ghép vần.
Tại gia đình: Có rất nhiều cách để mẹ có thể giúp bé ôn tập bảng chữ cái: mẹ có thể nhờ đến các công cụ hỗ trợ như các tấm thẻ từ vựng hay poster học từ dán trong phòng ngủ hay trên cánh tủ lạnh để bé thường xuyên quan sát được. Hoặc mẹ gắn ngay bài học của trẻ vào những đồ vật thân thuộc nhất trong gia đình hoặc các hoạt động thường ngày để việc ghi nhớ của trẻ trở nên tự nhiên nhất có thể. Ví dụ, mẹ chỉ vào quả cà và nhắc trẻ nhớ về chữ “cờ”.
Một việc hết sức ý nghĩa mẹ nên làm đó là đọc sách hàng ngày cho trẻ nghe. Josie Meade, một giáo viên mầm non có rất nhiều năm kinh nghiệm của Hoa Kỳ nói rằng: “Một trong những điều tuyệt vời nhất cha mẹ có thể làm là đọc sách cho con cái của họ mổi ngày”. Chỉ cần 10 phút mỗi đêm, mẹ đọc cho bé nghe một câu chuyện cổ tích cũng sẽ tạo nên sự khác biệt rõ rệt: nó không chỉ bổ sung thêm hương vị cho tình mẫu tử ngọt ngào mà còn tạo cho trẻ thói quen và niềm yêu thích đọc sách, giúp trẻ có thêm hình dung về nhân sinh quan và thế giới quan thông qua những câu hỏi của mẹ xoay quanh nội dung câu chuyện.
Ngoài ra, mẹ nên thường xuyên hát các bài hát thiếu nhi cùng với bé. Đây cũng là một cách rất tốt để trẻ học về vần điệu và cách phát âm.
Hoạt động 2: Nhận biết màu sắc, hình dạng và đồ vật
Tại trường: Trẻ mẫu giáo sẽ được học cách nhận biết và gọi tên của các màu sắc, hình dạng cơ bản và các bộ phận của cơ thể.
Tại gia đình: Học cũng với trẻ bài học về màu sắc có khá nhiều gợi ý cho mẹ: cùng bé xem một cuốn truyện tranh, mẹ có thể hỏi bé: “Chiếc xe ô tô màu gì đây con nhỉ?” Hay: “Con chỉ cho mẹ đâu là chiếc mũ màu vàng?” Khi mặc đồ cho bé, mẹ cũng có thể nói về màu sắc của quần áo, giày dép, tất,… Còn các đồ vật trong gia đình sẽ thì sẽ trở thành công cụ để mẹ nhắc cho bé về các hình khối: mẹ chỉ lên khung ảnh và hỏi trẻ: “Mẹ đố Sóc biết khung ảnh trên tường là hình chữ nhật hay hình tam giác?”. Điểm mấu chốt là mẹ hãy biến tất cả mọi đồ vật xung quanh trẻ thành công cụ học tập và biến mọi hoạt động thành các trò chơi.
Hoạt động 3: Làm quen với số đếm
Tại trường: Giáo viên sẽ hướng dẫn cho trẻ biết mặt số, cách đọc và cách đếm từ 1 đến 10 (hoặc có thể lớn hơn 10). Biết cách đếm đồ vật và gọi tên con số tổng một cách chính xác là một trong những kỹ năng toán học đầu tiên của trẻ mầm non.
Tại gia đình: Bất cứ khi nào mẹ nhìn thấy những con số: trong cuốn sách, trên hộp thực phẩm, thậm chí trên ti vi, bạn cũng có thể yêu cầu trẻ đọc to con số đó lên. Đồng thời, hãy cũng trẻ tập đếm hàng ngày: đếm số bậc cầu thang, đếm số bút chì màu trong hộp hay các khối xếp hình trên sàn nhà,… Thường xuyên hỏi trẻ những câu hỏi như: “Bà cho Nhím bao nhiều chiếc kẹo mút thế?”, “Con đếm giúp mẹ xem còn mấy quả cam trong tủ lạnh?” Khi đang cùng bé ăn nhẹ, mẹ cũng có thể hỏi: “Trong đĩa bây giờ còn mấy chiếc bánh Bon nhỉ?”
Hoạt động 4: Cắt và vẽ
Tại trường: Luyện tập cho sự phối hợp tốt hơn của tay và mắt, các bé sẽ được làm quen với hai hoạt động là cắt và tô màu (cao hơn là tập vẽ). Bé sẽ học cách cầm kéo cắt giấy, học cách sử dụng bút chì, bút lông và cả keo dán nữa.
Tại gia đình: Mẹ cũng nên trang bị cho bé đầy đủ các dụng cụ giống như ở trường để bé thường xuyên thực hành và thỏa sức sáng tạo. Ban đầu mẹ có thể yêu cầu bé thực hiện các thao tác đơn giản như cắt giấy theo một đường thẳng hoặc tô màu vào những bức tranh có sẵn. Sau đó, mẹ có thể để bé tự do cắt ghép hoặc vẽ tranh theo trí tưởng tượng của bé.
Hoạt động 5: Phát triển kỹ năng xã hội và chia sẻ
Tại trường: Phát triển kỹ năng xã hội cần thiết được cha mẹ định hướng và giáo dục cho trẻ trước khi bắt đầu học mẫu giáo. Trẻ mẫu giáo sẽ được học cách chia sẻ và hợp tác, biết cách tham gia sinh hoạt cộng đồng và làm việc theo thứ tự, tham gia hoạt động nhóm và làm theo hướng dẫn đơn giản, biết cách giao tiếp để nêu ra mong muốn và nhu cầu của bản thân, bước đầu biết tự chăm sóc các nhu cầu cơ bản và yêu cầu giúp đỡ khi cần thiết.
Tại gia đình: Vấn đề phát triển kỹ năng xã hội cho bé yêu cần rất nhiều công sức và sự lưu tâm hàng ngày, hàng giờ của cha mẹ. Nó bao gồm từ việc xưng hô, chào hỏi của trẻ sao cho phù hợp và lịch sự; cách chơi cùng với các bạn; tôn trọng các quy định khi đến nơi công cộng; giúp đỡ và chia sẻ với bạn bè, người thân và mọi người xung quanh… Vấn đề mấu chốt là cha mẹ và những người thân trong gia đình cần là tấm gương mẫu mực cho trẻ noi theo và cần có những định hướng tích cực để trẻ sớm hình thành những phẩm chất của một người công dân tốt.
Đối với việc giáo dục trẻ em, cha mẹ không nên quá phụ thuộc và “ỷ lại” vào nhà trường, hãy chủ động tạo ra một môi trường giáo dục ngay tại gia đình ngay từ khi trẻ mới sinh ra. Và tốt hơn hết đó là khi bé bắt đầu bước chân vào môi trường giáo dục nhà trường thì cha mẹ hãy cũng phối hợp với thầy cô để mang đến những hiệu quả giáo dục tốt nhất đối với trẻ.