Làm mẹ con mới thấm câu “có nuôi con mới hiểu lòng cha mẹ”, nhưng sự báo hiếu đã muộn màng. 33 tuổi, trầy trật sau bốn năm lấy chồng con mới có được một mụn con. Làm mẹ ở lứa tuổi trung niên với những bỡ ngỡ đầu đời và nỗi vất vả không sao kể xiết, con mới thấm thía câu nói “có nuôi con mới hiểu lòng cha mẹ…”
Con gái con bây giờ chỉ vừa hai tháng tuổi nhưng có đủ những “tật xấu” khiến con khổ sở trăm bề. Ngay khi lọt lòng, bé đã không chịu ti mẹ, nhà neo người, không còn mẹ chồng và cả mẹ bên cạnh, con phải một mình cố gắng chăm nom bé. Vết mổ đẻ còn nhức buốt nhưng sợ bé đói, con phải gồng mình móm từng thìa sữa. Những đêm kiệt sức, con lả đi trong cơn mơ màng lại nghe tiếng thét của bé đòi ăn… Chồng con không thuộc tuýp người biết đỡ đần vợ trong việc chăm con thế nên đêm đến, anh vô tư ngủ, để con một mình tự vật lộn với việc bé không chịu ngủ, cứ quấy khóc. Con còn nhớ, những đêm bé nôn trớ, bụng chướng không ngủ được, con phải bế ầu ơ dù mắt con híp lại, lưng mỏi rã rời, chỉ khao khát được đặt lưng xuống giường, có được giấc ngủ suông dù chỉ vài phút. Những khi đó con lại nhớ mẹ đến trào nước mắt. Con nhớ mẹ hay nói, sau này con có chồng, sinh con, mẹ sẽ là bà vú ngoại bao bọc, chăm sóc cho cháu đến khi nhắm mắt. Lời nói ấy còn chưa được thỏa, mẹ đã rời xa con mãi mãi dù chon chưa kịp báo hiếu, bù đắp vào khoảng đời cơ cực, vất vả trăm bề vì nuôi con khôn lớn nên người trong cảnh túng quẫn cùng cực.
Còn nhớ, khi con lên sáu, bố đi làm xa, mình mẹ chăm chị hai lên mười hai và lo lắng cho đứa trẻ suốt ngày ốm đau bệnh tật như con. Vậy mà con không biết thương mẹ, lại hay cáu gắt, ngỗ nghịch đủ điều. Con ỷ mình bệnh, được mẹ chiều nên vòi vĩnh đủ thứ, có biết đâu mẹ phải nhịn ăn để cho con có tiền uống thuốc vì bệnh suyễn nặng của con thiếu thuốc lại nặng thêm.
Lần đầu tiên đi học, mẹ đạp chiếc xe đòn ngang rệu rã, cọc cạnh đèo con phía sau đến trường cách nhà gần 10km. Dáng mẹ hao gầy ra sức đạp xe ngược gió trên con đường đầy ổ gà, mồ hôi lắm tắm nhỏ bé và cô đơn đến cùng cực. Vậy mà vừa đến cổng, thay vì thương mẹ vất vả con lại đòi cho bằng được chiếc bóng bay người ta bán bên đường. Bữa đó mẹ không tiền để mua cho con, con ngồi vạ xuống đất, khóc rống lên và không chịu vào lớp. Không kịp lau mồ hôi, mẹ phải luống cuống vỗ về con vì sợ con lên cơn suyễn đến độ chiếc chống xe đạp lệch, ngã ập vào vai mẹ. Con càng khóc dữ dội, mẹ quên cả đau đớn, chỉ biết ôm con vào lòng bảo con thương mẹ, đừng khóc…. Đêm đó về, con thấy chị hai lấy dầu xoa vai mẹ, vết bầm rộng đến sống lưng nhưng mẹ chưa trách mắng con nửa lời.
Rồi ba bị tai nạn lao động, mãi mãi không thể trở về, vĩnh viễn không thể chia sẻ cùng mẹ gánh nặng cơm áo đang oằn vai. Một nách hai con, mẹ vất vả lại càng khổ cực… với con. Con lên mười, sức khỏe quá kém, mẹ càng phải cật lực kiếm tiền. Mẹ làm tất cả các nghề, từ mua gánh bán bưng đến phụ việc vặt cho người ta không than mệt nhọc, chỉ cần tích cóp được tiền cho con thuốc men qua cơn bệnh. Con vào viện hơn mười ngày là mười đêm mẹ ngồi bên giường bệnh không thể chợp mắt. Có khi nửa đêm con giật mình tỉnh giấc, thấy mẹ ngồi thẫn thờ nhìn ra bên ngoài trời tối đen, nước mắt rơi trên gương mặt khô gầy… có lẽ mẹ lại bộn bề suy nghĩ đến tương lai chúng con…
Con mười lăm tuổi, đã biết thương mẹ một chút thì cũng là lúc mẹ đổ bệnh. Vì lao động quá vất vả, mẹ bị lao phổi… Căn bệnh của người nghèo ấy đã cướp mẹ đi quá nhanh khỏi con… khi con chưa kịp hoàn thành lời hứa lớn lên, đi làm kiếm thật nhiều tiền để chăm sóc và cho mẹ an hưởng tuổi già…
Mùa Vu Lan lại về, con nhớ mẹ đến xót lòng. Mẹ ở nơi chín suối, có lẽ cũng vẫn chưa yên lòng vì con, nhưng con hứa, con sẽ sống thật tốt, là một người mẹ thật tốt, như mẹ ngày xưa… Xin dâng lên mẹ một bông hồng yêu thương nhất và sự hối hận của con… mẹ hãy an nghỉ.