Bạn hãy cố gắng an ủi và tạo cho bé sự yên tâm, tránh đi mặc cảm rằng “tè dầm là tội lỗi”. Theo thống kê cho thấy, có đến hơn một nửa số trẻ em ở độ tuổi lên 3 vẫn thường xuyên tè dầm mỗi đêm. Để giúp con từ bỏ thói quen không tốt này, bạn cần chú ý trước hết đến thái độ của mình với bé.
Tạo tâm lý tốt cho bé
Hãy cố gắng thật thoải mái và nhẹ nhàng với bé khi bạn phát hiện bé tè dầm. Bạn cần hiểu rằng khả năng kiểm soát cơ thể của bé vẫn còn chưa được thành thạo và việc bé tè dầm hoàn toàn không phải là lỗi của bé.
Dạy bé cách tự kiềm chế không tè dầm đòi hỏi sự kiên trì lớn của bạn vì còn phải tùy thuộc vào việc bàng quang của bé có thể giữ được nước tiểu trong bao lâu. Và nếu con bạn thường ngủ rất say thì việc này lại càng khó hơn bởi vì bé vẫn chưa thể học được cách tự đánh thức mình dậy khi muốn đi tè.
Những việc cần làm
Để kiểm tra xem liệu bé đã có thể tự học cách kiểm soát cơ thể hay chưa, bạn hãy cho bé đóng bỉm mỗi tối và kiểm tra xem bỉm khô hay ướt vào mỗi sáng. Khi bé có thể giữ bỉm khô ráo trong ít nhất một vài đêm, bạn hãy để bé ngủ mà không đóng bỉm trong khoảng 1 – 2 tuần.
Bạn cũng nên hạn chế cho bé uống nhiều nước vào buổi tối và ngay cả khi bé đã thiu thiu ngủ, bạn cũng nên cho bé đi vệ sinh lần cuối.
Bạn cũng nên lót dưới đệm bé một tấm vải nhựa hoặc nilon để nếu bé có tè dầm thì mọi chuyện cũng không đến mức quá “tồi tệ”.
Nếu bé tè dầm, bạn cần đưa bé ra khỏi giường và thay quần áo khô cho bé càng sớm càng tốt để tránh tình trạng nước tiểu làm hăm da bé. Sau đó, bạn có thể vừa thay ga giường cho bé vừa động viên bé hãy cố gắng không tè dầm vào tối hôm sau.
Nếu sau vài tuần, bé vẫn tiếp tục “ẩm ướt” khi ngủ dậy, bạn có thể cho bé đóng bỉm trở lại. Bạn hãy cố gắng an ủi bé và tạo cho bé sự yên tâm vì bé rất có thể sẽ lo lắng rằng đấy là “lỗi” của bé. Sau vài tháng, bạn có thể thử lại một lần nữa.