Viêm gan B là một bệnh nan y, nguồn lây của nó là siêu vi viêm gan B. Những người nhiễm HBV đều có nguy cơ biến thành viêm gan mạn tính, xơ gan, ung thư gan và dẫn đến tử vong.
Tất cả mọi người có xét nghiệm HBsAg dương tính đều có khả năng lây truyền bệnh. Nhóm người có nguy cơ cao là tiêm chích ma túy, phải truyền máu nhiều lần, người có quan hệ tình dục không an toàn và trẻ sinh ra từ những phụ nữ có HBV. Những trẻ sơ sinh bị nhiễm HBV rất dễ bị viêm gan mạn tính, xơ gan hoặc ung thư gan nguyên phát và có tuổi thọ ngắn.
Quanh cảnh Ngày toàn dân đưa trẻ đi tiêm chủng ở Hà Nội.
Hiện nay tại các cơ sở điều trị viêm gan ở nước ta số bệnh nhân luôn cao hơn 3 đến 4 lần số giường điều trị, dẫn đến tình trạng quá tải. Hầu hết những bệnh nhân nhập viện đều ở trong tình trạng rất nặng, đã có nhiều biến chứng nguy hiểm như xơ gan cổ trướng, viêm gan mạn tính, thậm chí là ung thư gan. Điều đáng quan tâm là, phần lớn những trường hợp viêm gan B trên đều chưa từng được bảo vệ bằng vắc-xin.
Ở nước ta, tỉ lệ người nhiễm vi-rút viêm gan B chiếm tới 10 đến 15% dân số, ở nhóm người có nguy cơ cao, tỉ lệ này lên tới 20%. Những em bé được sinh ra từ những bà mẹ có vi-rút viêm gan B sẽ có nguy cơ nhiễm vi-rút này tới 90%. Nếu không được tiêm vắc-xin phòng bệnh, những em bé này tiếp tục là nguồn lây trong cộng đồng, 10 đến 15 năm sau chúng sẽ mắc phải các biến chứng nguy hiểm như viêm gan B mạn tính, xơ gan, ung thư gan.
Các kết quả khoa học nhiều năm qua trên thế giới chứng minh rằng, có thể phòng ngừa được tới 80 – 90% viêm gan B nếu trẻ được tiêm đầy đủ 3 mũi vắc-xin, đặc biệt mũi một phải tiêm ngay trong vòng 24 giờ sau sinh. Trong nhiều năm qua, Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia ở nước ta đã cố gắng mang lại quyền lợi này cho tất cả trẻ em. Khi được bảo vệ bằng vắc-xin, trẻ em sinh ra từ những người mẹ có HBsAg cũng sẽ tránh được nguy cơ lây nhiễm từ người mẹ. Chính vì vậy, các bậc cha mẹ cần lựa chọn biện pháp tiêm chủng để phòng bệnh tốt nhất cho con mình và cần tìm hiểu đầy đủ về giá trị của vắc-xin viêm gan B. Mỗi người mẹ, đặc biệt là những người đã nhiễm vi-rút viêm gan B cần phải chia sẻ trách nhiệm với các nhân viên tiêm chủng khi họ tiêm phòng cho con mình, bởi chỉ có vắc-xin mới bảo vệ được con họ trước căn bệnh này.
– Muốn phòng bệnh cho trẻ có mẹ dương tính với vi-rút viêm gan B thì phải tiêm ngay vắc-xin viêm gan B và kháng thể Hepabig vài phút sau khi sinh, nếu để sau vài giờ là quá muộn.
– Không thể trì hoãn lịch tiêm cho trẻ, kể cả những trẻ sinh ra từ mẹ không bị nhiễm vi-rút viêm gan B cũng nên tiêm ngay sau khi sinh mới có tác dụng phòng bệnh.
Bác sĩ Quốc Tuấn