Không ít chị em mắc bệnh tự kỷ chỉ vì những thay đổi quá sốc trên cơ thể sau sinh nở. Chính câu nói “gái một con trông mòn con mắt” đã làm chị em sau sinh bị thất vọng tràn trề. Những thay đổi từ ngoại hình đến bên trong cơ thể theo chiều hướng đi xuống khiến nhiều mẹ cảm thấy mặc cảm, tự ti thậm chí còn tự kỷ.
Tá hỏa vì nhan sắc sau sinh
Dù cu Tý đã được 6 tháng nhưng nhan sắc chị Phượng (Đông Anh, Hà Nội) vẫn chẳng cải thiện được là mấy so với ngày mới sinh nở. Chị chia sẻ: “Mình thường nghe các cụ nói “gái một con trông mòn con mắt” thế mà mình chẳng thấy mòn một chút nào, thậm chí còn “tã” hơn. Hồi mang bầu mình tăng đến 20kg nên sau sinh đã 6 tháng mình vẫn phải loay hoay tìm cách giảm cân. Vì vẫn đang cho con bú nên mình không dám ăn kiêng. Nhưng buồn nhất vẫn là cái vòng 2. Đến bây giờ mà mình vẫn như đang mang bầu 5 tháng vậy. Sau sinh nở, mình cũng rất chịu khó gel bụng thế nhưng không hiểu sao bụng chẳng gọn đi chút nào. Thật buồn…”.
Cũng vì lý do này mà chị Phượng vẫn chưa muốn đi làm trở lại. Chị kể: “Ban đầu chỉ định nghỉ 4 tháng sau sinh thôi. Nhưng đến gần ngày đi làm rồi mà trông mình vẫn chẳng khác gì những ngày ở cữ, vẫn xấu xí và béo ị. Thế là mình xin nghỉ làm không lương, ở nhà vừa chăm con, vừa cải thiện nhan sắc. Cứ đà này, chắc phải cai sữa cho con sớm để còn ăn kiêng giảm cân và đi làm trở lại thôi.”
Cùng chung nỗi buồn về nhan sắc sau sinh như chị Phượng, chị Tú Anh (Đống Đa, Hà Nội) buồn rầu chia sẻ: “Thấy nhiều mẹ sau sinh nở đẹp lên trông thấy mình ghen tị vô cùng. Mình nghĩ việc đẹp hay xấu sau sinh là do cơ địa từng người thôi. Như mình đây này, sau sinh đã hơn 1 năm rồi mà da mặt vẫn còn bị nám; da bụng, da đùi vẫn bị rạn. Chẳng biết bao giờ mới trở lại được sắc vóc như ngày xưa nữa. Sau sinh, vì mình thuộc tuýp người ít sữa nên mẹ chồng cứ “nhồi” cho ăn hết món này đến món kia. Kết quả là sữa vẫn chẳng thấy đâu mà cân nặng thì tăng vù vù. Giờ có nhịn ăn chắc cũng phải mấy năm nữa mới thon gọn được.” Cũng vì những vết rạn da mà cả mùa hè chị chẳng đủ can đảm để diện quần soóc hay diện bikini đi tắm biển.
Mệt mỏi vì đau tỉ thứ
Không quan tâm nhiều đến sự thay đổi nhan sắc sau sinh nở như chị Phượng, chị Tú Anh nhưng chị Hoài (Cầu Giấy) lại mệt mỏi vì chuyện khác. Chị kể: “Sau sinh nở, mình như kiệt sức không thể sống nổi nữa. Sợ nhất là cái khoản đau ‘núi đôi’. Sau sinh nở, ‘núi đôi’ cương sữa lên nhưng con còn nhỏ chẳng bú được là bao làm mình đau khủng khiếp. Con không bú hết khiến sữa bị tắc lại làm mình bị tắc tia sữa. Phải mất đến hàng tuần trời đi thông, ‘núi đôi’ mới hoạt động được bình thường. Nhưng do mình nhiều sữa nên ngày ngày phải hì hụi ngồi hút sữa bỏ đi, mệt mỏi vô cùng. Suốt 2 tháng đầu mình phải chiến đấu với tình trạng đau ngực, đã có lúc mình muốn từ bỏ, cai sữa luôn cho con để mình không phải chịu đau đớn thế nữa. Nhưng may mà có mẹ đẻ giúp sức, động viên và cũng vì thương con nên mình đã cố gắng chịu đựng. Đến tháng thứ 4 thì núi đôi mới ‘hoạt động’ bình thường.
Không chỉ gặp rắc rối với ‘núi đôi’, do đẻ mổ nên chị Hoài còn phải chiến đấu với chứng đau lưng ghê gớm sau sinh. Khi đẻ mổ, chị em sẽ được gây tê màng cứng, đây là nguyên nhân khiến chứng đau lưng sau sinh càng trở lên dữ dội. “Đã có lúc mình không thể ngồi dậy bế con vì lưng đau quá. Công nhận là sau sinh, sức khỏe yếu đi trông thấy. Mình thì bị đau đủ thứ, nào là đau ngực, đau lưng, đau vùng kín… khiến mình bị stress trầm trọng. Nếu không có mẹ giúp, chắc mình không đủ sức để chăm con”.
Cần chuẩn bị sẵn tâm lý
Những thay đổi sau sinh nở là đương nhiên và chị em cần chuẩn bị sẵn sàng tâm lý để đối phó. Không chỉ thay đổi về ngoại hình, các mẹ sẽ phải chịu những “tác dụng phụ” vô cùng ghê gớm sau ca sinh nở như đau hậu sản, đau lưng, đau núi đôi… Tình trạng này phổ biến nhất trong 3 tháng đầu sau sinh. Lời khuyên của các chuyên gia là ngay từ khi mang bầu, chị em cần đọc nhiều tài liệu tham khảo để có hiểu biết nhất định về những thay đổi sau sinh nở, tránh cảm giác bị sốc khi phải đối mặt.
Sau sinh 6-8 tuần chị em nên tập thể dục nhẹ nhàng để sớm lấy lại vóc dáng và giúp cải thiện sức khỏe. Ngoài ra, chị em cũng cần nhờ đến sự giúp đỡ của người thân đặc biệt là anh xã, cùng chia sẻ nỗi vất vả khi chăm con nhỏ. Khi ấy bạn sẽ thấy đỡ mệt mỏi hơn rất nhiều!