Theo BS Mai Trung Dũng (Phó khoa Phục hồi chức năng BV 354 HN) ngồi xe tập đi sớm lợi bất cập hại. Sau khi nhận được ý kiến của độc giả Đỗ Linh Hương (Ba Đình – Hà Nội) về việc bé Nhím (con của chị Hương) mới 4 tháng tuổi đã được ông nội mượn xe tập đi về cho cháu, với mong muốn bé sẽ biết đi sớm.
Câu chuyện từ chị Linh Hương đã thu hút sự quan tâm của nhiều chị em. Đa số các ý kiến bình luận đều cho rằng, việc cho ngồi xe tập đi từ 4 tháng là quá sớm. Dù chị Hương có nói: “Nhím nhà em hôm nay vừa tròn 4 tháng, con trộm vía ti mẹ nên cứng cáp lắm. 1 tháng rưỡi biết lẫy, 3 tháng rưỡi đã ngồi. Giờ thì cô nàng toàn đòi bố mẹ bế đứng”.
Một độc giả chia sẻ: “Bạn đừng cho con đi, con mình đi từ 4,5 tháng, bây giờ ngồi gù hết cả lưng rồi đang buồn hết cả lòng. Đang tìm bác sĩ để chữa cho cháu đây”.
Còn một người làm mẹ khác bày tỏ: “Bạn phải bảo vệ con mình chứ? Bạn mà nhu nhược con bạn lãnh đủ. Mới bốn tháng, xương còn yếu chân không chạm đất, chới với mà bạn chiều bố mẹ chồng để con ngồi được cũng tài thiệt”.
Trao đổi vấn đề này với bác sĩ Mai Trung Dũng (Phó Chủ nhiệm khoa Phục hồi chức năng – Bệnh viện 354 Hà Nội) cho rằng: “Trẻ mới 4 tháng đã cho ngồi xe tập đi là quá sớm. Hệ xương của trẻ lúc đó còn rất yếu, không thể ngồi như vậy được. Việc ép buộc trẻ ngồi như vậy sẽ ảnh hưởng rất lớn đến cột sống, sụn đầu xương và các cơ”.
Theo bác sĩ Dũng, khi trẻ ngồi xe tập đi sớm như vậy ảnh hưởng đầu tiên đến cột sống. Việc chịu áp lực chèn lên cột sống, có nguy cơ khiến trẻ bị gù, cong vẹo cột sống. Ngoài ra các cơ của trẻ đang yếu chưa thể chống đỡ với sức nặng.
Khi trẻ ngồi xe tập đi, chân bị dạng ra như vậy cũng có thể dẫn đến việc đi vòng kiềng, chân bị khuỳnh về sau, làm mất thẩm mỹ của dáng đi.
Mặt khác, với xương đang yếu, sụn đầu xương là cơ sở để phát triển xương cũng bị ảnh hưởng khi trẻ ngồi sớm. “Các sụn xương bị tì đè sớm, có thể dẫn đến xơ hóa sớm, làm cho xương phát triển chậm lại. Bé không đạt được chiều cao như bình thường. Các sụn có thể bị ảnh hưởng như sụn ở cột sống, sụn ở khớp gối và háng”, bác sĩ Mai Trung Dũng nhấn mạnh.
Với các phụ huynh, bác sĩ Dũng đưa ra lời khuyên: “Suy nghĩ cho trẻ ngồi xe tập đi sớm để nhanh biết đi là không đúng, không nên ép trẻ ngồi xe tập đi sớm, tôn trọng sự phát triển tự nhiên của trẻ. Để tới giai đoạn biết đi là một quá trình tự nhiên như các cụ đã nói “4 tháng biết lẫy, 7 tháng biết bò, 9-10 tháng lò dò biết đi”.
Một số chuyên gia khác cũng đồng quan điểm này và cho rằng, cho trẻ ngồi xe tập đi quá sớm, khi xương chưa thật sự cứng cáp là điều không nên. Khi trẻ ngồi xe tập đi sớm, chân chới với để cố rướn, tạo thói quen khiến trẻ đi theo 5 đầu ngón chân. Mặt khác, bánh xe tập đi có nhiều bánh khi chuyển động có hiện tượng xoay nên các phụ huynh cần giám sát trẻ cẩn thận.