Nếu như ngày xưa, các mẹ bầu phải vật vã một mình trong cơn đau đẻ thì ngày nay mọi chuyện đã khác… Phải có mặt trong phòng chờ sinh của Bệnh viện Phụ sản mới cảm nhận được hết niềm sung sướng của người thân khi bác sĩ thông báo sản phụ đã sinh nở. Người hạnh phúc lớn nhất phải kể đến là các anh chồng, người thì tủm tỉm cười, người thì không ngừng gọi điện thông báo tin vui với người thân, có anh không kìm nén được hạnh phúc đã chạy quanh hành lang, la toáng lên “Vợ tôi đẻ rồi, vợ tôi đẻ rồi, các bác ơi…” khiến cả đám người đang nằm ngoài hành lang tỉnh ngủ.
Điều đó để nói lên rằng ngày nay các anh chồng không hề bỏ bê vợ trong giờ khắc vượt cạn quan trọng của cuộc đời. Các cụ ngày xưa thường có câu: “Đàn ông đi biển có đôi, đàn bà vượt cạn mồ côi một mình” để nói nên sự vất vả, gian nan và cô đơn của người đàn bà trong lúc chuyển dạ sinh nở. Ở đâu đó vẫn còn những hủ tục phụ nữ phải vào rừng sinh con hay khi sinh nở không được gần gũi với chồng… Còn ngay nay, các ông chồng không hề ngại ngần ở bên cạnh vợ, giúp đỡ, động viên, thậm chí còn đau cùng nàng trong giây phút lâm bồn.
Mất ăn mất ngủ vì nuôi vợ đẻ
Trong phòng chờ sinh của bệnh viện Phụ sản, nhìn mặt 10 anh chồng thì có đến 9 anh mặt mày hốc hác, da xanh nhợt. Trò chuyện với anh Nguyễn Thành Vinh (Hà Nam), anh kể: “Vợ tôi bị thiểu ối, nhập viện theo dõi từ nửa tháng nay rồi. Cũng kể từ ngày đó tôi bị mất ăn mất ngủ. Ngày ngày ở đây chờ trực vợ đẻ, lo lắng lắm. Vợ tôi thì cứ khuyên về quê nhưng tôi không đành lòng để cô ấy ở đây một mình. Ở đây ban ngày còn được gặp vợ, cứ tối đến là tôi phải ngủ ngoài hành lang nên mất ngủ là đương nhiên. Mới 2 tuần mà tôi sụt mất 3kg rồi. Chỉ cầu mong sao cho vợ được khỏe mạnh, sinh nở mẹ tròn con vuông”.
Không chỉ riêng anh Vinh, đây cũng là tâm trạng của anh Khoa (Cầu Giấy, Hà Nội). Anh kể: “Vợ mình đau đẻ đã 3 ngày nay rồi mà cổ tử cung mới chỉ mở được 3 phân. Nhiều khi nhìn cô ấy đau đẻ mình xót lắm, chỉ muốn xin bác sĩ mổ cho vợ luôn. Ở đây có bà nội, bà ngoại chăm nhưng mình không yên tâm về nhà ngủ. Chỉ lo trong lúc mình về mà vợ lại đẻ, không có mình bên cạnh không biết cô ấy có đủ sức mạnh để vượt qua không. Chứng kiến những ngày vợ đau đẻ càng thêm yêu và thương vợ nhiều hơn.”
Vợ rặn, chồng cũng đau theo
Vốn chị Phương là con gái một trong gia đình khá giả ở Hà Nội nên từ nhỏ tính chị đã rất nhút nhát. Vì vậy đến lúc có bầu và chuyển bị sinh nở, hai vợ chồng đã phải bỏ ra khá nhiều tiền của và công sức để chọn được một bệnh viện mà người chồng có thể tham gia vào ca đẻ cùng vợ. Tuy anh Hùng (chồng Phương) cũng là người khá sợ máu nhưng vì yêu vợ, thương con anh vẫn quyết tâm đi đẻ cùng vợ. Trong phòng sinh nở, anh luôn cố gắng làm mọi việc mà bác sĩ yêu cầu đặc biệt anh không bao giờ rời tay vợ trong suốt quá trình vợ đau đẻ.
Anh Hùng kể: “Lúc vào phòng sinh, ban đầu mình cũng run lắm, nhưng nghĩ nếu mình cũng sợ thì vợ còn sợ đến mức nào, thế là cố gắng lấy lại bình tĩnh. Nhìn vợ rặn đẻ mà mình toát hết mồ hôi hột, chỉ sợ cô ấy không còn sức để thở”.
Chia sẻ về ca sinh nở của mình, chị Phương nói: “Lúc sinh con, công nhận là mình đau thật nhưng mình không thể nhịn được cười mỗi khi nhìn thấy mặt anh xã. Có lẽ cũng nhờ có anh bên cạnh mà mình thấy bớt đau hơn. Khi bác sĩ hô: “1,2,3 rặn…” là anh xã cũng rặn theo mình. Buồn cười nhất là mồ hôi của anh chảy ra chẳng kém gì mình luôn. Sau khi con đã ra ngoài mà mắt anh vẫn cứ nhắm tịt, mặt méo mó như đang rặn đẻ. Dù vượt cạn có vất vả nhưng nhờ có anh xã bên cạnh mà mình thấy hạnh phúc được nhân lên bội phần”.
Ngày nay, những câu chuyện chồng hết lòng nuôi vợ đẻ hay chồng không ngần ngại vào phòng đẻ cùng vợ không còn hiếm. Không ít những anh chồng còn chẳng nề hà giặt từng chiếc váy ướt đẫm máu cho vợ hay chiếc tã đầy phân xu của con. Có những người còn tình nguyện vệ sinh vùng kín cho vợ những ngày sau đẻ… Điều đó để nói lên rằng, đồng hành cùng sự vất vả của mẹ bầu 9 tháng mang thai và quá trình vượt cạn luôn có các anh xã và người thân bên cạnh để giúp đỡ và động viên tinh thần. Vì vậy các mẹ bầu đừng lo phải cô đơn trong hành trình đón con yêu chào đời nữa nhé!