Bầu bí khiến nhiều chị em “đỏ mặt”, xấu hổ vì “hôi như cú”, “xì hơi” không kiểm soát. Trong thời gian mang thai, sự thay đổi hormone trong cơ thể khiến nhiều mẹ bầu lâm vào tình trạng “khóc dở mếu dở” vì những thay đổi “kỳ cục” của cơ thể. Hãy cùng “vén màn” những bí mật đáng sợ về bầu bí mà nhiều chị em chưa từng được biết tới.
Ôi trời ơi, ốm nghén
Một trong những điều mà các chị em thường xuyên nghe người thân, bạn bè, đồng nghiệp ca thán khi mang thai là tình trạng ốm nghén nghiêm trọng của họ. Lúc đó có thể bạn nghĩ: “Ôi trời, nôn thì có là gì đâu. Mình đã nôn suốt cả tuần sau bữa tiệc điên cuồng ở nhà Hà Lan đấy chứ. Chắc các chị chỉ “than” lên cho sướng thôi. Bà bầu mà”. Nhưng trên thực tế, ốm nghén quả là cơn ác mộng với nhiều mẹ bầu khi hàng ngày họ thường xuyên phải chạy vào toilet và phun ra nào là mật xanh, mật vàng. Tồi tệ hơn, nôn ọe có thể dẫn đến tình trạng mất nước, giảm cân, ợ nóng …. và khiến thai phụ phải nhập viện.
Để hạn chế ốm nghén, chị em nên làm bạn với tất cả các sản phẩm từ gừng: trà gừng, kẹo gừng….hay chanh tươi. Ngoài ra đừng quên vitamin B6 và các thực phẩm giàu chất sắt như thịt bò, trứng, rau lá xanh…. Lưu ý uống đủ nước và tránh xa các thực phẩm chiên, rán, nhiều dầu mỡ nhé.
“Ngượng chín mặt” vì són tiểu
Nhiều thai phụ chia sẻ rằng họ cảm thấy “ngượng chín mặt” vì bị són tiểu khi cười, hắt hơi hay chỉ đơn giản là cúi xuống nhấc một đồ vật nào đấy. Tuy nhiên đây là chuyện “bình thường như cân đường hộp sữa” bởi áp lực của thai nhi đè lên bàng quang cùng với lượng nước tiêu thụ mỗi ngày nhiều hơn bình thường sẽ khiến chị em lâm vào tình trạng xí hổ nói trên, đặc biệt trong những tháng cuối thai kỳ.
Do đó các bác sĩ khuyên rằng chị em nên ghé thăm nhà vệ sinh ngay khi thấy bụng tưng tức, không nên để bàng quang đầy nước và tăng cường tập các bài tập Kegel giúp xương chậu chắc khỏe. Nếu bị són tiểu thường xuyên, mẹ bầu nên chọn quần lót có độ thấm hút cao, thay quần lót thường xuyên. Tránh sử dụng băng vệ sinh hàng ngày để phòng chống nguy cơ viêm nhiễm “cô bé”.
Sao da dẻ xấu thế?
Có lẽ mơ ước cháy bỏng của nhiều chị em khi đang trong quá trình “đeo ba lô ngược” là bao giờ da đẹp lại như thời con gái, trắng mịn, hồng hào, không vết thâm, nám. Nguyên do là bởi khi mang thai, hormone trong cơ thể thay đổi khiến hầu hết mẹ bầu gặp rắc rối với vấn đề da dẻ.
Chị Hoàng Lan (Cầu Giấy, Hà Nội) than thở: “Ôi khi mang thai bé Nhím, có lúc em phát điên với làn da của mình. Nào là mặt đỏ phừng phừng như con gà chọi, đèn pin nổi loạn khắp nơi, da xỉn hẳn lại, rạn rồi ngứa ghê gớm nữa chứ. Suốt ngày gãi như gãi ghẻ. Khổ lắm chị ạ”.
Theo các chuyên gia, để hạn chế trường hợp trên chị em nên thường xuyên sử dụng kem chống nắng mỗi khi đi ra ngoài, uống đủ 2 lít nước hàng ngày, ăn nhiều rau xanh và hoa quả tươi, rửa mặt sạch sẽ và tập thể dục đều đặn.
Vùng kín có mùi
Trong thời gian mang thai, vùng kín của thai phụ có nhiều thay đổi như “cô bé” sưng to lên, tăng dịch nhờn âm đạo. Đây là điều kiện thuận lợi cho sự xuất hiện và phát triển của vi khuẩn và nấm, khiến chị em bị ngứa, viêm nhiễm…. âm đạo, gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe của mẹ và sự phát triển của thai nhi, tăng nguy cơ sinh non, nhiễm trùng ối và các bệnh hậu sản khác.
Vì thế chị em nên vệ sinh vùng kín hàng ngày, thay quần chíp ít nhất 2 lần/ 1 ngày, giữ “cô bé” khô ráo, sạch sẽ, tránh thụt rửa quá mạnh, hạn chế sử dụng dung dịch vệ sinh …. và đi khám phụ khoa trong trường hợp cần thiết.
Ngại quá, em lại “xì hơi”
Dù rất cố gắng nhưng hầu như chị em rất ít có thể kiểm soát được chứng xì hơi vô tội vạ của mình trong thời gian mang bầu. Nguyên nhân là do hoạt động đường ruột chậm đi dưới ảnh hưởng của quá trình tuần hoàn progesterone trong cơ thể. Vì thế thức ăn sẽ lưu lại lâu hơn trong dạ dày. Trong dạ dày lại có chứa những vi khuẩn có lợi, có chức năng tiêu hóa thức ăn và tăng cường khả năng hấp thụ thức ăn. Quá trình này sẽ sản xuất ra hơi khí, khiến chị em “méo mặt” khi bất chợt “xì hơi”.
Chị Trâm Anh (Ba Đình, Hà Nội) buồn rầu chia sẻ trên một diễn đàn nổi tiếng: “Các mẹ ạ, em bị “xì hơi” suốt cả ngày. Lúc ở nhà một mình thì em “xả” thoái mái. Nhưng mà lúc ở cơ quan thì khổ quá, cứ phải nhẹ nhàng sao cho không ra tiếng chứ nếu không thì “ê” mặt lắm. Đêm về hai vợ chồng đang trùm chăn ngủ mà em lại “xì khói” chứ. Ngượng chín cả mặt”.
Bà bầu có thể giảm thiểu tối đa tình trạng này bằng cách chia nhỏ bữa ăn, cố gắng nhai thật chậm và tránh xa các thực phẩm có chứa sulfur như cải bắp, hành tây, súp lơ. Nếu tình hình trở nên nghiêm trọng hơn, chị em nên đến gặp bác sĩ để được trợ giúp.
Mùi cơ thể nồng nặc
Hiện tượng đổ mồ hôi đầm đìa khắp cơ thể nhất là trong những tháng cuối thai kỳ khiến nhiều chị em cảm thấy bối rối. Chị Hương Tràm (Hoàn Kiếm, Hà Nội) kể: “Phòng làm việc của em rất đông người nên khi thấy người ra nhiều mồ hôi em đã chủ động xịt đủ các thể loại mà không ăn thua các chị ạ. Nhiều khi đứng gần đồng nghiệp, em thấy họ kín đáo nhăn mũi mà thấy buồn ghê, biết là mấy em ấy chưa chồng nên chưa có kinh nghiệm nhưng mà… Có hôm sáng đến em thấy lọ lăn nách đặt trên bàn chứ. Tủi thân chỉ muốn khóc thôi. May mà kìm lại được”.
Các chuyên gia cho rằng thực ra đổ mồ hôi là cách để cơ thể hạ nhiệt khi sự trao đổi chất và lưu lượng máu trong cơ thể tăng cao khiến thân nhiệt thai phụ tăng 0.3 – 0.5 độ C so với bình thường. Chị em có thể hạn chế tình trạng trên bằng cách lựa chọn những trang phục có chất liệu thấm hút tốt, rộng rãi, thoáng mát, uống nhiều nước, sử dụng lăn khử mùi dạng thoa hoặc dạng xịt thường xuyên.