Không ngại chăm con nhưng mỗi lần thấy con ị là anh Định (Hàng Trống, Hà Nội) khiếp vía. Có lần con “bĩnh” ra giữa nhà, anh sợ quá vội lấy luôn cái bát úp vào, chờ vợ về xử lý.
Từ việc “ị” của con…
Vốn là ông bố không ngại chăm con, nên ngay từ khi có con đầu lòng, anh Định luôn bên vợ săn sóc con nhỏ. Anh bế con, hát ru, chơi đùa với con thành thạo không kém bất kỳ một người vợ đảm nào. Duy chỉ có cái khoản “ị” của con là anh… khiếp sợ.
Anh Định không hiểu sao mỗi khi nhìn thấy con “bĩnh” ra là anh muốn ọe và không nuốt nổi cơm. Khi con còn nhỏ, anh có thể an tâm bế và chơi cùng con vì con đã được đóng bỉm. Nếu thấy con “nghệt mặt nghệt mũi” rồi gồng mình “rặn” thì ngay lập tức, anh gọi bà nội hay vợ lên “giải quyết”. Nếu con có lỡ “bĩnh” ra bỉm thì chỉ cần ngửi thấy mùi lạ là anh bắt vợ kiểm tra luôn.
Bây giờ, bé nhà anh đã đi vững, lại bị hăm đỏ nên vợ anh quyết định “cai” bỉm cho con (chỉ đóng về đêm). Vì thế, chuyện trông con khiến ông bố trẻ nhiều phen… hú vía. Hôm rồi, hai bố con đang đùa nhau trên tầng 2 thì con kêu: “Ị, ị”. Anh vội vã xách nách con chạy vèo xuống tầng dưới cho vợ. Sau đó, anh vô tư đi lên mà không biết “sản phẩm hạng nặng” của con đã rải rác đầy cầu thang.
Lần khác, yên tâm con vừa ngồi bô xong nên anh Định bế con đi siêu thị. Lúc anh đang hăm hở chọn hoa quả thì cu cậu nhà anh mặt bỗng… thuỗn ra rồi rối rít: “Bố, ị… ị”. Chưa biết phản ứng thế nào thì anh đã ngửi thấy… mùi. Ngay tức tốc, anh cởi khăn bịt vào đít con rồi ôm con lao ra cửa, gọi điện thoại cho vợ mang quần và giấy ướt đến “xử lý”. Khi vợ anh đến, hỏi quần bẩn của con đâu, anh chỉ tay vào thùng rác gần đó, bảo: “Ném đi rồi. Mùi không chịu nổi. Sao nó bé thế này mà còn thối hơn cả người lớn nhỉ?”.
Anh Tấn (Thanh Xuân, Hà Nội) cũng từng có “lịch sử đáng nhớ” với “cục ị” của con. Một lần, vợ anh vắng nhà thì con gái “cho ra” một đống trên sàn. Chẳng biết phải làm sao trong lúc chờ vợ về dọn, nhìn thấy cái nón bà ngoại hay đội đi chợ, anh Tấn vội tháo quai nón rồi… úp tạm lên đó. Lần khác, con “ị” trong khi bố vừa ăn xong bát mỳ, anh Tấn luống cuống cầm luôn bát vừa ăn mỳ, lại… úp lên đấy.
… đến chuyện hát ru
Vừa xoa lưng con, vừa ầu ơ hát ru bài “Con cò mà đi ăn đêm” đến đoạn: “Có xáo thì xáo nước trong. Đừng xáo nước đục đau lòng cò ơi” thì bé nhà Lan bỗng bật dậy, hét lên: “Mẹ, không phải. Đau lòng cò con!”.
Mỗi khi ru con ngủ, chị Lan (Hà Đông, Hà Nội) thường chọn những bài hát ru đơn giản mà đã thuộc lòng từ lâu. Đấy là những bài hát ngày xưa mẹ chị từng hát ru chị. Bây giờ, chị hát ru con trai. Trước đây, chuyện hát ru con với chị Lan thật đơn giản vì chỉ cần vác con lên vai, đu đưa vài vòng, có khi vừa xong bài hát thì con đã ngủ tít.
Nhưng từ ngày bé biết nói, bé luôn “lý sự” với mẹ mỗi khi mẹ hát sai lời hoặc “nhắc bài” cho mẹ. Có lần, chị Lan vừa vỗ mông con, vừa ngân nga bài hát ru “cái Bống”, đến đoạn kết: “Bống ra gánh giúp, chạy cơn mưa…” vì muốn kéo dài đoạn này để con mau ngủ, chị ngân ngã mãi điệp khúc: “cơn mưa, cơn mưa…”. Bé nhà Lan lúc đó đang thiu thiu ngủ, thấy mẹ ngân mãi, chắc “bực” nên vội nhắc: “Chạy cơn mưa rào”… Sau đó, thấy con định vùng dậy nên chị phải vội giữ lại.
Rút kinh nghiệm từ những lần ấy, mỗi khi ru con, chị rất cẩn thận để tránh không bị sai lời, cũng không được “xuyên tạc” lời hay giai điệu bài hát, kẻo con chẳng chịu ngủ, cứ canh mẹ hát sai để nhắc…
Còn chị Thùy (Thanh Xuân, Hà Nội) mỗi khi hát ru con thì cũng được con… ru lại. Tức là hễ mẹ hát một câu là con gái chị nhanh miệng hát câu tiếp theo. Nếu chị Thùy hát: “Bà còng đi chợ trời mưa”, con chị dù đang gà gật trên lưng mẹ (do được mẹ cõng) cũng sẽ nhanh nhảu: “Cái tôm cái tép đi đưa bà còng”… Cứ thế, hết bài này rồi lại sang bài khác, có khi đến gần tiếng đồng hồ “hát ru vật vã” với con, mẹ thì khô cổ, díu mắt mà con thì vẫn hăm hở… hát.
“Chẳng biết mẹ ru con hay con ru mẹ nữa” – chị Thùy chia sẻ.