Cu Bờm (gần 2 tuổi) rất hiếu động nên luôn khiến cả nhà quay như chong chóng. Cu cậu chạy nhảy, leo giường, trèo ghế, mở cửa tủ, bật điều khiển tivi, rút phích điện, sờ nắp bình rượu của ông nội…
Chị Thanh (mẹ cu Bờm) cho biết, bé rất nghịch, luôn chân luôn tay, không mấy khi chịu ngồi yên, trừ lúc ngủ. Bé thích gì là phải đòi thò tay vào cho bằng được, nếu không là giãy trên sàn hờn hoặc cào, cấu, cắn mẹ. Mỗi bữa cơm, cả nhà không thể yên ổn vì cu Bờm lấy đũa, lấy thìa chọc, ngoáy hoặc gẩy tung đồ ăn. Bị ông bà giữ tay là cu cậu ngửa cổ gào khóc, chân tay khua loạn xạ, dỗ thế nào cũng không được.
“Cháu hay tới đầu giường, tìm ví của ông nội, lục tiền rồi rải khắp nhà. Hoặc mon men mở tủ lạnh, với lấy trứng gà rồi đập. Có khi chỉ nhoáng một cái đã không thấy con đâu, vội vã đi tìm thì bé đang ở sân nhà hàng xóm, túm tai, giật râu con mèo” – Thanh kể.
Cùng cảnh với chị Thanh, cậu con trai 2 tuổi rưỡi nhà Hường (Thanh Trì, Hà Nội) cực kỳ nghịch và hiếu động. Bé rất thích những cái mới nên hễ thấy ông bà, bố mẹ làm gì là nhanh nhẹn chạy ào tới, hỏi: “Bà ơi, cái gì đấy?” hoặc “Mẹ, làm gì đấy?”. Sau đó, cu cậu bắt chước ngay. Chẳng hạn, thấy mẹ cầm dao bổ bưởi là bé sấn tới đòi dao; thấy ông hất nước thừa ra sân thì cu cậu cũng đòi uống nước, còn thừa một ít là bắt chước ông, hất ra sân…
“Bé nghịch hầu như cả ngày. Bé có xem hoạt hình cũng chỉ được vài phút hoặc chỉ chăm chú xem một đoạn quảng cáo, xong là hoạt động, nhún nhảy, hò hét, sờ cái nọ, nghịch cái kia” – chị Hường cho biết.
Có con hiếu động, nghịch ngợm nên lúc nào ở nhà với con, chị Hường cũng phải quát mắng khản cả cổ. Hôm nào mẹ đi làm, bé ở với bà thì vừa về nhà, bà nội đã than: “Cho nó đi học thôi, chứ thế này thì chịu không trông nổi”. Hường cũng định cho con sớm đi học để bé được rèn rũa cho bớt hiếu động.
Nhiều cha mẹ lo ngại, làm sao để biết bé nhà mình là hoạt bát hay hiếu động thái quá, cần phải đưa đi khám. Theo các chuyên gia, bé hiếu động thái quá có biểu hiện dễ hưng phấn, có xu hướng đột ngột thay đổi tâm trạng, biểu hiện cảm xúc thái quá, không tập trung, vận động thường xuyên và không có mục đích, nói huyên thuyên… Tuy nhiên, rất khó để cha mẹ phân biệt được con mình là hiếu động bình thường hay biểu hiện bệnh. Vì thế, nếu lo lắng, phụ huynh nên đưa con đi khám.
Theo chuyên gia tâm lý Hồng Hà cho biết: “Với những bé hiếu động không phải là bệnh thì phụ huynh không cần quá lo ngại. Các bé trai từ độ tuổi biết đi thường ưa hoạt động, thích tìm tòi, khám phá và nghịch liên tục. Điều đó cũng là bình thường”.
Để giảm bớt sự hiếu động của con, giúp bé tập trung và bình tĩnh hơn, cha mẹ không nên chọn đồ chơi có tính chất hung hăng như súng, kiếm, đao… cho bé. Nên cho bé thời gian dạo chơi, chơi những trò yên bình, xem tivi trong thời gian cho phép nhưng không nên cho bé chơi các trò trên máy vi tính.
Chuyên gia tâm lý Hồng Hà cũng cho biết thêm: “Với những bé hiếu động, được cha mẹ cho ra ngoài trời vận động sẽ tốt cho thể lực của bé. Những trò chơi như đá bóng, đuổi bắt… vừa tốt cho sức khỏe lại thỏa mãn sự hiếu động của bé.
Cần tạo cho trẻ một không khí yên tĩnh trong nhà. Trong phòng của bé không ai cao giọng, không bật tivi và không có ai quấy rầy. Cần thu dọn hết những gì làm nó xao nhãng, như đồ chơi, chiếc xe đạp yêu thích…
Cố gắng để con bạn có một thời gian biểu trong ngày nghiêm ngặt, trong đó thời gian cho dạo chơi và những trò chơi yên bình phải nhiều hơn, thời gian xem tivi ít hơn. Không nên cho trẻ chơi các trò trên máy vi tính”.