Có thể bây giờ đang sướng, nhưng chỉ vài năm nữa thôi, chị em sẽ thấy hối tiếc.
Tôi là một phụ nữ năm nay đã 35 tuổi, lấy chồng từ năm 24. Có một cậu con trai năm nay lên lớp 4 và một cô công chúa nhỏ mới tròn 8 tháng. Vậy nhưng từ khi sinh xong bé thứ hai, hết 3 tháng 10 ngày ở cữ tôi đã quay lại đi làm. Nói vậy để biết, tuổi đời, kinh nghiệm chăm con, làm mẹ, làm vợ của tôi không phải là ít. Và theo “thiển ý” của tôi thì, ở nhà chăm con, sướng thì có sướng nhưng…rằng chẳng còn đấy các chị ạ.
Tôi còn nhớ lần tôi mang bầu bé đầu tiên, chồng tôi cũng đã “ngọt nhạt” rằng thì “Anh chẳng cần em đi làm kiếm tiền. Cứ ở nhà chăm con chu toàn là được rồi.” Sau mấy đêm liền suy đi tính lại, tôi cũng đã quyết định nộp đơn xin nghỉ việc. Cứ thử tưởng tượng, vừa mới hôm qua, tôi còn quần áo công sở là lượt, ngồi đánh máy nhoay nhoáy với biết bao tài liệu, giấy tờ, sổ sách trong một ngân hàng thuộc loại mơ ước của nhiều sinh viên mới ra trường. Hôm nay, tôi đã áo phông quần ngố, đi lại thoăn thoắt chăm con trong nhà. Cảm giác đấy, hẳn chị em ai cũng hiểu nó “sốc” đến như thế nào. Tôi đã ra quyết đinh, công việc cũng đã bỏ. Và tôi bắt đầu công việc mới mang tên: ở nhà chăm con.
Khỏi phải nói, được tự tay chăm sóc cho đứa con đầu lòng của mình, từ bữa ăn, cái mặc đến giấc ngủ, thấy con yêu bám mẹ và lớn lên từng ngày hạnh phúc biết chừng nào. Tuy nhiên, càng về sau này, tôi càng nhận ra mình đã sai lầm.
Ở nhà chăm con, tôi đã tự tay thu hẹp thế giới của mình, thu hẹp ước mơ, tham vọng và cả sự tự tin của bản thân. Không phải tôi không có bạn bè. Trong suốt một năm đầu ở nhà chăm con, tôi thậm chí còn “kết bạn” được thêm với mấy bà mẹ hàng xóm ở quanh khu chung cư tôi ở. Có người cũng nghỉ việc ở nhà nội trợ như tôi, có người thì bằng cấp thấp, xin việc cũng không ai nhận. Tuy nhiên, những câu chuyện của chúng tôi khá nhàm chán. Tất cả chỉ xoay quanh chuyện con hôm nay ăn mấy bát cơm, cái đầu mới này làm ở đâu, siêu thị hôm nay khuyến mại cây lau nhà mới, phim truyền hình hôm qua đến tập bao nhiêu rồi….Nhiều khi tôi nhớ đến quay quắt những ngày còn đi làm, được giao tiếp với đủ mọi loại người, đủ các tầng lớp, được mở mang kiến thức, tầm nhìn và thế giới quan.
Tôi lại nhớ đến mình ngày trước, cô sinh viên mới ra trường với hừng hực khí thế sẽ làm trưởng phòng của một ngân hàng lớn. Vậy mà giờ đây, tôi chẳng biết mình còn có thể làm được việc gì. Đụng vào đâu tôi cũng không biết cách làm. Tiếng anh của tôi mất dần, khả năng máy tính kém đi. Tôi thậm chỉ chỉ còn mơ ước sẽ được nhận vào làm lễ tân của một công ty nhỏ. Tôi thui chột dần tham vọng và ước mơ phấn đấu cho cuộc sống riêng của bản thân. Thậm chí, tôi đã phải nhờ đến một đứa trẻ con hàng xóm hướng dẫn giùm cách sử dụng loại điện thoại mới mà chồng tôi sắm cho. Tôi thấy mình lạc hậu và mất tự tin.
Điều hối hận thứ hai của tôi về quyết định của mình, đó là tự tôi khiến mọi người khinh thường tôi, chồng tôi khinh thường tôi. Ở một xã hội mà người làm ra tiền vẫn là người có quyền, có tiếng nói như ngày nay, thì những người ở nhà chăm con với các công việc bỉm sữa không tên liệu có được tôn trọng? Trước đây tôi và chồng cùng dậy lúc 7 giờ, 7 giờ 30 chúng tôi cùng đi làm, ăn sáng, chia tay nhau, 6 giờ chiều gặp nhau tại nhà. Chồng tôi khi đó coi tôi là ngang hàng. Vậy nhưng chỉ sau một năm ở nhà lam lũ chăm con, anh ta đã không còn được như trước đây. Tôi thường xuyên phải nghe bố mẹ chồng bóng gió “Nó sướng lắm, ở nhà chồng nuôi. Có phải làm gì đâu”. Chồng tôi thì còn tệ hơn. Anh làm việc thâu đêm suốt sáng không đoái hoài đến vợ chỉ vì “Phải kiếm tiền nuôi cả gia đình”. Những công việc “nuôi gia đình” như anh nói bây giờ lại bao hàm cả việc đi sớm về khuya, gặp gỡ đối tác, được quyền không đụng tay việc gì khi về nhà và thoải mái phàn nàn khi món canh bị mặn. Tôi chua xót và cay đắng lắm.
Điều thứ ba tôi khuyên chị em nên suy nghĩ lại, đó là vì vấn đề tiền – vấn đề muôn thủa không ai có thể chối từ. Ai bảo đi làm không vì tiền? Tôi cho đó là sĩ diện hão. Tiền nong đóng một vai trò rất lớn trong đời sống gia đình. Có thể bây giờ gia đình đang dư dả, nhưng ai nói trước được điều gì? Kinh tế ngày càng khó khăn, lạm phát, các công ty lao đao. Một ông chồng với mức lương tới tận 2000$ một tháng nhưng nuôi 4 miệng ăn thì liệu có thoải mái không? Làm sao để con có thể được uống sữa ngoại, mặc đồ hiệu, học trường quốc tế, mang đến cho bé những gì tối ưu nhất được đây?
Nếu chị em nào chê bai rằng tôi đang vì bản thân, rằng “ở nhà chăm con là hi sinh lớn vì con”, tôi cho đó lại càng sai lầm. Có mẹ ở nhà, con sẽ càng hư. Có thể khi bé, con sẽ quấn quít bên mẹ, yêu mẹ. Vậy nhưng khi chúng lớn lên ra đời, đi học, đi chơi, gặp gỡ bạn bè. Chúng sẽ nhìn ta với con mắt khác. Con trai tôi chỉ thấy bố đi làm kiếm tiền. Còn mẹ, vất vả với hàng tá những công việc đi chợ, giặt giũ, cơm nước…nó vẫn cho rằng tôi “chẳng làm gì”. Rằng chỉ có bố mới là người “có tác dụng”, là người nó cần nghe lời và tôn trọng. Tôi ở nhà làm đủ việc cho con nhưng chính những “hi sinh” đó lại biến con thành người chây lười, ỷ lại và không tôn trọng mẹ.
Ở nhà chăm con là một bước lùi lớn trong cuộc đời của người phụ nữ. Làm mất đi bao nhiêu cố gắng của cánh đàn bà chúng ta trong việc lấy lại công bằng và bình đằng giới. Tôi băn khoăn là, chỉ với vài lý do “sơ sơ” tôi kể trên, liệu chị em có còn muốn “ở nhà chăm con”?