Gợi ý cha mẹ cách xử lý khi bé lên 3 giận dữ, buồn rầu, gắt gỏng hay không chịu chia sẻ. Chuyên gia tâm lý của Babycenter sẽ mách các mẹ một vài mẹo nhỏ để xử lý những tật xấu của bé lên 3:
1. Bé trai 3 tuổi nhà tôi không chịu cho mẹ gội đầu. Tôi phải làm gì?
– Bạn nên tìm cách gội đầu để nước hay bọt xà phòng không rơi vào mắt bé, làm bé hoảng sợ. Chẳng hạn, bạn có thể mua một chiếc mũ chắn nước rơi vào mắt khi gội đầu hoặc một loại kính bảo vệ khi gội đầu cho con.
Bé cần được gội đầu nhưng không cần quá thường xuyên. Bạn có thể gội đầu cho bé khoảng 3-4 lần mỗi tuần. Điều này giúp bé có những giờ tắm vui vẻ, đặc biệt nếu bạn chỉ tập trung vào những điểm tích cực của con, khen ngợi và cổ vũ bé khi bé tắm ngoan.
Tắm chung với bé có thể làm bé được trấn an. Đồng thời, luôn chọn sữa tắm, dầu gội không làm cay mắt bé. Hãy thử các cách gội đầu khác nhau, như gội cho bé dưới vòi hoa sen, trong chậu hoặc phao tắm. Sau đó, tìm ra cách gội đầu mà bé chịu hợp tác nhất. Cố gắng động viên bé bởi giai đoạn này, bé sẽ sớm vượt qua được.
2. Bé nhà tôi thường gắt lên khi không được theo ý mình. Làm sao để bé dừng lại thói xấu này?
– Mọi bé đều có một vài tính xấu nhưng nhiều tính xấu có thể do thói quen tích tụ lâu ngày. Đặc biệt nếu bé được cha mẹ chú ý ngay khi đó.
Bé buồn rầu hay giận dỗi có thể do những tình huống khó chịu. Bởi thế tốt nhất nên động viên, hỗ trợ khi bé không được làm theo ý mình. Đồng thời, chia sẻ với bé để bé hiểu, không được theo ý mình tuy khó chịu nhưng cũng có thể vượt qua. Thử đánh lạc hướng bé mà không chú ý quá nhiều tới tâm trạng của con. Bạn cố gắng hát, chạy nhảy vòng quanh với bé để làm bé quên đi sự khó chịu vừa rồi.
3. Bé nhà tôi khi cáu gắt thì gào khóc, ho, nôn… Làm sao để ngăn chặn sự khó chịu đáng sợ này?
– Bé có thể vì quá thất vọng, xen lẫn tức giận hay sợ hãi nên thường gào khóc, kết hợp ho, nôn ọe… Để ngăn chặn điều này, bạn nên lưu ý về những nguyên nhân làm bé giận dữ? Nếu bé đòi thứ gì đó mà bạn từ chối thì nên chọn cách làm bé bị phân tâm hoặc chấp nhận mong muốn của bé trong mức độ có thể. Điều này không có nghĩa là cho mọi thứ bé yêu cầu nhưng có thể lùi lại thời hạn cho bé, chẳng hạn bé có thể ăn bánh sau bữa trưa một lúc. Sau đó, lôi kéo bé vào những hoạt động khác.
Nếu bé gào khóc, nôn ọe, bạn nên bình tĩnh. Tránh giận dữ hoặc quan tâm tới bé quá nhiều. Cảm giác cáu gắt của bạn có thể làm bé bị nôn tiếp.
4. Bé 3 tuổi nhà tôi ở nhà chỉ bám mẹ. Tôi phải làm sao để bé bớt bám mẹ?
– Bạn có thể cho bé chơi bên cạnh mẹ khi mẹ đang làm việc nhà. Chẳng hạn, khi bạn đang nấu ăn thì có thể cho bé ngồi chơi với bát đĩa nhựa hoặc dạy bé giúp mẹ vài việc vặt hay bất cứ việc gì mà bé thấy hữu ích, có liên quan tới mẹ. Bé sẽ dần có cảm giác mình quan trọng với mẹ, đồng thời giúp xây dựng sự độc lập và tự tin cho bé.
5. Hai bé 3 tuổi và 2 tuổi nhà tôi chí chóe với nhau cả ngày. Các bé làm tôi phát “điên” lên?
– Sự tranh giành, cãi cọ giữa hai bé thường làm cha mẹ bực mình nhưng không đến nỗi hết cách. Hãy động viên, khen ngợi khi hai bé biết chơi chung, hòa thuận với nhau. Nói cho các bé biết chính xác những gì mẹ mong muốn. Ví dụ: “Cảm ơn con vì đã chia bánh cho anh” hoặc “Con ngoan lắm vì biết cất giày cho em” hơn là chỉ nói: “Con giỏi lắm”.
Ngoài ra, cần kiểm tra xem liệu mẹ có thiên vị một trong hai anh em quá. Điều này có thể khiến “kẻ thiệt thòi” phải “làm loạn” để thu hút sự quan tâm từ mẹ.